Chuyên gia dự báo nợ xấu nội bảng các ngân hàng sẽ tăng lên 2% trong năm 2022
Tại buổi đối thoại chuyên đề: “Hoàn thiện pháp lý về nợ xấu sau khi Nghị quyết 42 kết thúc thí điểm”, Kinh tế trưởng BIDV, TS Cấn Văn Lực dự báo nợ xấu nội bảng năm 2022 sẽ được đẩy lên mức 2% và nợ xấu gộp ở mức khoảng 6%.
Theo ông Lực, mặc dù nợ xấu nội bảng có vẻ như đang giảm từ 2,34% từ năm 2017 xuống còn 1,4% tính đến hết quý I/2022 nhưng tháng 6 vừa qua Thông tư 14 đã hết hiệu lực. Nếu Thông tư này không được gia hạn, những khoản nợ lẽ ra không phải chuyển nhóm sẽ phải chuyển nhóm, như vậy nợ xấu đương nhiên sẽ tăng.
Trong khi đó nợ xấu gộp có xu hướng giảm nhẹ do nền kinh tế Việt Nam đang phục hồi tốt hơn kỳ vọng nên những khoản nợ xấu tiềm ẩn sẽ giảm đi tương ứng.
Trước những rủi ro bất định trong thời gian sắp tới, chuyên gia cho rằng nếu không luật hoá Nghị quyết 42 thì sẽ tạo ra khoảng trống pháp lý, từ đó gây khó khăn trong việc xử lý nợ xấu.
Qua khảo sát kinh nghiệm quốc tế cho thấy ở các nước họ không cần có luật riêng về xử lý nợ xấu nhưng luật pháp của họ rất mạnh; hiệu lực, hiệu quả rất rõ rệt. Trong khi đó hệ thống luật pháp của Việt Nam còn chồng chéo và tính hiệu lực, hiệu quả chưa tốt. Chính vì thế, Việt Nam cần xây dựng các giải pháp đặc thù như Nghị quyết 42.
Bên cạnh đó, luật hoá Nghị quyết 42 sẽ tăng hiệu quả xử lý nợ xấu; qua đó, tăng nguồn lực để cung cấp tín dụng cho nền kinh tế và tiết giảm chi phí cho hệ thống tổ chức tín dụng, các bên liên quan.
"Chúng ta chỉ có thể luật hoá và làm tốt xử lý nợ xấu với điều kiện khâu xử lý phá sản doanh nghiệp của Việt Nam phải tốt hơn," ông Lực nhận định. Theo thống kê gần đây, Việt Nam giải quyết phá sản rất chậm chạp, khiến cho nợ xấu tồn động do doanh nghiệp không dứt điểm trong việc phát mại, xử lý tài sản.
Từ những vấn đề nêu trên, Viện Nghiên cứu, đào tạo BIDV đề xuất lộ trình luật hoá Nghị quyết 42 theo hai bước. Đầu tiên gia hạn, điều chỉnh và cập nhật phù hợp Nghị quyết 42 với thời gian hạn đến hết năm 2023 để có thời gian rà soát và chuẩn bị dự thảo Luật.
Song song quá trình chuẩn bị luật hoá cần kịp thời tháo gỡ các vướng mắc nêu trên hoặc bổ sung một chương về xử lý nợ xấu trong Luật các TCTD sửa đổi sắp tới.