|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Chuyên gia VPBankS dự báo VN-Index có thể đạt 1.650 - 1750 điểm khi được nâng hạng và gợi ý danh mục đầu tư

18:50 | 27/03/2024
Chia sẻ
"Nếu thị trường chứng khoán Việt Nam thực sự được nâng hạng, VN-Index trong khoảng hai năm tới đây sẽ có thể vượt qua vùng đỉnh lịch sử 2021 – 2022 và đi lên một vùng cao mới", chuyên gia VPBankS cho biết.

Chứng khoán Việt Nam ở con sóng lớn thứ tư mang tên nâng hạng

Trong hội thảo VPBankS với chủ đề "Chọn danh mục - đón sóng lớn" diễn ra chiều ngày 27/3, ông Trần Hoàng Sơn, Giám đốc Chiến lược Thị trường VPBankS Research đưa ra đánh giá thị trường vẫn đang trong chu kỳ nới lỏng tiền tệ, VN-Index vẫn tiếp tục đi lên ít nhất là hai đến ba năm tới. Ngoài hai yếu tố là nới lỏng tiền tệ và tăng trưởng trở lại còn có câu chuyện nâng hạng lên thị trường mới nổi.

"Chúng tôi cho rằng, với bối cảnh hiện tại thì thị trường đang trong giai đoạn phản ứng bởi đây là thời kỳ đầu nền kinh tế lấy lại đà tăng trưởng, giá tài sản bắt đầu phục hồi trở lại, lợi suất bắt đầu phục hồi đi lên, lạm phát duy trì ở mức thấp và ổn định”, ông Sơn nói.

Chứng khoán Việt Nam đang bước vào con sóng lớn thứ tư trong lịch sử. Nguồn: VPBankS.

Về phần câu chuyện nâng hạng, đây có thể là yếu tố giúp thị trường chứng khoán Việt Nam bước vào con sóng lớn thứ tư. Ba sóng lớn trước đó gồm sóng WTO (năm 2007 – 2008), sóng thoái vốn (năm 2016 - 2017), sóng tiền rẻ do dịch COVID-19 (năm 2021 - 2022), và thứ 4 là sóng nâng hạng thị trường.

Vị chuyên gia cho biết tham chiếu ở nhiều thị trường khác, trước khi được nâng hạng trong khoảng hai năm, các chỉ số ở các thị trường này thường tăng khoảng 40 – 50%. Do đó, nếu thị trường chứng khoán Việt Nam thực sự được nâng hạng, VN-Index trong khoảng hai năm tới đây sẽ có thể vượt qua vùng đỉnh lịch sử 2021 – 2022 và đi lên một vùng cao mới.

"Chu kỳ lớn đang diễn ra trong năm nay và năm sau, dự báo VN-Index có thể đạt cao nhất 1.650 – 1.750 điểm khi thị trường được nâng hạng", ông Hoàng Sơn cho biết. Khi được nâng hạng, lượng vốn thụ động vào thị trường có thể đạt hơn 800 triệu USD (với FTSE Russell) và hơn 1 tỷ USD (với MSCI), nhưng lượng vốn chủ động có thể sẽ gấp 10 lần do xu hướng đầu cơ đã diễn ra ở rất nhiều thị trường khác được nâng hạng trước đó.

Dự báo kịch bản của VN-Index khi chứng khoán Việt Nam được nâng hạng. Nguồn: VPBankS. 

Tuy nhiên, ông Trần Hoàng Sơn lưu ý nhà đầu tư về việc xuất hiện bẫy giảm giá trong chu kỳ thị trường đi lên. Các nhịp điều chỉnh sâu là cơ hội để nhà đầu tư cơ cấu lại danh mục và mua vào cho chu kỳ tăng trưởng nóng hơn khi có sự tham gia của công chúng trong giai đoạn đầu cơ xuất hiện.

Về dòng tiền, Giám đốc Chiến lược VPBankS đánh giá thanh khoản tăng mạnh trở lại, nếu như đầu năm 2023 ở quanh 13.000 – 14.000 tỷ đồng, giá trị giao dịch đã tăng mạnh về cuối năm và đạt trung bình gần 18.000 tỷ đồng. Sang đến năm 2024, thị trường liên tiếp xuất hiện những phiên giao dịch đạt trên 1 tỷ USD, thậm chí lên gần 2 tỷ USD. Điều đó cho thấy thị trường đang ở giai đoạn mới về thanh khoản, niềm tin của nhà đầu tư đã trở lại, những tuần gần đây tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 3/2022.

