‘Chuyển giao bắt buộc’ sẽ được đưa vào Luật các TCTD ra sao?
“Chuyển giao bắt buộc” được nhắc đến khá nhiều trong thời gian qua thay cho việc Nhà nước áp dụng biện pháp mua bắt buộc 0 đồng. Theo đó, Chính phủ đã có Tờ trình lên Quốc hội về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các tổ chức tín dụng (TCTD) 2010. Trong đó, Dự thảo Luật nêu cụ thể và toàn diện các nội dung về chuyển giao bắt buộc TCTD được kiểm soát đặc biệt.
Từ nay sẽ không còn những ngân hàng được mua lại giá "0 đồng" như OceanBank?. (Ảnh: TBKTSG). |
Theo dự thảo, điều kiện chuyển giao bắt buộc là khi TCTD không xây dựng được phương án phục hồi, hoặc không được phê duyệt, hoặc hết thời hạn thực hiện phương án phục hồi mà không phục hồi được, hoặc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) xét thấy TCTD được kiểm soát đặc biệt không có khả năng phục hồi theo phương án đã được phê duyệt; không thực hiện được việc sáp nhập, hợp nhất, chuyển nhượng toàn bộ phần vốn góp, cổ phần cho nhà đầu tư mới; giá trị thực của vốn điều lệ và quỹ dự trữ ở mức âm.
Hình thức chuyển giao bắt buộc bao gồm chỉ định TCTD, nhà đầu tư mới nhận chuyển giao bắt buộc. Thẩm quyền phê duyệt phương án chuyển giao bắt buộc do Ngân hàng Nhà nước trình Chính phủ phê duyệt.
Về trình tự, thủ tục chuyển giao bắt buộc lần lượt các bước sau: Xác định giá trị thực, ghi giảm vốn điều lệ và nhu cầu bổ sung vốn điều lệ; Yêu cầu tăng vốn, thời hạn hoàn thành (bao gồm cả việc cổ đông hiện hữu tăng vốn hoặc góp vốn của nhà đầu tư mới); Xây dựng phương án chuyển giao bắt buộc trình Chính phủ quyết định; Ngân hàng Nhà nước tổ chức thực hiện phương án chuyển giao bắt buộc.
Ngoài ra, Dự thảo Luật cũng quy định cụ thể về điều kiện của TCTD, nhà đầu tư được chỉ định, quyền của TCTD được chỉ định, các biện pháp hỗ trợ phục hồi cho TCTD được kiểm soát đặc biệt được chuyển giao bắt buộc; quy định về thoái vốn và xử lý pháp nhân sau khi chuyển giao bắt buộc.
Phương án chuyển giao bắt buộc gồm các nội dung về Bên nhận chuyển giao; Phương án tăng vốn và thời hạn thực hiện tăng vốn; Phương án hoạt động kinh doanh trong từng giai đoạn phù hợp với thực trạng; Phương án cơ cấu tổ chức quản lư, điều hành; Phương án xử lý các tồn tại, yếu kém về tài chính, nợ xấu, tài sản bảo đảm và các biện pháp khắc phục các vi phạm pháp luật;
Phương án xử lý tiền gửi của khách hàng là pháp nhân; tiền gửi và tiền vay của TCTD khác; các khoản vay đặc biệt trước khi phương án chuyển giao bắt buộc được phê duyệt; các biện pháp hỗ trợ cần áp dụng, thời hạn thực hiện phương án phục hồi.
Đối với TCTD được chỉ định nhận chuyển giao bắt buộc được quyền sở hữu 100% vốn điều lệ của ngân hàng thương mại được chuyển giao bắt buộc.
TCTD nhận chuyển giao không thực hiện hợp nhất báo cáo tài chính của ngân hàng thương mại được chuyển giao bắt buộc, đồng thời được loại trừ ngân hàng thương mại được chuyển giao bắt buộc khi tính tỷ lệ an toàn vốn hợp nhất.
Liên quan đến khoản góp vốn của TCTD nhận chuyển giao bắt buộc trong Dự thảo Luật này khá giống so với Phương án mua bắt buộc TCTD yếu kém trong Dự thảo lần 1 Luật hỗ trợ tái cơ cấu các TCTD và xử lý nợ xấu được NHNN lấy ý kiến vào tháng 4.
Cụ thể, khoản vốn góp của TCTD nhận chuyển giao bắt buộc vào NHTM được chuyển giao bắt buộc (để đơn giản, sau đây gọi tắt là khoản góp vốn của TCTD nhận chuyển giao) không phải thực hiện trích lập dự phòng giảm giá các khoản đầu tư. Khoản vốn góp của TCTD nhận chuyển giao được loại trừ khi tính giới hạn góp vốn, mua cổ phần của TCTD nhận chuyển giao bắt buộc.
Mức góp vốn, mua cổ phần của TCTD nhận chuyển giao được thực hiện theo tỷ lệ quy định tại phương án chuyển giao bắt buộc đã được phê duyệt. Bên cạnh đó, TCTD nhận chuyển giao được bán cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài phù hợp với phương án chuyển giao bắt buộc đã được phê duyệt; áp dụng các biện pháp hỗ trợ khác phù hợp thực trạng của TCTD được chuyển giao bắt buộc.
Về việc thoái vốn hoặc xử lý pháp nhân đối với TCTD được kiểm soát đặc biệt được chuyển giao bắt buộc thực hiện khi đáp ứng đầy đủ các điều kiện gồm hoàn thành việc tăng vốn theo phương án mua bắt buộc đã được phê duyệt; sau một năm kể từ thời điểm quyết định chỉ định nhận chuyển giao bắt buộc có hiệu lực.
Đồng thời dự thảo Luật cũng quy định TCTD được chỉ định, nhà đầu tư mới nhận chuyển giao phải thực hiện thoái vốn hoặc xử lý pháp nhân TCTD được nhận chuyển giao bắt buộc theo một trong các trường hợp sau: (i) Ngân hàng Nhà nước chấm dứt kiểm soát đặc biệt; (ii) Hết thời hạn thực hiện phương án chuyển giao bắt buộc đã được phê duyệt.
Việc thoái vốn hoặc xử lý pháp nhân được thực hiện theo các hình thức sau: (i) Thoái vốn một phần hoặc toàn bộ thông qua việc chuyển nhượng cổ phần, phần vốn góp cho các nhà đầu tư mới; (ii) Chuyển nhượng toàn bộ phần vốn góp cho nhà đầu tư mới; sáp nhập, hợp nhất với TCTD khác.