|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Chuyên gia nói gì về nghịch lý giá cả hàng hóa chưa hạ nhiệt dù giá xăng giảm mạnh?

21:10 | 02/08/2022
Chia sẻ
Đại diện Cục Quản lý giá cho biết hiện giá một số mặt hàng quan trọng thiết yếu có biến động tăng do nhiều yếu tố tác động đan xen như tác động của giá nguyên vật liệu đầu vào, mức độ tồn kho, năng lực sản xuất, nhu cầu biến động mang tính mùa vụ...

Giá một số mặt hàng quan trọng thiết yếu có biến động tăng do nhiều yếu tố 

Gần đây, dù giá xăng đang giảm mạnh nhưng nhiều doanh nghiệp, người dân vẫn chưa hết lo lắng khi một số mặt hàng hiện đã thiết lập mặt bằng giá mới và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.

Trao đổi với Báo Chính phủ về vấn đề này, lãnh đạo Cục Quản lý Giá (Bộ Tài chính) phân tích việc giảm giá xăng dầu sẽ có tác động trực tiếp hoặc gián tiếp đến giá cả hàng hóa, nhất là hàng hóa, dịch vụ sử dụng xăng dầu làm đầu vào chính trong sản xuất. 

Tuy nhiên, hiện nay, theo quy định của Luật Giá, Nhà nước thực hiện quản lý giá theo cơ chế thị trường. Nhà nước chỉ quản lý, điều tiết sự vận động của giá cả thị trường thông qua phương thức gián tiếp là chủ yếu. Nhà nước chỉ còn định giá trực tiếp một số ít hàng hóa dịch vụ độc quyền, tài nguyên quan trọng, hàng dự trữ quốc gia, sản phẩm, dịch vụ công ích và dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách Nhà nước.

Đại diện Cục Quản lý giá cho biết hiện giá một số mặt hàng quan trọng thiết yếu có biến động tăng do nhiều yếu tố tác động đan xen như tác động của giá nguyên vật liệu đầu vào, mức độ tồn kho, năng lực sản xuất, nhu cầu biến động mang tính mùa vụ... 

7 tháng đầu năm 2022, trong các chính sách kinh tế vĩ mô đã được triển khai thì các chính sách về thuế đã được ban hành kịp thời.

Những chính sách đó đã giúp ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống của người dân, giảm áp lực đáng kể lên mặt bằng giá. 

Tuy nhiên, từ nay đến cuối năm, còn nhiều áp lực lên mặt bằng giá. Việc thực hiện lộ trình giá thị trường một số mặt hàng do Nhà nước quản lý, nguy cơ tiềm ẩn từ dịch bệnh, thiên tai, bão lụt… có thể gây khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh và chuỗi cung ứng hàng hóa dịch vụ. Đây cũng là thách thức với công tác quản lý điều hành giá.

Để chủ động ứng phó với những thách thức trong công tác điều hành giá trong những tháng còn lại của năm 2022, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục tăng cường các biện pháp quản lý, điều hành giá nhằm bình ổn giá các hàng hóa, dịch vụ thiết yếu có tác động đến CPI và ảnh hưởng đến đời sống người dân, hoạt động sản xuất kinh doanh của tổ chức, cá nhân. Trong đó đặc biệt chú ý tới việc kiểm soát giá các hàng hóa, dịch vụ sau khi giá xăng dầu giảm mạnh.

Bộ Tài chính cũng sẽ chuẩn bị các phương án, kịch bản dự báo để tham mưu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đưa ra các giải pháp phù hợp với tình hình thực tế nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đã đề ra.

