|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Chuyên gia VinaCapital: Áp thuế tối thiểu toàn cầu, Việt Nam có thể thu về thêm 600 triệu USD

21:48 | 09/01/2024
Chia sẻ
Theo ông Michael Kokalari, việc áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu có thể mang đến thêm 600 triệu USD, tương đương với mức 4% lợi nhuận của các công ty FDI.

Trong báo cáo mới nhất, VinaCapital nhận định Việt Nam vẫn đang có lợi thế trong thu hút FDI ngay cả khi áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu.

Ông Michael Kokalari, Giám đốc phòng Phân tích kinh tế vĩ mô và Nghiên cứu thị trường của VinaCapital đánh giá Việt Nam có những sức hút đáng kể trong mắt các nhà đầu tư FDI khi chi phí nhân công chưa bằng phân nửa Trung Quốc nhưng chất lượng nhân công tương đương.

Bệnh cạnh đó Việt Nam có vị trí địa lý gần các chuỗi cung ứng công nghệ cao của Châu Á và là một quốc gia trong nhóm “friendshoring” ít chịu rủi ro bị áp thuế khi xuất khẩu sang Mỹ.

Áp thuế tối thiểu toàn cầu, Việt Nam có thể thu về 600 triệu USD

Ông Michael Kokalari,Giám đốc phòng Phân tích kinh tế vĩ mô và Nghiên cứu thị trường của VinaCapital. (Ảnh: VinaCapital).

Theo ông, việc áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu sẽ tác động đến hơn 100 công ty đa quốc gia đang hoạt động tại Việt Nam và mang đến thêm 600 triệu USD tiền thuế cho Chính phủ, tương đương với mức 4% lợi nhuận của công ty FDI tại Việt Nam.  

Tuy nhiên, chuyên gia từ VinaCaptial đánh giá yếu tố này không hề đáng ngại bởi Việt Nam có thể đưa ra các giải pháp khác để hỗ trợ một phần hoặc toàn bộ khoản thuế mà các công ty đa quốc gia phải trả. Hiện Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang nghiên cứu đề xuất “Quỹ Hỗ trợ Đầu tư” (Investment Support Fund – ISF) để hoàn thuế cho một số công ty thông qua việc hỗ trợ chi phí đào tạo nhân viên, chi phí R&D, hoặc chi phí lãi vay.

Bên cạnh đó, các quốc gia cạnh tranh thu hút FDI trong khu vực chắc chắn cũng sẽ có những biện pháp tương tự, sẽ khiến mặt bằng thuế giống như trước khi áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu. 

Ngoài ra, ông Michael Kokalari cho rằng việc ưu đãi thuế không phải là động lực chính để các công ty đa quốc gia quyết định đầu tư vào một quốc gia đang phát triển. Các công ty đa quốc gia sẽ cân nhắc nhiều yếu tố như chi phí, chất lượng nhân công, chất lượng hạ tầng, độ mở của môi trường kinh doanh… khi quyết định đầu tư.

Ở các nước phát triển, các yếu tố trên là gần như tương đồng, nên thuế trở thành yếu tố quan trọng hơn để các công ty đa quốc gia quyết định đầu tư, so với khi họ cân nhắc đầu tư ở các nước đang phát triển. Đây cũng là một trong những lý do dẫn đến việc phải áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu, chuyên gia từ VinaCapital nhìn nhận.

Vị thế Việt Nam nâng cao trên bản đồ FDI

Dòng vốn FDI toàn cầu giữa các quốc gia có quan hệ tốt cao hơn là các quốc gia gần nhau. (Nguồn: VinaCapital).

Với Việt Nam, vị thế và chất lượng thu hút FDI của Việt Nam càng được nâng cao. Điều này có được nhờ những bước tiến quan trọng trong năm 2023, gồm: Nâng cấp quan hệ Việt Nam - Mỹ lên “Đối tác Chiến lược Toàn diện” – giúp xây chắc vị thế của Việt Nam trong nhóm “friendshoring” của Mỹ.

Hay việc Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thăm chính thức Việt Nam sau chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Joe Biden – Việt Nam là quốc gia Châu Á duy nhất mà ông Tập đến thăm, và là quốc gia duy nhất trên thế giới mà ông Biden và ông Tập đến thăm trong năm 2023.

Cũng trong năm qua, Apple lần đầu tiên công bố sẽ đưa một số công đoạn thiết kế phát triển sang thực hiện tại Việt Nam, bên cạnh hoạt động sản xuất, lắp ráp sản phẩm hiện tại.

Chuyên gia từ VinaCapital nhận định hai điểm đầu tiên cho thấy vị thế đặc biệt của Việt Nam trên "bàn cờ" địa chính trị thế giới ở thời điểm hiện tại, điều sẽ có lợi cho nhà đầu tư đa quốc gia có cơ sở sản xuất tại Việt Nam.

"Họ sẽ không phải lo việc không bán được sản phẩm sang Mỹ, hoặc không mua được nguyên liệu sản xuất từ Trung Quốc, do cả hai quốc gia này đều muốn kết nối với Việt Nam. IMF, Atlantic Council và một số bên khác cũng đã chỉ ra rằng yếu tố địa chính trị đang trở ngày càng quan trọng khi các nước đưa ra quyết định đầu tư", ông Michael Kokalari đánh giá.

Tiếp theo, Apple lần đầu công bố sẽ chuyển hoạt động R&D sang Việt Nam, sau khi quyết định sản xuất Apple Watch tại Việt Nam vào năm 2022 – vốn là một sản phẩm phức tạp. Bước chuyển từ lắp ráp sản phẩm sang thiết kế các sản phẩm đó cho thấy tập đoàn này đang nâng cao độ chất lượng các hoạt động của họ tại Việt Nam.

Báo cáo từ VinaCapital cũng chỉ ra rằng động lực mạnh mẽ nhất thúc đẩy tăng trưởng cho một quốc gia như Việt Nam chính là sự nâng cao hàm lượng công nghệ, phức tạp trong sản phẩm và dịch vụ. Bước tiến mới của Apple là nhằm hướng đến phát triển ngành công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam, vốn là đề tài được thảo luận nhiều bởi lãnh đạo các tập đoàn lớn của Mỹ và Đài Loan như Nvidia.

Tuy nhiên, để tiếp cận được dòng vốn FDI chất lượng cao, Việt Nam cần đẩy nhanh phát triển hạ tầng vận tải và kho bãi của Việt Nam, cũng như khả năng cung cấp nguồn điện ổn định cho sản xuất, vốn là vấn đề mà các doanh nghiệp FDI lo ngại, sau khi miền Bắc diễn ra tình trạng thiếu điện mùa hè 2023.

Hạ An

Đường sắt cao tốc Bắc - Nam có thể mang về 22 tỷ USD, tạo ra thị trường xây dựng hơn 33 tỷ USD
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, dự kiến các nguồn thu từ khai thác quỹ đất tại các khu vực TOD và các hoạt động thương mại dự kiến sẽ mang về khoảng 22 tỷ USD. Bên cạnh đó, dự án này cũng sẽ tạo ra thị trường xây dựng 33,5 tỷ USD.