Chuyên gia điểm tên ba nhóm ngành cần theo dõi tín hiệu dòng tiền vào
Dòng tiền trong tháng 4 và quý II/2024
Trong chương trình "Bắt mạch dòng tiền" diễn ra chiều ngày 28/3, bà Đỗ Hồng Vân, Trưởng nhóm Phân tích, FiinGroup đã đưa ra những dự báo về dòng tiền trong tháng 4 cũng như quý II/2024.
Theo đó, vị chuyên gia FiinGroup cho biết dòng tiền có thể sẽ tiếp tục duy trì ở nhóm bất động sản và dịch vụ dầu khí. Tỷ trọng dòng tiền ở hai nhóm ngành này hiện đã tăng trở lại, tuy nhiên còn cách khá xa vùng đỉnh trước đó, do đó còn cơ hội để quay lại mức đỉnh cũ này. Nhóm dịch vụ dầu khí còn liên quan nhiều tới câu chuyện thị trường do gắn liền với diễn biến giá dầu trên thế giới.
Nhóm có rủi ro dòng tiền rút bao gồm ngân hàng, chứng khoán và thép. Dòng tiền ở nhóm ngân hàng hiện vẫn ở mức cao nhưng có dấu hiệu đi xuống, tuy nhiên nếu có câu chuyện tích cực, dòng tiền vẫn có thể quay đầu tăng và chinh phục mức cao hơn. Tương tự, dòng tiền nhóm thép cũng đang ở mức cao và có xu hướng đi xuống, ngành này đang thiếu vắng những động lực tăng trưởng.
Với chứng khoán, tỷ trọng dòng tiền ở nhóm này đã duy trì ở mức rất cao trong nhiều tháng qua, bên cạnh đó diễn biến dòng tiền gần đây có biến động mạnh. Rủi ro dòng tiền rút đi là có nếu không có những câu chuyện mới hỗ trợ một cách sâu rộng hơn.
Ngoài ra, những nhóm cần theo dõi tín hiệu dòng tiền vào bao gồm xây dựng, điện và sản xuất dầu khí. Tỷ trọng dòng tiền ngành xây dựng hiện ở vùng rất thấp và gần như chạm mức đáy dài hạn, những câu chuyện liên quan giải ngân vốn đầu tư công trong nửa cuối năm nay có thể giúp dòng tiền quay trở lại đây. Tỷ trọng dòng tiền nhóm điện cũng đang duy trì ở mức đáy ba năm, giai đoạn mùa hè tới đây dự báo sẽ có những câu chuyện về nhu cầu điện. Cuối cùng, nhóm sản xuất dầu khí kỳ vọng có câu chuyện hồi phục sản xuất, đi lại trong nửa cuối năm nay.
Những sự kiện cần theo dõi trong tháng 4
Trong chương trình, bà Hồng Vân cũng chia sẻ những sự kiện cần lưu ý trong tháng 4. Bên cạnh những yếu tố vĩ mô, những sự kiện chính cần theo dõi gồm đại hội đồng cổ đông, báo cáo tài chính quý I/2024 và dòng tiền khối ngoại.
Trong mùa đại hội đồng cổ đông, nhà đầu tư cần quan tâm tới kế hoạch kinh doanh, kế hoạch phát hành huy động vốn và kế hoạch chia cổ tức của doanh nghiệp.
Theo thống kê của FiinGroup, nhóm chứng khoán vẫn sẽ duy trì tăng trưởng lợi nhuận. Trong khi đó, một số ngân hàng có kế hoạch tăng trưởng vượt bậc sau năm 2023 có lợi nhuận bị ảnh hưởng. Bất động sản và bán lẻ có kỳ vọng mức tăng trưởng lợi nhuận khá cao (cần lưu ý đây là sự hồi phục dựa trên nền rất thấp của năm 2023). Một số ngành khác cũng có kỳ vọng tăng trưởng cao như ngành hàng cá nhân và thép.
Ngược lại, nhóm hoá chất và phân bón đưa ra kế hoạch kinh doanh khá thận trọng. Bên cạnh đó, nhóm xây dựng có sự phân hoá, những doanh nghiệp thuần xây dựng có kỳ vọng mức tăng trưởng khá ấn tượng.
Kế hoạch phát hành huy động vốn của doanh nghiệp cho thấy quy mô huy động vốn của doanh nghiệp. Tính tới hiện tại, quy mô huy động dự kiến trong năm nay ở mức khá thấp so với ba năm trước đó, phần lớn tập trung ở nhóm bất động sản, chứng khoán và ngân hàng. Ngoài ra, nhóm ngân hàng sẽ có những câu chuyện liên quan đến phát hành cho cổ đông chiến lược trong năm nay.
Với kế hoạch chia cổ tức, trong năm nay nhiều ngân hàng nổi lên khi dự kiến chia cổ tức sau nhiều năm không thực hiện.
Với mùa báo cáo tài chính quý I/2024, chuyên gia FiinGroup cho biết nhà đầu tư cần quan tâm đến xu hướng tăng trưởng, hồi phục của lợi nhuận.
Về xu hướng bán ròng của khối ngoại, bà Hồng Vân cho biết xu hướng này vẫn đang diễn ra khá mạnh, quy mô bán ròng trong năm 2024 tính đến hiện tại đã hơn một nửa quy mô bán ròng trong năm 2023.
Trong đó, Top bán ròng 2024 đến nay gồm nhiều cổ phiếu được mua mạnh trong giai đoạn 2021 – 2023, phần lớn thuộc ngành hàng tiêu dùng (sữa, bia, bán lẻ) và ngân hàng quy mô nhỏ. Ở chiều ngược lại, Top mua ròng 2024 đến nay là nhóm bị bán ròng mạnh trong các năm trước, tập trung ở bất động sản, ngân hàng lớn và vừa, thép.
Chuyên gia FiinGroup lưu ý rằng lực bán ròng hiện nay của nhà đầu tư nước ngoài chủ yếu là dòng tiền chủ động hơn là dòng tiền ETF.
Xu hướng bán ròng ở ETF là một trạng thái tức thời, trong khi xu hướng bán ròng ở dòng vốn chủ động đã kéo dài từ tháng 9/2023 đến tháng 3/2024 (ngoại trừ tháng 1/2024). Trong giai đoạn này, khối ngoại đã bán ròng trung bình 5.000 – 6.000 tỷ đồng mỗi tháng.
"Áp lực bán ròng của khối ngoại trong giai đoạn cuối năm 2023 (thời điểm VN-Index hồi phục trở lại từ đáy 1.028 điểm) có một sự cân đối của dòng tiền cá nhân.Tuy nhiên, tại thời điểm hiện tại, VN-Index đã tạo một mặt bằng giá mới, liệu thị trường có đủ hấp dẫn dòng tiền cá nhân để cân bằng lại áp lực bán ròng của khối ngoại?", bà Hồng Vân chia sẻ trong chương trình.