|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Chuyên gia: Giá dầu tiếp tục tăng sẽ tạo sức ép lớn lên lạm phát, nhất là vào cuối năm

12:03 | 04/04/2022
Chia sẻ
Nếu giá dầu tiếp tục tiến đến mốc 140 USD/thùng, chuyên gia cho rằng lạm phát bình quân cả năm vẫn có thể đạt mốc 4%, song lạm phát tháng so với cùng kỳ sẽ vượt 4% ngay trong tháng 8, tháng 9 và đến cuối năm có thể trên 7%.

Tại buổi Đối thoại chuyên đề "Vòng xoáy lạm phát - Kiểm soát chi phí đẩy", ông Nguyễn Đức Trung, Quyền Hiệu trưởng, Trường Đại học Ngân hàng TP HCM đã có những nhận định về rủi ro lạm phát tại Việt Nam.

Theo ông Nguyễn Đức Trung, lạm phát luôn có những tác động vòng 1,2,3… đến nền kinh tế liên quan đến giá xăng dầu. Giá xăng dầu tăng trong thời gian qua đã ảnh hưởng rất mạnh đến một loạt các mặt hàng như luyện kim, phân bón… Nhìn chung, xăng dầu ảnh hưởng đâu đó khoảng 20-45% chi phí đầu vào và độ trễ sẽ liên quan đến vòng 1-2.

Ngoài xăng dầu, Việt Nam cũng cần chú ý tới việc Trung Quốc vẫn đang theo đuổi chiến lược Zero-COVID. Điều này sẽ dẫn đến gián đoạn chuỗi cung ứng, nguy cơ thiếu nguyên vật liệu rất lớn và làm tăng giá.

Ông Nguyễn Đức Trung dự báo mục tiêu kiểm soát lạm phát năm 2022 ở mức 4% rất khó khăn và tạo áp lực lớn cho nhà điều hành.

Lý giải về điều này, ông Trung cho hay thông qua sự điều hành của Ngân hàng Nhà nước tỷ giá đầy đủ khả năng chống chịu được những cú sốc từ bên ngoài, cung tiền rất ổn định không có sự kích hoạt lạm phát. Tuy nhiên, vấn đề năng lượng rất khó đoán, khó để kiểm soát do vẫn phải phụ thuộc vào thị trường quốc tế.

"Còn nhớ năm 2017, kịch bản không tốt đã diễn ra với giá dầu, thì nay kịch bản còn không tốt hơn nữa. Giá dầu đang vượt so với kịch bản bình quân đưa ra là trên 50%. Và khi giá dầu ở mức 100-125 USD/thùng thì giá xăng trong nước sẽ tăng khoảng 40% và lạm phát tăng 1,44 - 2,7%", vị chuyên gia nêu ý kiến.

Ngoài ra, về vấn đề thực phẩm, mặc dù chúng ta không bị ảnh hưởng bởi lúa mỳ do xung đột Nga – Ukraine. Tuy nhiên, chúng ta lại bị ảnh hưởng từ việc không tái đàn của giá heo. Bên cạnh đó, Việt Nam có thể ảnh hưởng hơn từ việc nhiều mặt hàng trên thế giới đang tăng. Đồng thời, chi phí y tế và giáo dục dù năm nay có thể kiểm soát được nhưng những năm tiếp theo vẫn phải tăng để phù hợp với thị trường.

Với các cấu phần như vậy, ông Trung nhận định nếu xăng dầu tiếp tục tiến đến mốc 140 USD/thùng thì lạm phát bình quân cả năm vẫn có thể đạt mốc 4%, song lạm phát tháng so với cùng kỳ sẽ vượt 4% ngay trong tháng 8, tháng 9 và đến cuối năm có thể trên 7%.

Điều này sẽ mang tới nhiều tác động tiêu cực về kỳ vọng lạm phát và sẽ áp lực hơn nữa cho việc điều hành, kiểm soát lạm phát trong năm 2023. 

Do đó, ông Trung kiến nghị, nhà điều hành nên thể hiện tính linh hoạt với thị trường trong thời điểm hiện tại. "Cần điều chỉnh phù hợp về mục tiêu 4% để tránh kích hoạt tâm lý kỳ vọng lạm phát. Thà điều chỉnh sớm thì sẽ giảm áp lực cho nhà quản lý, tránh kỳ vọng từ người dân, thể hiện tính linh hoạt và thị trường", ông Trung nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, ông Đặng Công Khôi, Phó Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho biết một yếu tố khác cần lưu ý kiểm soát là lạm phát kỳ vọng bởi tác động ghê gớm đến tâm lý chung khi hàng loạt quốc gia trên thế giới đang đối mặt với lạm phát cao kỷ lục và các chi phí đầu vào của hoạt động sản xuất kinh doanh cũng chịu nhiều áp lực. Việc kiểm soát lạm phát kỳ vọng cũng sẽ là một thành công rất lớn.

Theo Phó Cục trưởng Cục Quản lý giá, chi phí đẩy hiện là thách thức lớn nhất và phải kiểm soát được vấn đề này, lạm phát cơ bản sẽ đạt được mục tiêu.

"Chúng tôi cũng sẽ tính toán đến kịch bản lạm phát do cầu kéo. Tổng cầu đang dần phục hồi, đây là một điều đáng mừng vì sức khỏe của nền kinh tế đang bắt đầu hồi phục và các chính sách vĩ mô bắt đầu phát huy tác động tích cực đến nền kinh tế", ông Đặng Công Khôi nêu ý kiến.

Phương Trang