Chuyên gia Yuanta: Để hút vốn ngoại, không chỉ nới 'room' mà Việt Nam cần doanh nghiệp mang tính xu hướng trong thời đại mới
Việt Nam cần nhiều hơn doanh nghiệp mang tính xu hướng trong thời đại mới
Chiều nay (9/6), Chứng khoán Yuanta Việt Nam tổ chức Hội thảo trực tuyến chuyên đề "Thị trường chứng khoán nhìn từ khu vực về Việt Nam – Cơ hội hậu đại dịch".
Từ góc độ Yuanta Việt Nam là một trong những công ty chứng khoán ngoại trong Top đầu trên TTCK Việt Nam, chúng tôi đã đặt ra câu hỏi về triển vọng dòng vốn từ Đài Loan, Trung Quốc và Hong Kong vào thị trường chứng khoán Việt Nam thông qua công ty.
Trả lời câu hỏi này, Tiến sĩ Yen, Chen Hui, Giám Đốc Chiến Lược của Yuanta Investment Consulting cho rằng đối với các nhà đầu tư từ các thị trường Trung Quốc, Đài Loan thì TTCK Việt Nam vẫn rất tiềm năng.
Tuy nhiên, đối với những nhà đầu tư nước ngoài thì TTCK Việt Nam có hai điểm cần cải thiện. Thứ nhất là vấn đề "room" ngoại. Theo đó, nhà đầu tư ngoại rất khó để tìm ra cổ phiếu tốt mà còn "room" để giao dịch, đơn cử như cổ phiếu FPT. Đây là cổ phiếu tốt nhưng khối ngoại không thể mua thêm.
Vấn đề thứ hai là doanh nghiệp niêm yết tại Việt Nam vẫn kinh doanh trong lĩnh vực mang tính quá khứ. Việt Nam cần những doanh nghiệp mang tính xu hướng trong thời đại mới nhiều hơn nữa.
Theo đó, Việt Nam cần khuyến khích tinh thần khởi nghiệp của doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực mới, mang tính cách mạng, công nghiệp mới nhiều hơn nữa để khuyến khích các NĐT đầu tư vào thị trường của Việt Nam, Tiến sĩ Yen, Chen Hui trả lời.
Cần đẩy nhanh câu chuyện nới "room", đặc biệt nhóm ngân hàng?
Đánh giá sâu hơn về câu chuyện về "room" ngoại của các nhà đầu tư nước ngoài, ông Nguyễn Thế Minh, Giám Đốc bộ phận Phân tích khối Khách hàng cá nhân Yuanta Việt Nam đưa ra một số quan điểm.
"Rõ ràng đây là câu chuyện rất lớn khi NĐT nước ngoài muốn vào đầu tư tại TTCK Việt Nam và có hai vấn đề. Một là qui mô khi đầu tư vào cổ phiếu. Bởi vì Việt Nam có vốn hóa thị trường vẫn còn rất thấp khi so sánh với các thị trường trong khu vực. Vấn đề thứ hai của "room" ngoại, nhất là cổ phiếu ngân hàng", ông Nguyễn Thế Minh chia sẻ.
Theo vị chuyên gia này, trong ba năm gần đây, hệ thống các ngân hàng của Việt Nam đang tốt dần lên, tránh các "cú sốc" nhiều lần đến từ yếu tố tác động bên ngoài. Chính vì thế khối ngoại đang đánh giá rất cao việc điều hành của hệ thống ngân hàng trong thời gian vừa rồi.
Nhà đầu tư nước ngoài thực sự muốn gia tăng tỉ lệ sở hữu cổ phiếu ngân hàng. Nhưng câu chuyện rào cản vẫn là "room" của nhà đầu tư nước ngoài. Chính vì thế, Việt Nam đang gặp khó trong việc thu hút vốn.
Ngay cả khi những ngân hàng quốc doanh muốn tăng vốn để đạt được tiêu chuẩn của Basel II như yêu cầu. Việc tham gia của các quĩ đầu tư chiến lược tại các ngân hàng này cũng rất khó bởi vì rào cản của "room" ngoại.
"Bản thân tôi và các nhà đầu tư lâu năm trên thị trường cũng rất kì vọng trong thời gian tới chúng ta giải được hai bài toán. Một là, chúng ta đẩy nhanh việc cổ phần hóa và niêm yết doanh nghiệp nhà nước trong thời gian tới. Bởi vì Việt Nam đang sở hữu khối doanh nghiệp cực kì lớn, chưa kể doanh nghiệp có nền tảng tài chính ổn và vai trò chủ chốt của kinh tế Việt Nam. Đây là điểm kì vọng nhất của tôi trong thời gian tới.
Đặc biệt với sự tăng trưởng trở lại và ổn định trong giai đoạn tới đây, việc quay lại đẩy mạnh hơn nữa việc cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước, dành sự ưu tiên cho nhà đầu tư tổ chức, đặc biệt là nhà đầu tư tổ chức nước ngoài", ông Nguyễn Thế Minh nói thêm.
Cuối cùng, theo chuyên gia từ Yuanta Việt Nam, việc nới "room" ngoại cũng là câu chuyện tiên quyết của nâng hạng thị trường. Trong những năm trước, Việt Nam đã giảm ngành nghề kinh doanh có điều kiện xuống. Trong thời gian tới, Chính phủ cần đẩy mạnh hơn câu chuyện này, đặc biệt là "room" của khối ngân hàng.