|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Chuyên gia kinh tế Trần Đình Thiên: Công nghệ cao mà không có điện cũng chết

22:38 | 21/08/2019
Chia sẻ
PGS.TS Trần Đình Thiên khẳng định tầm quan trọng của điện năng trong bối cảnh nguồn cung điện bị đe dọa thiếu hụt.
Chuyên gia kinh tế Trần Đình Thiên: Công nghệ cao mà không có điện cũng chết - Ảnh 1.

Khó khăn về đảm bảo cung ứng điện cho giai đoạn 2021- 2025 là khá hiện hữu bởi nhiều dự án chậm tiến độ.

Nhu cầu sử dụng điện tăng cao, nhiều dự án điện lại chậm tiến độ, hiệu quả tiết kiệm điện chưa cao…là những lý do khiến nguy cơ thiếu hụt điện ngày càng lớn.

Diễn đàn năng lượng Việt Nam: Tiết kiệm năng lượng cho ngành công nghiệp phát triển bền vững là sự kiện được Bộ Công Thương phối hợp với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và Báo Công Thương tổ chức sáng 21/8 tại Hà Nội đã chỉ ra nhiều vấn đề về an ninh năng lượng của nước ta trong những năm tới.

Lo thiếu điện

Thứ trưởng Bộ Công Thương, Hoàng Quốc Vượng cho biết, theo quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011-2020 có xét đến năm 2030 được Thủ tướng phê duyệt ngày 18-3-2016 (Quy hoạch điện VII điều chỉnh) thì từ nay đến năm 2030, năng lượng phải đáp ứng đủ nhu cầu điện cho mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của cả nước với mức tăng trưởng GDP bình quân khoảng 7,0%/năm" - Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng cho biết thêm.

Cũng theo kịch bản này thì tốc độ tăng trưởng nhu cầu điện trong năm 2020 đến 2025 và 2030 tương ứng sẽ là 235, 325 và 526 tỷ kw/h.

Nếu tổng công suất của toàn hệ thống hiện nay khoảng 54.000 MW bao gồm cả năng lượng tái tạo như năng lượng điện gió, mặt trời thì đến năm 2020 sẽ đạt khoảng 60.000MW và dự kiến lên đến 130.000 MW vào năm 2030.

Đây là thách thức lớn đặt ra với ngành năng lượng trong việc bảo đảm thu xếp và huy động nguồn vốn đầu tư rất lớn để mở rộng, nâng cấp lưới điện truyền tải, phân phối, đầu tư, phát triển nguồn điện mới cũng như cung ứng đủ các nguồn năng lượng sơ cấp cho các nhà máy điện.

Khó khăn về đảm bảo cung ứng điện cho giai đoạn 2021- 2025 theo Thứ trưởng Vượng là rất hiện hữu do nhiều dự án điện đáng nhẽ đưa vào vận hành nhưng lại bị chậm tiến độ với nhiều lý do khác nhau.

Từ năm 2015, Việt Nam đã chuyển từ một nước xuất siêu sang nhập siêu về năng lượng và ngày càng phụ thuộc nhiều hơn vào nguồn năng lượng nhập khẩu, các nguồn năng lượng tái tạo có giá thành còn cao và gặp nhiều rào cản kỹ thuật và tài chính trong việc phát triển và vận hành các nguồn điện từ năng lượng tái tạo.

Trong đó, cường độ năng lượng của các ngành sản xuất công nghiệp, tiêu thụ nhiều năng lượng đều giảm dần trong giai đoạn 2011-2015, như sắt thép, xi măng, sợi dệt…vẫn chưa như kỳ vọng.

Báo cáo của Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (Bộ Công Thương) cho thấy, trong giai đoạn 2011-2015 đã đạt được mục tiêu tiết kiệm từ 5-8% tổng mức tiêu thụ năng lượng của cả nước, tương đương với việc tiết kiệm từ 11-17 triệu TOE (đơn vị tiêu thụ năng lượng).

