|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Chuyên gia: GDP quý II cao hơn kịch bản đề ra là cơ sở để đạt mục tiêu tăng trưởng 6 - 6,5%

07:42 | 30/06/2024
Chia sẻ
Theo Vụ trưởng Vụ Hệ thống Tài khoản quốc giaTổng cục Thống kê (GSO), nếu không có biến động lớn, có khả năng Việt Nam sẽ đạt mục tiêu tăng trưởng cả năm 2024 trong khoảng 6 - 6,5%.

Theo Tổng cục Thống kê, sau đà tăng trưởng trong quý I, kinh tế Việt Nam quý II tiếp tục khởi sắc với tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng 6,93% so với cùng kỳ năm trước, chỉ thấp hơn tốc độ tăng 7,99% của quý II/2022 trong giai đoạn 2020 - 2024. 

Tính chung 6 tháng, GDP tăng 6,42% so với cùng kỳ năm trước, chỉ thấp hơn tốc độ tăng 7,99% của quý II/2022 trong giai đoạn 2020 - 2024.

Nguồn: GSO

Tăng trưởng quý II cao hơn với kịch bản đề ra

Nhận định về dữ liệu này, TS. Lê Duy Bình, Giám đốc Economica Việt Nam cho rằng, GDP quý II tăng tới 6,93%, cao thứ hai trong giai đoạn 2020 - 2024, chỉ xếp sau quý II của năm 2022 là cơ sở để Việt Nam tự tin với mục tiêu tăng trưởng GDP đạt 6,5% trong năm 2024. 

Đặc biệt, tốc độ tăng trưởng này dựa trên những nền tảng vững chắc hơn như thu chi ngân sách nhà nước được hỗ trợ bởi động lực xuất nhập khẩu tăng trưởng trở lại; tiêu dùng trong nước duy trì mức tăng trưởng khá, doanh nghiệp thành lập mới và quay trở hoạt động mạnh mẽ; sản xuất công nghiệp chế biến chế tạo phục hồi rõ nét, ngành dịch vụ khởi sắc, …

TS. Lê Duy Bình, Giám đốc Economica Việt Nam (Nguồn: Nguyễn Ngọc).  

“Những chính sách hỗ trợ của Nhà nước trong thời gian qua đã đáp ứng đúng trọng tâm là hỗ trợ cho nền kinh kinh tế phục hồi và đặt nền móng cho sự tăng trưởng bền vững. Những kết quả ban đầu cho thấy nền kinh tế phục hồi trở lại, niềm tin của doanh nghiệp và người tiêu dùng trở lại”, ông Bình đánh giá.

Chia sẻ tại họp báo của GSO sáng nay, bà Nguyễn Thị Mai Hạnh, Vụ trưởng Vụ Hệ thống Tài khoản quốc gia, Tổng cục Thống kê cho rằng, kết quả tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm cao hơn mức tăng trưởng mục tiêu cận trên tại Nghị quyết 01 đề ra 5,5 - 6% là một dấu hiệu tích cực cho mục tiêu tăng trưởng cả năm 2024.

Phân tích cụ thể, bà Hạnh đánh giá khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản đã thể hiện tốt vai trò trụ đỡ của nền kinh tế, vừa đáp ứng nhu cầu nội địa, đảm bảo an ninh lương thực, vừa đóng góp đáng kể cho hoạt động xuất khẩu.

Theo đó, tốc độ tăng quý II và 6 tháng của các ngành trong khu vực tăng trưởng khá tốt, như nông nghiệp tăng 2,91% và 3,15%; ngành lâm nghiệp tăng 6,04% và 5,34% và ngành thủy sản tăng 4,05% và 3,76%.

Đặc biệt trong quý II, sản xuất công nghiệp phục hồi tích cực trên nền tăng trưởng khá thấp của cùng kỳ năm 2023 (tăng 0,86%), giá trị tăng thêm đạt 8,55% so với cùng kỳ; trong đó ngành công nghiệp chế biến, chế tạo bứt phá với tốc độ tăng đạt 10,04%.

Tính chung 6 tháng, giá trị tăng thêm ngành công nghiệp đạt 7,54%, nhiều ngành cấp 2 có mức tăng trưởng 2 con số.  Bên cạnh đó, ngành xây dựng có tốc độ tăng trưởng quý II đạt 7,07%, 6 tháng đầu năm đạt 7,34%.

“Việc đẩy mạnh thực hiện giải ngân vốn đầu tư công cùng với đầu tư tư nhân và đầu tư nước ngoài đã có tác động lan tỏa tích cực, thúc đẩy hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp, nhà thầu xây dựng cơ sở hạ tầng”, bà Hạnh lý giải.

