|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Chuyên gia: Những 'cơn gió nghịch' sẽ bộc lộ nhiều điểm yếu của kinh tế Việt Nam trong trung và dài hạn

17:15 | 18/12/2022
Chia sẻ
Chuyên gia của ADB cho rằng những "cơn gió nghịch" đang trỗi dậy và làm rung lắc, bộc lộ những điểm yếu của kinh tế Việt Nam, trong đó có các vấn đề về vốn, thị trường lao động, công nghệ, phát triển thị trường nội địa và quan hệ giữa nhà nước - tư nhân.

 Hội thảo 1 với chủ đề “Kiến tạo không gian phát triển và các động lực tăng trưởng kinh tế mới”. (Ảnh: BTC)

Tại Hội thảo 1 với chủ đề “Kiến tạo không gian phát triển và các động lực tăng trưởng kinh tế mới”, Diễn đàn kinh tế Việt Nam 2023 diễn ra ngày 17/12,  các chuyên gia nhận định năm 2023 sẽ là năm khó khăn của cả Việt Nam và nhiều nước trên thế giới.

Đối với Việt Nam, nền kinh tế có độ mở, cả sức và lực đều chưa mạnh, những "cơn gió nghịch" có thể tác động không nhỏ đến tăng trưởng kinh tế trong năm tới.

Đánh giá về những cơ hội và thách thức của nền kinh tế Việt Nam trong năm 2023, ông Nguyễn Minh Cường, Chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cho rằng những cơn gió nghịch đã bắt đầu xuất hiện khi dịch COVID-19 bắt đầu bùng phát vàsẽ bộc lộ một số điểm yếu cơ cấu của Việt Nam trong trung hạn và dài hạn.

Sau một thời gian im lặng, những cơn gió này đang trỗi dậy và làm rung lắc, bộc lộ những điểm yếu của kinh tế Việt Nam. 

Thứ nhất là vốn, Việt Nam có khả năng huy động vốn nhưng lại không biết cách tiêu. Ví dụ trong kế hoạch đầu tư trung hạn, chúng ta huy động được 2 triệu tỷ đồng cho đầu tư công. Ngoài ra, nguồn vốn Việt Nam đầu tư cho năng lượng, kinh tế xanh cũng lên tới 15-20 tỷ USD/năm.

Trước dịch COVID-19, Việt Nam có 20 tỷ yen ODA không giải ngân được. Chuyên gia kinh tế ADB đặt vấn đề liệu Việt Nam có đủ sức để hấp thụ vốn, kế hoạch đầu tư trung hạn có vượt quá khả năng của nước ta.

"Trái phiếu chính phủ có lượng tiền rất lớn trong thị trường để tập trung vào đầu tư công thì không giải ngân được, trong khi thị trường trái phiếu, cổ phiếu lại cố gắng vật lộn để đáp ứng với nhu cầu phát triển. Chênh lệch ở đây rất rõ ràng", ông Nguyễn Minh Cường nói.

Thứ hai là thị trường lao động lao động, vốn được coi là động lực tăng trưởng tốt nhất của kinh tế Việt Nam, nhưng cũng bắt đầu bộc lộ nhiều vấn đề, bao gồm bảo hiểm xã hội và già hóa dân số. Hai vấn đề này đang đặt ra gánh nặng tài khóa của Việt Nam trong tương lai.

Hai năm COVID-19 đã bộc lộ điểm yếu của thị trường lao động Việt Nam về cơ cấu và những cơn gió ngược năm 2023 sẽ càng làm rõ điều này, đặc biệt với đối tượng lao động yếu thế. Hiện tượng rút bảo hiểm xã hội một lần tăng lên rất nhanh, người lao động không có chỗ dựa nào khác ngoài bảo hiểm và buộc phải rút.

Thứ ba là công nghệ và chuyển đổi số. Nước ta thu hút lượng lớn FDI, chúng ta luôn kêu gọi chuyển đổi công nghệ cho Việt Nam nhưng công nghệ là phải mua, dòng vốn FDI tạo ra việc làm nhưng kỳ vọng FDI chuyển đổi công nghệ sẽ rất khó. Thực tế cho thấy doanh nghiệp tư nhân phải mua công nghệ rất nhiều.

Thứ tư là thị trường nội địa. Nền kinh tế Việt Nam đang phát triển, thị trường nội địa có vai trò dẫn dắt tăng trưởng. Ngoài tập trung vào xuất khẩu, ông Cường cho rằng chúng ta nên khai thác thị trường 100 triệu dân, đây có thể là động lực cho các ngành công nghiệp…

Thứ năm là mối quan hệ giữa tư nhân và nhà nước. Sau hơn 30 năm đổi mới, nền tảng cho cơ sở thị trường ở Việt Nam vẫn chưa thể hình thành, điều này không có nghĩa chúng ta để thị trường chèo lái nền kinh tế Việt Nam mà một cơ chế linh hoạt để có lúc vai trò điều tiết nhà nước tăng lên, có lúc vai trò của tư nhân tăng lên.

Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế Trần Đình Thiên,PGS.TS Trần Đình Thiên, Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, nhận định đằng sau con số tăng trưởng kinh tế 8,8%, lạm phát dưới 4% vẫn còn nhiều bất cập. Những điểm yếu của kinh tế Việt Nam như năng lực hấp thụ vốn thấp, già hóa dân số... khiến người ta phải giật mình.

Ông Thiên nhấn mạnh: “Chúng ta hay quên là phải làm sao để thị trường nội địa có vai trò quan trọng hơn trong cấu trúc, mô hình phát triển của nền kinh tế. Điều này chúng ta phải nhìn sang Trung Quốc để học, điểm yếu không chịu phát triển thị trường nội địa là một rào cản lớn của kinh tế Việt Nam.

Ngoài ra, quan hệ nhà nước – tư nhân của Việt Nam chưa thực sự bình đẳng, đồng bộ. Những cơn gió nghịch sẽ khiến những điểm yếu trên rung lắc dữ dội hơn”, ông Thiên nói.

Hoàng Anh