|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Chuyên gia: 'Tăng trưởng GDP 6-7% thì room tín dụng năm nay phải tăng 16% mới hợp lý'

06:36 | 07/09/2022
Chia sẻ
Theo Chủ tịch Hiệp hội Tư vấn tài chính, trong giai đoạn 2017-2019, GDP tăng trưởng 6-7% thì mức tăng trưởng tín dụng đều trên dưới 15%. Vì vậy, nếu kỳ vọng mức tăng trưởng GDP năm nay ở khoảng 6% thì room tín dụng để mức 16% là hợp lý.

Cần vốn để tái cơ cấu và khôi phục, mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh song hầu hết doanh nghiệp đều đang gặp khó vì giảm thanh khoản, khó tiếp cận nguồn vốn tín dụng, nguồn vốn trái phiếu.  Về phía ngân hàng, lý do được đưa ra cho các doanh nghiệp là hết room tín dụng.

Như vậy, vỏng luẩn quẩn về việc doanh nghiệp không vay được vốn, không trả nợ nhà cung cấp, nhà cung cấp lại nhà máy, nhà máy nợ ngân hàng,... gây ra nguy cơ doanh nghiệp dừng hoạt động, nợ xấu tiếp diễn trong nền kinh tế.

 Ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ TP Hà Nội. (Ảnh: NVCC).

Bàn luận về tình trạng "khát vốn" của doanh nghiệp Tại Talk Show Phố Tài chính, ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ TP Hà Nội cho rằng, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam hiện có hơn 800.000 doanh nghiệp, tuy nhiên tới 98,5% là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ.

Với quy mô như vậy, cách thức để huy động vốn của họ hầu hết đều qua hệ thống ngân hàng, các tổ chức tín dụng, mức vốn trung bình mà khối doanh nghiệp này vay là từ 3 cho đến 10 tỷ đồng vốn ngắn hạn và trung hạn để trả lương cho hệ thống nhân sự, đầu tư máy móc trang thiết bị mang tính dài hạn từ 3-5 năm.

Sau thời gian dài dịch COVID-19 diễn ra cộng với các biến động địa chính trị quốc tế khiến cho doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn hơn khi nguồn cung nguyên liệu thiếu hụt, giá vật liệu đầu vào tăng từ 30-40%, đặc biệt là khâu logistics dẫn đễn phương án kinh doanh của các doanh nghiệp gặp khó khăn.

Lợi nhuận sụt giảm, giai đoạn 2017-2019, biên lợi nhuận của các doanh nghiệp từ 7-15% nhưng đến nay chỉ 3-5% mà chi phí tăng cao thêm.

Room tín dụng năm nay ở khoảng 16% mới là hợp lý

Ông Lê Long Giang, Chủ tịch Hiệp hội tư vấn Tài chính Việt Nam (VFCA) thì cho rằng, trong vòng 6 tháng đầu năm 2022, các doanh nghiệp đã dùng tới 90% dư địa dư nợ tín dụng. Nhu cầu vay vốn để phục hồi sản xuất tăng cao trong khi các ngân hàng không đáp ứng đủ nhu cầu dẫn đến tình trạng "khát vốn" ở các doanh nghiệp.

Room tín dụng hiện đang bị giới hạn, trong khi nguồn cung vẫn đảm bảo nhờ tiền gửi từ người dân và tổ chức kinh tế 6 tháng đầu năm đều tăng so với cùng kỳ năm trước. Nếu xét về mối tương quan giữa GDP và tỷ lệ tăng trưởng tín dụng những năm 2017-2019, GDP tăng trưởng 6-7% thì mức tăng trưởng tín dụng đều trên dưới 15%.

"Chính vì vậy, nếu năm nay chúng ta kỳ vọng mức tăng trưởng GDP ở khoảng 6% thì room tín dụng để mức 16% là hợp lý, chứ nếu để 14% thì e là khó khăn cho các doanh nghiệp", ông Giang nói.

 Ông Lê Long Giang, Chủ tịch Hiệp hội tư vấn Tài chính Việt Nam (VFCA). (Ảnh: VietnamFinance).

Thị trường chứng khoán và trái phiếu là một kênh huy động vốn dài hạn cho các doanh nghiệp, trong khoảng 6 tháng cuối năm nếu như các doanh nghiệp cần vốn thì kênh huy động từ tín dụng vẫn kịp thời và hiệu quả hơn.

Còn để huy động vốn dài hạn thì cần thúc đẩy hơn nữa thị trường chứng khoán cũng như sửa đổi Nghị định 153 liên quan đến trái phiếu doanh nghiệp.

Theo thống kê của VFCA, trong những năm trước mỗi năm có khoảng 30-40 doanh nghiệp niêm yết lên sàn chứng khoán nhưng trong 6 tháng đầu năm 2022 mới có 9/17 doanh nghiệp được chấp thuận IPO, thấp hơn hẳn các năm trước.

"Cần minh bạch, lành mạnh hoá thị trường nhưng cũng cần phải hỗ trợ các doanh nghiệp hơn nữa", ông Giang nói.

Thị trường chứng khoán giống như một "siêu thị" về tài chính mà các "hàng hoá" trên đó phải rất chất lượng để nhà đầu tư lựa chọn. Khi có niềm tin như vậy, các hoạt động của nhà đầu tư hay các sản phẩm tài chính của các doanh nghiệp đều sẽ minh bạch và đảm bảo hơn.

Việc nâng hạng thị trường để thu hút dòng vốn ngoại cũng là một chủ trương rất hợp lý. Rất nhiều quỹ đầu tư có yêu cầu về tính minh bạch của thị trường và nếu nâng hạng thành công từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi sẽ thu hút được dòng vốn ngoại vào Việt Nam, hỗ trợ cho các doanh nghiệp.

Tại cuộc họp Chính phủ thường kỳ tháng 8 diễn ra sáng nay (6/9), Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cũng cho rằng, nhu cầu vay vốn để phục hồi và mở rộng sản xuất, kinh doanh tăng cao nhiều, doanh nghiệp vẫn gặp những khó khăn trong tiếp cận vốn vay.

Tuy nhiên, điều hành tăng trưởng tín dụng vẫn chịu sức ép lớn để kiềm chế lạm phát. Bên cạnh đó, hoạt động sản xuất, kinh doanh còn gặp nhiều khó khăn. Thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản tiềm ẩn nhiều rủi ro. 

Hạ An