Chuyên gia: 'Phục hồi sản xuất sau bão, cần những chính sách tương tự như COVID-19'
Trên cơ sở kết quả 8 tháng, Tổng cục thống kê dự báo tăng trưởng kinh tế (GDP) của Việt Nam quý III đạt kịch bản đề ra tại Nghị quyết 01 của Chính phủ (6,2-6,7%) và theo đó tăng trưởng năm 2024 có khả năng đạt được kịch bản phấn đấu của Chính phủ đề ra (6,5-7%).
Tuy vậy, ngay đầu tháng 9, Siêu bão Yagi được cho rằng mạnh nhất trong vòng 30 năm qua đã đổ bộ trực tiếp vào miền Bắc với cường độ mạnh giật lên cấp 17, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến nhiều ngành, lĩnh vực kinh tế tại nhiều tỉnh thành phía Bắc.
Sẽ tác động đến kinh tế trong cuối năm
Theo TS. Nguyễn Quốc Việt, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và Chính sách (VEPR), trong ngắn hạn, các khu công nghiệp tại Quảng Ninh, Hải Phòng, Hưng Yên, Hải Dương, Thái Bình, Thái Nguyên, … đều ghi nhận thiệt hại đáng kể. Nhiều doanh nghiệp bị tốc mái, một số tường bị xé, đổ, cổng hàng rào, biển báo, hệ thống camera, nhà xe, cửa tôn kéo bị lật, nước tràn vào nhà xưởng. Điều này khiến doanh nghiệp phải mất thời gian để xử lý và phục hồi hoàn toàn khâu sản xuất, làm chậm tiến độ sản xuất và giao hàng.
“Đáng quan ngại, ở khu vực xuất khẩu nông nghiệp sẽ bị ảnh hưởng nhiều hơn khi khi nguồn cung đầu vào (từ thủy sản, nuôi trồng đến vựa trái cây) vào đều thiệt hại nặng”, ông Việt quan ngại.
Trong lĩnh vực nông nghiệp, dù tăng trưởng năm nào cũng như nhau từ tăng 2 - 3%, nhưng quan trọng hơn đã tạo ra nền sinh kế bền vững và thu hút lực lượng lao động và hộ gia đình nghèo cận nghèo tham gia. Do đó, không phải chỉ có địa phương đón bão mà cả những địa phương chịu hoàn lưu của bão như lũ lụt, sạt lở đất,…cũng đã khiến nhiều gia đình và làng xã mất toàn bộ hoa màu thì không chỉ tác động đến kinh tế mà còn tác động đến đời sống của người dân.
Cùng với đó, ngành du lịch, cụ thể là khách du lịch trong nước và khách quốc tế đến Việt Nam cũng sẽ hạn chế đi rất nhiều và sẽ không đạt được những kỳ vọng ít nhất trong vòng 1 - 2 tháng tới. Từ đó, cũng sẽ ảnh hướng đến dịch vụ bán buốn bán lẻ, thị trường trong nước…
Về dài hạn, ông Việt lo ngại, những tháng cuối năm là cao điểm sản xuất và xuất khẩu, doanh nghiệp có nhu cầu nhập nguồn nguyên liệu đầu vào. Tuy vậy, khi các cơ quan chức năng phải hạn chế lại với các phương tiện vận tải để rà soát lại các cây cầu có tính nguy cơ mất an toàn thì sẽ dẫn đến đứt gẫy chuỗi cung ứng cho doanh nghiệp ở các khu công nghiệp ở miền Bắc.
“Cơn bão này không chỉ ảnh hưởng mỗi Việt Nam mà cả Thái Lan, Lào và một loạt tỉnh của Trung Quốc thì sẽ gây thiếu hụt nguồn nguyên liệu dẫn đến tăng chi phí cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp”, ông Việt nêu rõ.
Trong khi đó, để phục hồi sản xuất, các hộ kinh doanh, doanh nghiệp cần đầu tiên là vốn để xây dựng lại nhà xưởng, mua lại máy móc, thiết bị đã bị hỏng. Nhưng sau bão, chất lượng tài sản và khả năng đảm bảo vay bị giảm nên tiếp cận được nguồn vốn phù hợp lại càng khó khăn. Ngoài ra, việc xây dựng lại cơ sở vật chất của doanh nghiệp cũng có thể gặp khó khăn do liên quan đến thủ tục, trình tự quy trình xây dựng và quy trình nhập khẩu thiết bị.