Lãnh đạo Cục Quản lý giá cho hay đối với việc quản lý giá các mặt hàng cụ thể (nhất là các mặt hàng đang có biến động như xăng dầu, cước phí vận tải, vật liệu xây dựng, vật tư và sản phẩm nông nghiệp, giá dịch vụ công trong lĩnh vực giáo dục, y tế), các bộ quản lý ngành, lĩnh vực phối hợp với UBND các tỉnh, thành phố tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh để chuẩn bị đầy đủ nguồn cung hàng hóa, dịch vụ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, tạo thuận lợi cho quá trình lưu thông, phân phối hàng hóa, dịch vụ.

Trong trường hợp có biến động lớn về giá, căn cứ quy định tại Luật Giá cần đề xuất và tổ chức triển khai các biện pháp bình ổn giá phù hợp.

Đối với các hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá, trước mắt cần tính toán kỹ phương án, đánh giá tác động đến mặt bằng giá, mục tiêu kiểm soát lạm phát để có phương án điều hành cụ thể để báo cáo Ban Chỉ đạo điều hành giá, Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Chuyên gia nói gì về nghịch lý giá cả hàng hóa chưa hạ nhiệt dù giá xăng giảm mạnh?

 

Với mặt hàng xăng dầu-mặt hàng nhiên liệu đầu vào quan trọng trong nền kinh tế, chi phí xăng dầu chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu giá thành của một số hàng hóa dịch vụ như vận tải-trong tháng 7/2022, giá xăng dầu có 3 đợt điều chỉnh giảm trong đó kỳ điều hành ngày 11/7 và 21/7 giá giảm mạnh nhưng giá cả nhiều mặt hàng chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. 

Về vấn đề này, chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú, nguyên Phó Giám đốc Sở Thương mại Hà Nội, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội cho rằng nghịch lý giá cả nêu trên do nhiều nguyên nhân nhưng yếu tố chủ quan là chính.

Theo ông Vũ Vinh Phú, hiện giá cả xăng dầu trong nước chưa vận hành theo kịp diễn biến thị trường thế giới, thị trường xăng dầu vẫn phụ thuộc vào số ít đầu mối, chưa có sự cạnh tranh đúng nghĩa.

Đánh giá cao về quyết định giảm thuế môi trường để giảm giá xăng dầu của Quốc hội, Chính phủ nhưng chuyên gia Vũ Vinh Phúc cho rằng đây chỉ là giải pháp cấp bách, ngắn hạn và về lâu dài cần có giải pháp đồng bộ, căn cơ hơn. 

Bên cạnh đó, ông Vũ Vinh Phú cũng nêu nghịch lý thị trường hiện nay là hoạt động phân phối không công bằng. Cấp trung gian hưởng lợi quá nhiều trong khi bản thân nhà sản xuất chưa chắc đã hưởng lãi nhiều còn người tiêu dùng phải mua hàng giá đắt. Vì vậy, nếu có giải pháp quản lý hiệu quả hơn thì câu chuyện "té nước theo mưa", hay giá cả hàng hóa "lên nhanh, xuống chậm" sẽ khó chấm dứt.

Vị chuyên gia này nhấn mạnh: "Nền kinh tế thị trường của Việt Nam có sự quản lý của Nhà nước, do đó, không thể lấy lý do để thị trường quyết định mọi thứ cũng như để các DN phân phối lớn, các siêu thị lớn gây ảnh hưởng không lành mạnh. Các cơ quan quản lý của Nhà nước, trong đó có các đơn vị như quản lý thị trường, cần làm tốt hơn nữa vai trò trọng tài để bảo vệ DN làm ăn chân chính cũng như lợi ích của người tiêu dùng".

Hồng Hà (tổng hợp)

Margin tiếp tục lập đỉnh mới, thêm hai CTCK có dư nợ vượt 20.000 tỷ đồng
Dư nợ magin ngành chứng khoán lập đỉnh mới trong 2024. Riêng Top 10 công ty chứng khoán lớn nhất ghi nhận đến 9 đơn vị vượt đỉnh cho vay trong quý cuối năm. TCBS, SSI và HSC đang là ba đơn vị đang dẫn đầu về cho vay margin.