Chuyên gia: Việt Nam nên mở rộng đầu tư vào sản xuất chip giữa lúc toàn cầu vẫn thiếu hụt chip điện tử
Tại Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp đầu tư nước ngoài diễn ra mới đây, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Singapore tại Việt Nam (SBG) đưa ra nhiều kiến nghị trong bối cảnh toàn cầu vẫn trong tình trạng thiếu hụt chip điện tử, theo Báo Chính phủ.
Liên quan đến việc gián đoạn chuỗi cung ứng và tăng chi phí sản xuất, SBG cho rằng các chính sách khuyến khích đầu tư cho các doanh nghiệp sản xuất và công nghệ, thủ tục, quy trình pháp lý minh bạch và giảm rào cản thị trường là ba bước quan trọng mà Chính phủ có thể thực hiện khi các doanh nghiệp đang tìm cách đa dạng hóa các nhà cung cấp.
Các chuyên gia cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phát triển công nghiệp hỗ trợ trong nước nhằm giảm phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu. Vì phụ thuộc vào nguồn cung ứng và hợp tác toàn cầu mà nền kinh tế của Việt Nam đặc biệt dễ bị ảnh hưởng (khi bị thiếu hụt nguồn cung ứng).
Thứ hai, về lực lượng lao động và nhân công lành nghề, để giải quyết các thách thức về lực lượng lao động, Chính phủ Việt Nam cần ưu tiên điều chỉnh các ngành công nghiệp của Việt Nam theo hướng kỹ thuật số hóa và cải thiện khả năng tiếp cận các chương trình đào tạo tại chỗ trong các lĩnh vực này.
Bên cạnh đó, hệ thống giáo dục nghề nghiệp cần tăng cường cam kết hợp tác với các doanh nghiệp tư nhân để phát triển thêm nhiều chương trình đào tạo được cụ thể hóa, thiết kế riêng cho từng mảng kinh doanh của doanh nghiệp đó.
Thứ ba, trong lĩnh vực công nghiệp sản xuất chip điện tử, tình trạng thiếu hụt chip toàn cầu hiện đang tàn phá ngành sản xuất toàn cầu, đặc biệt là ngành công nghiệp ô tô. Các nhà phân tích dự đoán rằng tình trạng thiếu hụt sẽ kéo dài ít nhất đến cuối năm 2023.
Trong bối cảnh này, Chính phủ nên xem xét mở rộng đầu tư vào sản xuất chip bằng cách phát triển các ưu đãi đầu tư đặc biệt cho sản xuất chip. Ví dụ như các hỗ trợ về vốn tương tự như các ưu đãi được sử dụng ở Mỹ nhằm mục đích phát triển công nghiệp sản xuất chip), áp dụng cho cả đầu tư trong nước và đầu tư nước ngoài vào các lĩnh vực đó.
Các chính sách này có khả năng tác động đáng kể đến thị trường đầu tư vào lĩnh vực sản xuất chip của Việt Nam, thu hút nhiều nhà đầu tư nước ngoài mới, mang lại lợi nhuận đầu tư và các lợi ích khác nhờ việc Việt Nam trở thành nhà sản xuất chip hàng đầu.
Thứ tư, về kinh doanh kho bãi, logistics và quy hoạch, cần có những chính sách và quy định cụ thể rằng các ngành kinh doanh khác (như kinh doanh kho bãi, logistics, các dịch vụ liên quan đến thương mại điện tử) có thể được thực hiện trong các khu công nghiệp.
Do sự phát triển của các lĩnh vực logistics và thương mại điện tử, và sự chuyển dịch sản xuất sang Việt Nam, các khoản đầu tư vào kho bãi và trung tâm thực hiện để hỗ trợ các lĩnh vực này cũng đang tăng lên.
Một trong những thách thức mà các nhà đầu tư đang phải đối mặt là tìm ra địa điểm phù hợp để thực hiện các hoạt động kinh doanh này.
Do các hoạt động kinh doanh hiện tại được phép tiến hành trong các khu công nghiệp còn hạn chế, SBG khuyến nghị có thể đưa thêm các hoạt động kinh doanh dịch vụ kho bãi, dịch vụ hỗ trợ thương mại điện tử vào danh mục các hoạt động kinh doanh được thực hiện trong các khu công nghiệp, và đất đai /địa điểm (cho dù bên trong hoặc bên ngoài các khu công nghiệp) có thể được quy hoạch lại để phục vụ cho các mục đích kinh doanh này.