Chuyên gia: Thị trường khó giảm sâu, NĐT cần theo dõi diễn biến DXY và tín hiệu mua ròng của khối ngoại trong ngắn hạn
Tại Chương trình Khớp lệnh ngày 2/12, ông Trần Hoàng Sơn cho biết trong giai đoạn vừa rồi, thị trường chứng khoán Việt Nam đặc biệt chịu ảnh hưởng nhiều của tỷ giá, biến động VN-Index ngược chiều so với DXY (chỉ số đo lượng sức mạnh của USD). Tuần cuối tháng 11, DXY đã giảm từ mức cao 108 xuống dưới 105, ngược lại VN-Index tăng khả quan.
Khởi động tuần này, DXY tăng trở lại, cùng với việc VN-Index đang chạm ngưỡng kháng cự tạo nên một vùng tích lũy, rung lắc và xây dựng nền mới. Hiện, lượng cổ phiếu T+ bắt đáy của nhà đầu tư cũng đã về tài khoản, ông cho rằng mức lợi nhuận chưa nhiều nhưng cũng đã có nhà đầu tư xem xét chốt lời.
Về xu hướng, lịch sử cho thấy sự biến động giữa VN-Index và DXY rất rõ, trong ngắn hạn thị trường chịu tác động nhiều của yếu tố tỷ giá.
Trong thời gian qua đã có sự luân chuyển dòng vốn rất rõ. Thị trường phát triển như Mỹ và châu Âu tăng trưởng tác động đến thị trường cận biên (bao gồm Việt Nam).. Thị trường Mỹ tăng mạnh kết hợp tỷ giá đồng USD ở mức cao khiến dòng tiền dịch chuyển từ khu vực châu Á, emerging market (thị trường mới nổi) quay trở lại Mỹ và châu Âu, đặc biệt là Mỹ.
Khi đồng USD mạnh, Mỹ hút được dòng tiền lớn từ thế giới. Do vậy, trong bối cảnh thị trường nhiễu động từ căng thẳng Nga - Ukraine cùng những dòng trạng thái của ông Trump về chính sách thuế mới, thị trường Mỹ không có ảnh hưởng đáng kể, S&P 500 và Down Jones vẫn vượt đỉnh.
Hiện tại, VN-Index phục hồi tiến sát 1.250 điểm và tăng khoảng 40 điểm từ đáy trong khi thanh khoản chưa có dấu hiệu phục hồi kèm theo. Do vậy, đây vẫn xác định là nhịp hồi ngắn hạn với chỉ số.
Ông Sơn nhận thấy tỷ giá tuần cuối tháng 11 có điểm sáng. Đó là việc ông Trump đã chọn ông Scott Bessent làm Bộ Trưởng Bộ Tài chính mới, và ngay lập tức DXY có dấu hiệu hạ nhiệt và lãi suất trái phiếu Mỹ kỳ hạn 10 năm giảm. Do vậy, dòng tiền đã trở lại với TTCK Việt Nam khi mà nhà đầu tư nước ngoài quay trở lại bắt đáy.
Nhìn lại DXY từ 2017 đến nay, mỗi lần DXY tạo đỉnh và đi xuống, VN-Index thường có dấu hiệu tạo đáy và đi lên. Ngược lại, khi DXY tạo đáy và đi lên thì VN-Index điều chỉnh và đi xuống.
Trong giai đoạn 2023 - 2024, đặc biệt là hai tuần gần đây, DXY chạm ngưỡng rất cao 108. Tại đây, tỷ giá liên ngân hàng của Việt Nam cũng gần chạm trần lên mức 25.400 đồng/USD. Trong bối cảnh căng thẳng như vậy, áp lực bán ròng của nhà đầu tư nước ngoài diễn ra mạnh. Tuần trước, khi DXY yếu đi thì khối ngoại quay lại mua ròng.
Còn hiện tại, DXY lại đảo chiều tăng lại. Đồng thời, sau một khoảng thời gian phục hồi nhưng không kèm thanh khoản, VN-Index chạm lại vùng kháng cự 1.255 - 1.265 điểm. Chuyên gia VPBankS cho rằng thị trường có thể tạo ra nhịp cân bằng hơn trong ngắn hạn khi mà tỷ giá ổn định tương đối và kỳ vọng hạ nhiệt thời gian tới.
Về mặt kỹ thuật, xu hướng ngắn hạn VN-Index đang kiểm tra (test) lại ngưỡng cản 1.255 điểm – vùng xác định xu hướng tăng (uptrend) hay nhiễu động thời gian qua. Nếu trong trường hợp tạo nền tại 1.255 điểm kèm thanh khoản tăng, chỉ số sẽ ổn định và tiếp tục phục hồi vào cuối năm.
Nhìn lại, các đáy của VN-Index đã thiết lập chắc chắn quanh 1.200 điểm. Do vậy, trong năm nay, vùng hỗ trợ quanh 1.200 là rất mạnh. Việc nhà đầu tư nước ngoài bán ròng mạnh mà không thủng vùng này cho thấy đây là nền hỗ trợ cứng. Song, 1.300 điểm cũng là vùng kháng cự mạnh và xác nhận năm 2024 chưa thể sớm vượt qua.
Trong bối cảnh hiện tại, thị trường vẫn đang giao dịch trong ngưỡng 1.200 - 1.300 điểm và kiểm định lại khu vực 1.250. Điểm tích cực là nhà đầu tư nước ngoài giảm bán ròng và quay trở lại mua ròng. Điểm tích cực thứ hai là dòng tiền nội đang trở lại nhưng vẫn tương đối thận trọng. Nhà đầu tư được khuyến nghị có thể đang chờ DXY bình ổn hơn và tín hiệu mua ròng của nhà đầu tư nước ngoài chắn chắn hơn.
Do đó, kịch bản thị trường giảm sâu khó xảy ra, VN-Index đã dao động trong biên rộng nhưng đang thu hẹp dần và nhà đầu tư nội rất kiên cường cân được lực bán ròng hơn 3 tỷ USD năm nay.
“Đối với năm 2025, thị trường có nhiều câu chuyện như thay đổi hệ thống giao dịch, nâng hạng, tăng trưởng GDP tích cực. Do vậy, thị trường chỉnh là cơ hội mua. Còn giai đoạn hiện tại VN-Index chạm ngưỡng kháng cự thì nhà đầu tư ngắn hạn cân nhắc chốt lời, nhà đầu tư trung và dài hạn đã mua được cổ phiếu trong vùng giá thấp nhất vừa qua thì tiếp tục nắm giữ chờ xu hướng thị trường tích cực hơn trong cuối năm nay và đầu năm sau”, Giám đốc VPBankS nhận định.