|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Chuyên gia WB: 'Tăng trưởng tín dụng 18% của Việt Nam quá cao!'

19:36 | 13/07/2017
Chia sẻ
Tại buổi họp báo về cập nhật tình hình kinh tế Việt Nam trong 6 tháng đầu năm, Ngân hàng Thế giới (WB) ghi nhận kinh tế Việt Nam đã có chuyển biến tích cực, dần lấy lại đà tăng trưởng trong nửa đầu năm 2017, đồng thời chỉ ra những rủi ro đối với nền kinh tế.
chuyen gia wb tang truong tin dung 18 cua viet nam qua cao

Ông Sebastian Eckardt (giữa), Chuyên gia kinh tế trưởng, Quyền Giám đốc Quốc gia của WB tại Việt Nam tại buổi họp báo. Ảnh: Minh Tuấn.

Triển vọng kinh tế vẫn tích cực…

Đánh giá triển vọng trung hạn của Việt Nam vẫn tích cực, WB giữ nguyên dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm nay ở mức 6,3%, nhờ sức cầu trong nước mạnh, sản xuất nông nghiệp phục hồi và nhờ nền sản xuất chế tạo chế biến theo định hướng xuất khẩu phát triển. Ngoài ra, cầu bên ngoài phục hồi, phần nào bù đắp sự suy giảm sản lượng dầu thô.

Áp lực lạm phát vẫn chỉ ở mức khiêm tốn, do lạm phát cơ bản ổn định và giá các dịch vụ y tế, giáo dục do Nhà nước quản lý sẽ được điều chỉnh theo lộ trình hợp lý và ở mức vừa phải. Tài khoản vãng lai dự kiến vẫn thặng dư, tuy ở mức thấp hơn do nhập khẩu tăng trở lại.

Về trung hạn, ông Sebastian Eckardt, Chuyên gia kinh tế trưởng, Quyền Giám đốc Quốc gia của WB tại Việt Nam, dự báo tăng trưởng GDP sẽ ổn định quanh mức 6,4% trong 2 năm tới.

“Tỷ lệ tăng trưởng kinh tế 6,3% khá cao so với các nền kinh tế khác. Do đó, chúng tôi không cho rằng [Việt Nam] nên tiếp tục kích cầu hay mở rộng chính sách nới lỏng”, vị chuyên gia kinh tế trưởng lưu ý.

“Nền kinh tế Việt Nam vẫn đang thể hiện sức dẻo dai nhờ ưu thế của các yếu tố căn bản đảm bảo tăng trưởng của Việt Nam, bao gồm sức cầu trong nước và ngành sản xuất chế tạo chế biến," ông Sebastian Eckardt nói.

… nhưng thách thức và rủi ro không ít

Báo cáo bán niên của WB chỉ ra nhiều thách thức và rủi ro cho nền kinh tế Việt Nam. Trước hết, chính sách mở cửa mạnh mẽ cùng sự phụ thuộc vào dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của Việt Nam khiến cho nền kinh tế dễ bị tổn thương khi tăng trưởng ở các đối tác thương mại lớn chững lại.

Quá trình phục hồi kinh tế vẫn mong manh của Mỹ và châu Âu nếu yếu đi và kinh tế Trung Quốc nếu bị điều chỉnh mạnh hơn cũng sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng của Việt Nam, vốn có định hướng xuất khẩu cao.

Mặc dù Việt Nam hội nhập tài chính chưa nhiều và sâu rộng như một số quốc gia khác trong khu vực, nhưng nếu thị trường tái chính toàn cầu biến động mạnh hơn, lãi suất toàn cầu tăng cao và nhanh hơn cũng làm cho cán cấn kinh tế đối ngoại phải chịu áp lực.

Nhìn vào các yếu tố nội tại, các chuyên gia WB nhận định tốc độ tăng trưởng kinh tế chịu nhiều tác động từ tiến độ xử lý các hệ lụy dai dẳng của khu vực doanh nghiệp nhà nước và xử lý nợ xấu một cách hiệu quả.

“Tăng trưởng chậm hơn sẽ làm tăng áp lực nới lỏng chính sách tài khóa và tiền tệ với rủi ro sẽ làm đảo ngược những thành quả gần đây về ổn định kinh tế vĩ mô và làm tăng thêm những bất cân đối vĩ mô chưa được xử lý triệt để”, báo cáo nhấn mạnh.

Ngoài ra, tình trạng tỷ giá thực gia tăng liên tục có thể làm giảm khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp tư nhân trong nước.

Theo WB, tỷ giá USD/VND tham chiếu chỉ tăng 1,23% trong năm 2016 và khoảng 1,3% từ đầu năm 2017 đến nay. Tuy nhiên, tỷ giá thực hiệu lực (REER) đã tăng khoảng 5% trong năm 2016 và 24% kể từ năm 2010 nhờ dòng vốn FDI và ngoại thương tăng mạnh.

Quan ngại chưa lắng về tăng trưởng tín dụng nóng

Tại nhiều buổi họp báo gần đây, ông Sebastian Eckardt liên tục cảnh báo tín dụng ở Việt Nam tăng quá nhanh.

Tăng trưởng tín dụng hiện đạt 20% so với cùng kỳ năm trước và Ngân hàng Nhà nước đề ra mục tiêu tăng trưởng cho vay 18% trong năm nay.

Sự tăng trưởng hàm lượng tín dụng và tăng trưởng tín dụng cao kéo dài có thể làm dấy lên quan ngại về chất lượng tài sản, nhất là trong điều kiện nợ xấu trước đây vẫn chưa được xử lý triệt để, ông Sebastian Eckardt nhấn mạnh tại buổi họp báo chiều ngày 13/7.

Trả lời câu hỏi của BizLIVE về mục tiêu tăng trưởng tín dụng 18% trong năm nay, ông Sebastian Eckardt cho biết WB ủng hộ quan điểm của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) rằng Việt Nam nên kiềm chế tăng trưởng tín dụng.

chuyen gia wb tang truong tin dung 18 cua viet nam qua cao IMF cảnh báo Việt Nam tăng trưởng tín dụng quá nhanh

Tỷ lệ tín dụng/GDP của Việt Nam hiện gần đạt tới mức của thời kỳ bất ổn kinh tế vĩ mô trước đây, cho thấy ...

chuyen gia wb tang truong tin dung 18 cua viet nam qua cao IMF hạ dự báo tăng trưởng GDP 2017 của Việt Nam xuống 6,3%

Hôm thứ Năm (6/7), Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) công bố hạ dự báo tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Việt ...

Do đó, ông Sebastian Eckardt khuyến nghị Việt Nam cần giảm phụ thuộc vào ngành ngân hàng để tăng trưởng kinh tế, thay vào đó là thúc đẩy thị trường vốn.

“Tỷ lệ tín dụng/GDP ở mức 130% là quá lớn rồi. Tăng trưởng tín dụng gấp 3 lần tốc độc tăng trưởng danh nghĩa của GDP. Chúng tôi không cho rằng quỹ đạo như vậy là bền vững”.

“18% là con số quá cao. Lợi ích từ sự tăng trưởng này sẽ không đáng với chi phí. Tại thời điểm này Việt Nam không nên kích cầu quá nhiều khi đầu tư của kinh tế trong nước vẫn tốt”, ông Sebastian Eckardt nhấn mạnh, đồng thời từ chối đưa ra mức tăng trưởng tín dụng hợp lý.

Trong một báo cáo tuần trước, IMF cho rằng Việt Nam cần hạ mục tiêu tăng trưởng tín dụng xuống 15% để giảm rủi ro cho hệ thống tài chính.

Minh Tuấn