Khía cạnh thứ hai là tiền gửi của nhà đầu tư liên tục tăng lên trong quý I, II, III và đặc biệt trong quý IV của năm 2023. Xu hướng cho thấy niềm tin về khả năng phục hồi kinh tế, tăng trưởng lợi nhuận doanh nghiệp tọa đà cho thị trường chứng khoán.

Về định giá thị trường, sau khi lên mức P/E 17,x lần tại vùng đỉnh tháng 9/2023, VN-Index đã điều chỉnh trở lại và định giá đã về mức hấp dẫn hơn khi đang giao dịch ở mức 15,4x lần thấp hơn mức trung bình 10 năm ở 16,6 lần. Với dự báo lợi nhuận 2024 sẽ tiếp tục phục hồi, chuyên gia VPBankS nhận định mức định giá hợp lý vẫn là cơ sở để thu hút dòng tiền tham gia trở lại.

Nhận định về thị trường năm nay, ông Trần Hoàng Sơn dự báo VN-Index có thể đạt mốc cao nhất trong năm 2024 ở mức 1.326 – 1.350 điểm, tăng 17% so với 2023 trong đó vùng dao động chính của chỉ số xoay quanh mốc 1.200 +/- 50 điểm. Mức thấp trong năm có thể ở mốc hỗ trợ 1.100 điểm.

9 cổ phiếu dự báo được hưởng lợi khi thị trường được nâng hạng.(Nguồn: VPBankS).

Những danh mục, nhóm ngành nhà đầu tư có thể quan tâm

Dựa trên những phân tích về diễn biến của VN-Index, chuyên gia VPBankS cũng đưa ra 9 cổ phiếu được hưởng lợi từ việc nâng hạng mà nhà đầu tư có thể theo dõi gồm VCB, VHM, HPG, VIC, VNM, MSN, VRE, VJC và SSI. Đây là những cổ phiếu vốn hóa lớn và có khả năng bức tốc nhanh khi dòng vốn chủ động và thụ động cùng tham gia mua trên thị trường.

Đó là danh mục đầu tư trung và dài hạn liên quan đến câu chuyện nâng hạng của thị trường chứng khoán Việt Nam. Còn trong ngắn hạn, những nhóm cổ phiếu được chuyên gia VPBankS khuyến nghị liên quan đến các câu chuyện bán lẻ (thu nhập bình quân đầu người tăng, kinh tế hồi phục), bất động sản khu công nghiệp (làn sóng FDI mạnh mẽ ở Việt Nam những năm gần đây), ngành thép (nhu cầu thép thế giới hồi phục), chứng khoán (câu chuyện thị trường phát triển, nâng hạng và phát hành tăng vốn).

Một nhóm ngành tâm điểm khác là ngân hàng với các luận điểm đầu tư như NIM 2024 kỳ vọng phục hồi ở hầu hết các ngân hàng lớn, thu nhập ngoài lãi được kỳ vọng sẽ phục hồi từ nền thấp của năm 2023, chất lượng tài sản được cải thiện. Về mặt định giá, cả P/E và P/B ngành đều chưa chạm tới mức trung bình từ 2013 nên ngành vẫn đang giao dịch ở mức khá hấp dẫn.

Danh mục đầu tư được thiết kế bởi VPBankS. Nguồn: VPBankS.

Bên cạnh những danh mục cổ phiếu đơn lẻ ở các nhóm ngành, tại sự kiện, chuyên gia VPBankS còn giới thiệu sản phẩm là những danh mục đầu tư (ePortfolio) được thiết kế sẵn dựa trên khảo sát về mức độ rủi ro, tỷ suất sinh lời kỳ vọng, thời gian đầu tư & nhóm ngành đầu tư yêu thích.

Ví dụ, danh mục đầu tư "thuận xu thế" của VPBankS có hiệu suất 36%, cao hơn mức tăng 21% của VN-Index, phân bổ vào các mã như STB, HPG, NKG, SSI, VCI. Bên cạnh đó còn có các danh mục đầu tư khác như lợi thế cạnh tranh (PVT, DGW, FPT, VCB, CTR), đầu tư giá trị (VNM, DGC, REE, GAS, DCM), cổ tức ổn định (VCS, SCS, DPM, BMP, GMD),

Diệu Nhi