Còn theo TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh, trước khi cơn bão diễn ra, nhiều dự báo cho rằng kinh tế Việt Nam có thể đạt cận trên mục tiêu do Quốc hội và Chính phủ đề ra, hoặc có thể khả quan hơn, khoảng 6,5 - 6,7% (kịch bản tích cực).
Tuy vậy, trong bối cảnh nền kinh tế vẫn rất nhiều rủi ro do phụ thuộc vào cầu bên ngoài là yếu tố khó kiểm soát được và khu vực trong nước vẫn còn nhiều khó khăn khi số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường so với với con số gia nhập thị trường có độ chênh chưa nhiều thì những thiệt hại do con bão này dù chưa tính toán được nhưng chắc chắn sẽ tác động mạnh đến kinh tế trong cuối năm.
“Ngoài số người thiệt mạng, đằng sau đấy là tài sản nguồn lực để cho sản xuất kinh doanh bị mất trắng. Rõ nhất là nông nghiệp hoa màu, chăn nuôi, thủy sản, sản xuất công nghiệp ở nhiều vùng, kho bãi, hệ thống giao thông vận tải bị tàn phá”, ông Thành nêu rõ.
Cần những chính sách tương tự như COVID-19
Để hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất, ông Thành cho rằng có hai chính sách giống như thời kỳ COVID-19 có thể triển khai được luôn là tiền tệ liên quan đến khoanh nợ, hỗ trợ cho vay và giảm lãi suất; và chính sách tài khóa liên quan đến miễn giảm hoãn các loại thuế. Hay, trước đó, có nhiều gói hỗ trợ chưa thực hiện được thì có thể tính toán nguồn lực này hỗ trợ trực tiếp cho những hộ gia đình, cơ sở sản xuất kinh doanh phục hồi sau lũ.
"Các cơ chế hỗ trợ tài chính cần được tính toán làm thế nào để nhanh hơn và hiệu quả hơn", ông Thành nêu rõ.
Còn theo TS. Phạm Xuân Hòe, nguyên Phó Viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng (NHNN), trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng không thể tiếp cận được nguồn vốn từ các ngân hàng do không có tài sản thế chấp, đặc biệt là sau thiệt hại sau bão càng không có tài sản đảm bảo.
Vì vậy, ông Hòe đề nghị sử dụng 20.000 tỷ đồng từ gói lãi suất 40.000 tỷ đồng (gói hỗ trợ bù lãi suất 2%) không giải ngân được để thành lập Quỹ bảo lãnh cho các DNVVV. Quỹ này ở tầm quốc gia và phải đổi mới tư duy, tức là thay vì cho vay bằng tài sản đảm thì căn cứ vào chấm điểm dự án để cho DNNVV vay bằng tín chấp.
Ngoài ra, Chính phủ có thể tiếp tục kéo dài gói hỗ trợ giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) 2% để người dân và doanh nghiệp giảm bớt khó khăn trong tiêu dùng và mở rộng thị trường. Đặc biệt, với thuế thu nhập cá nhân của người dân cần phải xem xét mức giảm trừ gia cảnh để giảm đóng góp thu nhập, từ đó kích cầu cho nền kinh tế.
Chính phủ cũng cần tính toán thay đổi về mức lạm phát mục tiêu (4 - 4,5%) lên mức cao hơn khoảng 5% (trong trường hợp cần thiết) để tạo dư địa cho chính sách tiền tệ hỗ trợ doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng. Nếu như lạm phát của Việt Nam ở mức tăng 5 - 5,5% mà tăng trưởng GDP ở mức 7 - 8% thì tốt hơn nhiều lần với mức lạm phát giữ ở mức 4% - 4,5%.
"Trong bối cảnh kinh tế Việt Nam nói chung và doanh nghiệp nói riêng vẫn còn nhiều khó khăn thách thức, nếu chính sách hỗ trợ vẫn đi theo khung an toàn thì không thể có đột phá thì nền kinh tế cũng chỉ bình bình như thế thôi", ông Hòe nhìn nhận.
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/