Từ thực tế tiết kiệm năng lượng từ khối các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp, ông Trịnh Quốc Vũ, Phó vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (Bộ Công Thương) cho biết, tiềm năng kỹ thuật để tiết kiệm năng lượng trong khu vực công nghiệp ở Việt Nam là từ 20 - 30%, thậm chí có những khu vực lên tới 40%. 

Các ngành sản xuất kể trên hoàn toàn có thể đạt được kết quả tiết kiệm năng lượng cao hơn nữa.

Sản lượng điện sản xuất của hệ thống điện Việt Nam dù liên tục tăng trưởng cao trong thời gian dài, cụ thể, năm 2000, sản lượng điện sản xuất đạt 22 tỷ kWh, đến 2018 đã tăng lên 220.31 tỷ kWh và dự kiến 2019 kà 242 tỷ kWh, nhưng thiếu điện vẫn là nỗi lo cận kề.

“Với tốc độ tăng trưởng phụ tải khoảng 10%/năm như hiện nay, mỗi năm cần sản xuất bổ sung 20-25 tỷ kWh, tương đương 3.000-4.000MW công suất đặt từ các dự án nguồn điện đưa vào vận hành thương mại, trong khi nhiều dự án nguồn điện đang chậm tiến độ…gây khó khăn cho cung cáp điện”, ông Võ Quang Lâm, Phó tổng giám đốc EVN nêu thực tế.

Bộ Công Thương dự tính, việc cung cấp điện năm 2020 về cơ bản sẽ được đáp ứng nhưng tiếp tục tiềm ẩn rủi ro, và đối mặt với nguy cơ thiếu điện trong các tình huống cực đoan nếu nhu cầu phụ tải cao hơn dự báo, lưu lượng nước về các hồ thủy điện kém, thiếu hụt nguồn nhiên liệu than, khí cho sản xuất điện

Mấu chốt là giá nào

PSG.TS  Trần Đình Thiên, Nguyên viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, có vẻ như Việt Nam chỉ tìm mọi cách tăng trưởng sản lượng mà chưa tập trung vào khâu tiết kiệm năng lượng, trong khi cơ chế giá theo thị trường cạnh tranh chưa có thì nói tiết kiệm năng lượng làm sao được.

"Không chỉ có giá năng lượng, quan trọng nhất là cách tiếp cận tất cả các loai giá đầu vào của Việt Nam, trong đó có một trong những giá đầu vào quan trọng bậc nhất là đầu vào năng lượng

Ông Trần Đình Thiên

“Tôi rất thương ngành điện, giá điện hơi cao đã bị la làng rồi, nhưng vấn đề mấu chốt là phải tiếp cận đúng về cơ chế thị trường, cụ thể ở đây là câu chuyện giá. Giá điện còn thấp thì khó kêu gọi tiết kiệm điện, càng khó mời gọi nhà đầu tư vào sản xuất nguồn điện, lưới điện, đặc biệt là các dự án năng lượng tái tạo”, ông Trần Đình Thiên nêu quan điểm.

“Giá điện bình quân toàn thế giới là 14cent//kWh, nhưng ở Việt Nam chỉ có 7 cent/kWh, vì liên quan đến giá, thì khi giá tốt người ra sẽ sản xuất nhiều, không thì sẽ sản xuất ít".

Ông Thiên cũng cho hay, sau 30 năm thu hút FDI của Việt Nam trên nền tảng chiến lược năng lượng như vậy, nên ngành điện ít thu hút được các nhà đầu tư nước ngoài, nếu có cũng là các dự án có công nghệ thấp.

 Tại sao lại thế, đó là vì giá điện chưa hấp dẫn, nên cần phải nhìn nhận lại giá năng lượng cho phù hợp, phải chuyển sang tính toán giá điện theo cách tính mới để thu hút vốn FDI vào làm điện. Phải tính đến kịch bản đáp ứng nhu cầu năng lượng, nhưng mấu chốt vẫn là giá như thế nào.

"Thiếu hụt năng lượng cũng là một trong những nguyên nhân làm hiệu quả sử dụng năng lượng kém đi. Phải đề xuất cho làm lại điện hạt nhân. Không có điện là chết, công nghệ cao mà không có điện cũng chết".

Thế Hải