Chuyên gia Standard Chartered Bank: Lãi suất khó giảm thêm, có thể tăng trở lại vào cuối 2024
Tại Hội nghị cấp cao CFO Việt Nam 2023 diễn ra ngày 25/11, ông Tim Leelahaphan, Chuyên gia kinh tế của Vietnam & Thailand Standard Chartered Bank nhận định bối cảnh kinh tế vĩ mô Việt Nam sẽ tiếp tục phục hồi và tăng trưởng hơn nữa.
Rủi ro có thể đến từ giá dầu có thể quay lại xu hướng tăng trong năm 2024, khi nhiều tổ chức dự báo có thể đạt mốc 100 USD/thùng. Du lịch vẫn chưa hồi phục như trước dịch, thị trường chính là Trung Quốc chưa chắc chắn khi nào trở lại.
Hiện tượng thời tiết cực đoan El-Nino có thể làm tăng giá lương thực, dẫn đến lạm phát. Năm 2024 vẫn còn nhiều thách thức cho xuất nhập khẩu, thương mại trên toàn cầu.
Dự báo lãi suất tăng trở lại vào quý IV/2024
Standard Chartered Bank hạ dự báo tăng trưởng GDP năm 2023 của Việt Nam xuống 5% từ 5,4%, nâng sự báo lạm phát năm 2023 lên 3,4% (từ 2,8%) do lo ngại lạm phát quay lại. Điều chỉnh tăng trưởng phản ánh các dữ liệu kể từ đầu năm, triển vọng toàn cầu còn ảm đạm.
Theo ông Tim, các chỉ số vĩ mô đang cho thấy sự cải thiện tạm thời, nhưng thương mại vẫn chưa có tín hiệu phục hồi rõ ràng. Nhu cầu tiêu dùng trong nước vẫn là động lực chính của nền kinh tế với doanh số bán lẻ. Ngành xây dựng, lưu trú duy trì mức tăng trưởng so với đầu năm, lĩnh vực sản xuất bắt đầu có tín hiệu cải thiện.
Tăng trưởng GDP năm 2024 được duy trì dự báo đạt 6,7% (cụ thể hơn là 6,2% trong nửa đầu và 6,9% trong nửa cuối 2024), với xuất khẩu được kỳ vọng cải thiện. Triển vọng trung hạn vẫn sáng cửa nhờ độ mở và ổn định kinh tế của Việt Nam.
Việt Nam đã hạ lãi suất điều hành trong 2023. Đây là động thái bất ngờ đi ngược với tình hình chung trên thế giới. Tuy vậy, chuyên gia dự báo rằng nền lãi suất khó có thể hạ thêm trong thời gian tới.
Hiện tại, kỳ vọng lãi suất tái cấp vốn sẽ duy trì 4,5% cho đến cuối quý III/2024 để hỗ trợ nền kinh tế phục hồi. Trước đó, phía ngân hàng dự báo lãi suất sẽ được giữ nguyên cho đến cuối 2025.
Chuyên gia dự báo sẽ có kịch bản tăng 50 điểm cơ bản của lãi suất trong quý IV/2024 nhằm hạn chế áp lực giá cả và giữ nguyên trong 2025. Cần ít sự hỗ trợ về chính sách tiền tệ hơn khi kinh tế đạt được đà phục hồi.
Chia sẻ về thị trường vốn, ông Tim chỉ ra tỷ giá đã lên cao gần đây. Standard Chartered Bank điều chỉnh dự báo USD/VND lên 24.500 vào cuối 2023 (từ mức 23.400). Có nhiều yếu tố làm cho VNĐ có xu hướng yếu đi như Fed chưa đưa ra tín hiệu cắt giảm lãi suất, lãi suất Mỹ vẫn neo ở mức cao và dự kiến còn giữ đến giữa 2024.
Bên cạnh đó, dòng vốn có hiện tượng rút khỏi thị trường Việt Nam trong các quý gần đây. Khủng hoảng thị trường BĐS trong nước khiến việc đánh đổi giữa tăng trưởng và ổn định của Ngân hàng Nhà nước trở nên khó khăn hơn.
Mặt khác, dòng vốn FDI có xu hướng chậm lại. Theo chuyên gia, dự báo đến cuối 2024, tỷ giá sẽ có nhiều biến động, song kỳ vọng vẫn có khả năng quay về mức 23.500 VND đổi 1 USD. Ngân hàng Nhà nước sẽ tìm cách xây dựng lại dữ trữ ngoại hối khi sức mạnh đồng USD giảm.
Thị trường bất động sản chưa thể sớm trở mình
Trong khi bức tranh vĩ mô được dự báo chưa mấy sáng cửa, thị trường bất động sản (BĐS) Việt Nam được đánh giá vẫn khó khăn. Vấn đề lớn của nằm ở phía cung, khi các nhà phát triển BĐS gặp khó trong việc bán trái phiếu và huy động vốn, dẫn đến các dự án bị đình chỉ. Trên thực tế, các doanh nghiệp BĐS vẫn chậm thanh toán trái phiếu, và điều này dự kiến còn tiếp diễn trong 2024.
Khoản vay ngân hàng của các nhà phát triển bất động sản tăng 17,4% so với cùng kỳ trong nửa đầu năm 2023, vượt quá tổng mức tăng của năm 2022 là 10,7% và ngược chiều với mức tăng trưởng tín dụng thấp. Điều này có thể do khủng hoảng trái phiếu doanh nghiệp.
Ông Tim đưa ra ý kiến cá nhân rằng thị trường BĐS cần thêm hỗ trợ thanh khoản, vì các biện pháp cho đến nay dường như chỉ có tác dụng giảm áp lực trả nợ ngắn hạn. Ở góc nhìn tích cực, lãi suất thấp, các dự án mới được phê duyệt và tâm lý người mua tăng lên có thể hỗ trợ thị trường.