Chuyên gia: Dự báo bất động sản phục hồi rõ nét sau quý II/2024 có vẻ hơi lạc quan
Chia sẻ tại Hội thảo "Tháo van tín dụng - Khơi thông tăng trưởng" do báo Dân trí tổ chức sáng 17/11, TS. Võ Trí Thành, Nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho biết, thị trường bất động sản chiếm 51 - 52% tổng dư nợ tín dụng của nền kinh tế. Tuy nhiên tín dụng vào lĩnh vực này thời gian vừa qua chưa "chảy" vì cầu thiếu, cơ hội kinh doanh ít, doanh nghiệp không muốn vay, vấn đề đáp ứng tiêu chuẩn…
Vị này cho biết, trong thời gian qua, ngân hàng cũng đã "hạ chuẩn" cho các doanh nghiệp bằng cách khoanh nhóm nợ, không chuyển nhóm nợ, cơ cấu lại nợ… “Vấn đề này chúng ta ngầm hiểu là các ngân hàng đã thoáng hơn, còn về mặt nguyên tắc là không hạ chuẩn”, ông nói.
Theo chuyên gia, hiện nay Chính phủ đang có 3 nhóm giải pháp, cùng với đó là lập các Tổ công tác, trong đó Tổ quan trọng nhất là thao gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp, dự án do Bộ trưởng Bộ Xây dựng đứng đầu.
Nhóm giải pháp đầu tiên là sửa đội nghị định, thông tư, pháp lý, quy trình… "Theo đánh giá, 70 – 80% vướng mắc hiện nay liên quan đến pháp lý mà pháp lý phải thông thì người mua không xuống tiền, ngân hàng cũng không thể giải ngân vì việc xử lý dòng tiền rất khó khăn", TS. Võ Trí Thành nói.
Nhóm giải pháp thứ hai là gói tín dụng ưu đãi 120.000 tỷ để cho nhà ở xã hội. Và nhóm giải pháp thứ ba là tái cấu trúc các doanh nghiệp, tập đoàn lớn.
“Với các tập đoàn lớn hiện nay, không phải là xử lý chung chung mà phải xử lý từng dự án. Một tin tốt là đại diện tập đoàn Novaland vừa cho biết, doanh nghiệp đã qua thời điểm khó khăn nhất và đi được 80% con đường tái cấu trúc. Tuy nhiên, kết quả hiện nay vẫn chưa như kỳ vọng.
Nhiều chuyên gia dự báo thời điểm để bất động sản phục hồi rõ nét hơn (tùy phân khúc) hơn đâu đó vào khoảng sau quý II/2024. Dự báo này có vẻ hơi lạc quan, nhưng tất cả đều kỳ vọng", chuyên gia nhận định.
Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, tính đến cuối tháng 9/2023, tổng dư nợ tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản đạt 2,74 triệu tỷ đồng, tăng 6,04% so với cuối năm 2022, chiếm 21,46% tổng dư nợ đối với nền kinh tế. Trong đó, tín dụng tập trung vào mục đích tiêu dùng hoặc tự sử dụng chiếm 64% và dư nợ đối với hoạt động kinh doanh bất động sản chiếm 36%.
Trong 9 tháng đầu năm, tín dụng kinh doanh bất động sản có sự tăng trưởng rất cao với 21,86%, cao hơn tỷ lệ tăng trưởng tín dụng chung và cùng kỳ năm trước. Còn tín dụng phục vụ mục đích tiêu dùng, tự sử dụng lại có xu hướng giảm.
Ngân hàng Nhà nước khẳng định, thời gian qua, ngành ngân hàng đã nỗ lực, triển khai nhiều giải pháp theo đúng chủ trương, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để góp phần tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững.
Tuy nhiên, trước tình hình nền kinh tế còn nhiều khó khăn, hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp cũng như thu nhập của người dân đều bị ảnh hưởng, dẫn tới chất lượng tín dụng bất động sản cũng tiềm ẩn những rủi ro cần chú ý.
Tỷ lệ nợ xấu tín dụng bất động sản đến tháng 9/2023 (2,89%) đã tăng so với thời điểm 31/12/2022 (1,72%). Trong khi đó, tín dụng phục vụ mục đích tiêu dùng, tự sử dụng giảm, đây là điểm cần chú ý khi cầu tín dụng để mua bất động sản có xu hướng đi xuống, phần nào phản ánh sức mua của thị trường đang giảm so với thời điểm trước.
Ngân hàng Nhà nước đánh giá, hiện nay, thị trường địa ốc vẫn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức trong đó có nhiều tồn tại, vướng mắc đã kéo dài như hệ thống thủ tục pháp lý liên quan đến đất đai, quy hoạch, đầu tư xây dựng; mất cân đối cung cầu tại các phân khúc, dư thừa nhà ở cao cấp, biệt thự trong khi nhà ở xã hội, nhà ở giá rẻ còn hạn chế; nhu cầu của thị trường tại một số phân khúc đang có sự sụt giảm mạnh.
Bên cạnh đó, năng lực tài chính của doanh nghiệp còn hạn chế và phụ thuộc chủ yếu vào các nguồn huy động từ bên ngoài như vốn vay, trái phiếu, huy động của người mua nhà ...
Đối với Chương trình 120.000 tỷ đồng, nhà điều hành cho biết, khó khăn lớn nhất là nguồn cung còn hạn chế, đến nay mới có 23 UBND tỉnh, thành phố công bố danh mục dự án đủ điều kiện tham gia Chương trình.
Ngoài ra, Theo báo cáo của NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố, qua rà soát các dự án thuộc danh mục, trong số 54 dự án được công bố có: 5 dự án đã được phê duyệt cấp tín dụng; 30 dự án chưa có nhu cầu vay vốn; 11 dự án chưa đủ điều kiện cho vay, trong đó có 6 dự án còn gặp vướng mắc về mặt pháp lý; 8 dự án đang được các ngân hàng thương mại thẩm định. Do đó, việc triển khai Chương trình còn chưa được như dự kiến.