Đáng chú ý, khu vực dịch vụ tiếp tục duy trì tăng trưởng khá. Một số ngành dịch vụ thị trường như vận tải kho bãi; dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng trưởng tốt trong 6 tháng đầu năm với tốc độ tăng cao hơn thời kỳ 2018 -2019 do được hỗ trợ từ nhu cầu di chuyển tăng mạnh trong những tháng du lịch cao điểm.

Theo đó, tốc độ tăng trưởng quý II, 6 tháng lần lượt dịch vụ lưu trú và ăn uống đạt 11,26% và 9,94%, vận tải kho bãi đạt 11,37% và 11,02%. 

Vẫn có những dấu hiệu cần phải lưu ý

Tuy vậy, ông Bình cũng cho rằng vẫn có những dấu hiệu cần phải lưu ý như có hơn 100.000 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường trong 6 tháng đầu năm, hay trong Báo cáo về Xu hướng kinh doanh của doanh nghiệp của Tổng cục Thống kê cho thấy chỉ có 40% số doanh nghiệp đánh giá quý III sẽ tốt hơn quý II, nghĩa là có đến 60% doanh nghiệp cho rằng tình hình kinh doanh vẫn như vậy, thậm chí còn khó khăn hơn.

“Đây là dấu hiệu cần phải chú ý trong quá trình điều hành chính sách sách làm sao để môi trường kinh doanh thuận lợi hơn đối với hoạt động của doanh nghiệp, từ đó tạo hứng khởi trong kinh doanh cao trong những tháng cuối năm này”, ông Bình nêu rõ.

Bà Nguyễn Thị Mai Hạnh, Vụ trưởng Vụ Hệ thống Tài khoản quốc gia, Tổng cục Thống kê. (Nguồn: Nguyễn Ngọc).

Còn theo Tổng cục Thống kê, dù ở mức phục hồi chậm và có nhiều bất ổn, khó dự báo, song đến nay các tổ chức quốc tế đều nhận định lạc quan hơn về tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2024 so với các dự báo đưa ra trước đó (tăng từ 0,1-0,3 điểm %),… điều này sẽ tác động tích cực đến kinh tế Việt Nam 6 tháng cuối năm.

“Căn cứ diễn biến tình hình thế giới, kết quả hoạt động kinh tế trong nước 6 tháng đầu năm và một số nhận định về tình hình kinh tế 6 tháng cuối năm, và nếu không có biến động lớn, có khả năng Việt Nam sẽ đạt mục tiêu tăng trưởng cả năm 2024 trong khoảng 6 - 6,5%”, bà Hạnh nhấn mạnh. 

Tuy vậy, để đạt mức tăng trưởng cận trên khoảng 6,5%, vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức do nội lực của nền kinh tế chưa mạnh, các doanh nghiệp sản xuất chế biến, chế tạo tuy tăng trưởng tốt nhưng mức độ bền vững còn hạn chế và chưa đồng đều giữa các ngành.

Trong khi đó, khó khăn trong sản xuất còn tiềm ẩn do cầu trong nước và quốc tế chưa khôi phục hoàn toàn, các doanh nghiệp vừa và nhỏ còn gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận vốn vay để phục vụ sản xuất kinh doanh. Đặc biệt, rủi ro tỷ giá cùng với việc đẩy mạnh nhập khẩu để phục vụ sản xuất sẽ gây áp lực lên giá nguyên liệu đầu vào.

Đáng lưu ý, dù mặt bằng giá cả trong nước vẫn ở trong tầm kiểm soát nhưng cũng đang tạo áp lực lên chỉ số giá trong nước do điều chỉnh tăng giá một số mặt hàng do Nhà nước quản lý theo lộ trình như điện, dịch vụ giáo dục, dịch vụ y tế; giá thịt lợn tăng do giá thức ăn tăng cao, dịch bệnh diễn biến phức tạp; giá gạo trong nước tăng theo giá gạo xuất khẩu và việc thực hiện chính sách cải cách tiền lương.

Đặc biệt, mối lo ngại về căng thẳng địa chính trị, cuộc xung đột ở Biển Đỏ, Nga - Ukraina khiến giá hàng hóa, giá xăng dầu, giá cước vận tải tăng..., làm gia tăng chi phí sản xuất.

“Cần tiếp tục thực hiện những giải pháp quyết liệt nhằm duy trì ổn định tình hình kinh tế - chính trị - xã hội; đảm bảo các cân đối vĩ mô; kiểm soát tốt lạm phát; phát huy hiệu quả, linh hoạt các chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ; thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp đã được đề ra trong các Nghị quyết của Chính phủ, Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về phát triển kinh tế 6 tháng cuối năm”, Tổng cục Thống kê khuyến nghị.

Ngọc Bảo