ADB dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2022 cao hơn hẳn khu vực Châu Á - Thái Bình Dương
Tại báo cáo mới nhất, Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) đã nâng mức dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam lên 7,5% trong năm nay trong khi giảm nhẹ mức dự báo tăng trưởng của khu vực Châu Á và Thái Bình Dương.
Cụ thể, ADB dự báo, kinh tế khu vực đạt mức tăng trưởng 4,2% trong năm nay và 4,6% vào năm sau trong bối cảnh triển vọng toàn cầu đang xấu đi. Trước đó, vào tháng 9, ADB đã dự báo nền kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương tăng trưởng 4,3% cho năm 2022 và 4,9% vào năm sau còn đối với Việt Nam, ADB dự báo tăng trưởng năm 2022 là 6,5%.
Theo ADB, mặc dù nền kinh tế Việt Nam đang vận hành tốt trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu có nhiều bất ổn, nhưng rủi ro đối với triển vọng kinh tế ngày càng gia tăng. ADB nâng dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam lên mức 7,5% trong năm nay, dự báo lạm phát năm 2022 được điều chỉnh xuống còn 3,5%.
Về xuất khẩu, tuy thương mại tiếp tục tăng trưởng song các dấu hiệu cho thấy nhu cầu toàn cầu đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đang sụt giảm. Vì vậy, dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm 2023 được điều chỉnh xuống còn 6,3% do các đối tác thương mại lớn suy yếu.
Trước đó, Ngân hàng Thế giới (WB) cũng nâng dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam 2022 lên mức cao nhất khu vực, đạt 7,2% trong năm nay, thay vì 5,3% như dự báo hồi tháng 4. Dự kiến tốc độ tăng trưởng chung của khu vực châu Á - Thái Bình Dương là 3,2%.
Châu Á - Thái Bình Dương sẽ phục hồi chậm lại
Với khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, ADB nhận định, việc thắt chặt chính sách tiền tệ của các ngân hàng trung ương trên toàn cầu và trong khu vực, cuộc xung đột kéo dài giữa Nga và Ukraine, và các đợt phong tỏa tái diễn tại Trung Quốc đang làm chậm quá trình phục hồi của châu Á đang phát triển sau đại dịch COVID-19. Các hạn chế theo cách tiếp cận “Zero COVID”, cùng với thị trường bất động sản gặp nhiều khó khăn, đã một lần nữa khiến triển vọng tăng trưởng của Trung Quốc bị hạ thấp.
Chuyên gia Kinh tế trưởng của ADB, ông Albert Park, nhận định, Châu Á và Thái Bình Dương sẽ tiếp tục phục hồi, nhưng các điều kiện toàn cầu đang xấu đi có nghĩa là đà phục hồi sẽ chững lại khi bước sang năm mới.
"Các chính phủ sẽ cần hợp tác chặt chẽ hơn để vượt qua những thách thức kéo dài của COVID-19 bao gồm: Tác động của giá lương thực và năng lượng cao, đặc biệt là đối với người nghèo và người dễ bị tổn thương và bảo đảm sự phục hồi kinh tế toàn diện và bao trùm", ôngAlbert Park cho biết.
ADB đã hạ dự báo lạm phát ở châu Á đang phát triển và Thái Bình Dương từ 4,5% xuống còn 4,4% trong năm nay. Tuy nhiên, ngân hàng này cũng nâng dự báo cho năm sau từ 4,0% lên 4,2%, do áp lực lạm phát kéo dài từ giá năng lượng và thực phẩm.
Nền kinh tế của Trung Quốc được dự báo sẽ tăng trưởng 3% trong năm nay, so với dự báo trước đó là 3,3%. Dự báo cho năm sau giảm từ 4,5% xuống còn 4,3% do suy thoái toàn cầu. Dự báo tăng trưởng GDP của Ấn Độ được duy trì ở mức 7,0% trong năm tài khóa này và 7,2% trong năm tài khóa tiếp theo.
ADB đánh giá, ngay cả với các mức dự báo bị hạ thấp này, các nước châu Á đang phát triển vẫn sẽ làm tốt hơn các khu vực khác trên toàn cầu, cả về tăng trưởng và lạm phát.
Với khu vực ASEAN, dự báo tăng trưởng được nâng từ mức 5,1% lên 5,5%, trong bối cảnh tiêu dùng và du lịch phục hồi mạnh mẽ ở Malaysia, Philippines, Thái Lan và Việt Nam. Tuy nhiên, dự báo tăng trưởng của ASEAN cho năm 2023 của ADB giảm từ 5% xuống còn 4,7% do nhu cầu toàn cầu suy yếu.