Chuyên gia: Chính sách tài khoá và tiền tệ đã đến ngưỡng cao nhất trong hỗ trợ tăng trưởng
Phân tích về những yếu tố thúc đẩy tăng trưởng tại Chương trình Đối thoại của Báo Đầu tư với chủ đề "Bệ đỡ cho các động lực tăng trưởng" sáng 28/5, ông Nguyễn Đức Hùng Linh, Chuyên gia kinh tế độc lập, sáng lập viên Think Future Consultancy cho rằng hiện chúng ta đã đến ngưỡng cao nhất của chính sách tài khoá và tiền tệ để hỗ trợ tăng trưởng.
Chính sách tài khoá, tiền tệ đã đến hạn
Chính phủ hiện đã đưa ra rất nhiều chính sách để kích cầu, thúc đẩy tăng trưởng trong đó chia làm hai nhóm: Chính sách tiền tệ và chính sách tài khoá. "Trong năm 2024, cả hai chính sách tài khoá và tiền tệ đều đã được căng đến mức tối đa", ông Linh nhận định.
Với chính sách tiền tệ, sau 4 lần hạ lãi suất liên tiếp trong năm 2023, lãi suất huy động hiện đã xuống mức thấp nhất 20 năm.Tính đến ngày 27/4, lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng bình quân của các ngân hàng thương mại dao động ở mức khoảng 4,61%/năm, tăng 0,05 điểm % so với tháng trước và giảm -0,31 điểm % tính từ đầu năm.
Lãi suất huy động gần như đã chạm đáy và khó có thể giảm thêm, lãi suất cho vay cũng ở mức thấp cho thấy độ căng của chính sách tiền tệ. Bên cạnh đó, môi trường lãi suất thấp cũng bộc lộ nhiều hạn chế như gây áp lực lên tỷ giá hay vấn đề về các thị trường tài sản khác. Do đó, NHNN gần như đã không còn dư địa để hạ thêm lãi suất, hỗ trợ nền kinh tế.
Về chính sách tài khoá, mức đầu tư đầu tư xây dựng cơ bản cũng đã tới hạn và không thể tăng lên được nữa. Năm 2024, ngân sách dành cho đầu tư xây dựng cũng chỉ xấp xỉ hoặc thấp hơn năm 2023 khoảng 100.000 tỷ đồng
Trong 4 tháng đầu năm 2024, vốn đầu tư công thực hiện đạt 143.000 tỷ đồng (5,6 tỷ USD),tăng 5,9% so với cùng kỳ năm ngoái nhưng tốc độ tăng trưởng chậm hơn đáng kể so với mức 21,2% trong 4 tháng đầu năm 2023.
Vốn nhà nước thực hiện 4 tháng đầu năm bằng 20,1% kế hoạch năm là 711.000 tỷ đồng (27,7 tỷ USD). Mục tiêu năm nay thậm chí còn thấp hơn năm ngoái là 712.000 tỷ đồng (tương đương 29 tỷ USD).
Chuyên gia đánh giá, mặc dù Chính phủ đã dùng gần như hết dư địa tài khoá và tiền tệ nhưng tăng trưởng GDP vẫn chưa được như kỳ vọng do nhiều nguyên nhân.
Thứ nhất, thị trường xuất khẩu bị co hẹp ảnh hưởng đến đơn hàng, doanh thu của doanh nghiệp và đặc biệt là thu nhập của người lao động. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến sức cầu tiêu dùng.
Thứ hai là đầu tư tư nhân tăng rất chậm. Trong giai đoạn 2017 -2019, nhờ chính sách về thúc đẩy đầu tư tư nhân khu vực này đã tăng trưởng rất tốt và trở thành đầu kéo tổng đầu tư toàn xã hội. Những các năm gần đây, do bối cảnh khó khăn hậu đại dịch, đầu tư tư nhân giảm rất mạnh.
Phân tích thêm về các động lực tăng trưởng của nền kinh tế năm nay, GS.TS. Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cũng cho rằng 2024 là một năm có nhiều khó khăn, thách thức.
Trong báo cáo của VCCI chỉ có khoảng 27% doanh nghiệp kỳ vọng sẽ mở rộng được sản xuất trong năm 2024 này, thấp hơn cả kỳ vọng của năm 2022 (32%) và được đánh giá là thấp ngang bằng thời kỳ khủng hoảng kinh tế 2012 - 2013. Điều này thể hiện ở con số doanh nghiệp rời bỏ thị trường rất cao, thậm chí cao hơn cả số doanh nghiệp gia nhập.
"Đây là dấu hiệu rất xấu, mà sau rất nhiều năm mới xảy ra. Các yếu tố về động lực đầu tư của khu vực tư nhân đang có vấn đề, đồng thời cầu tiêu dùng suy giảm cũng là nút thắt khiến tăng trưởng tụt xuống", chuyên gia cho biết.
Theo các chuyên gia, mặc dù một số động lực tăng trưởng có phần cải thiện hơn so với năm 2023 như xuất nhập khẩu hay du lịch quốc tế đến Việt Nam nhưng nhìn chung bối cảnh khó khăn vẫn còn rất lớn.
Hiện lượng đơn đặt hàng trở lại, PMI trên 50 điểm, nhập khẩu đang tăng trưởng cao hơn cả xuất khẩu cho thấy nền kinh tế đang hồi phục. Đồng thời, ở trong nước, đầu tư công cũng tăng trưởng tạo động lực cho tiêu dùng và nếu tận dụng tốt thì có thể đạt mức tăng trưởng cao.
Cần tháo "rào cản" đầu tư vào những lĩnh vực mới
Tuy nhiên, nếu chỉ trông chờ vào những động lực cũ là chưa đủ. Muốn tiến xa hơn, Việt Nam cần đầu tư để tăng thêm những động lực tăng trưởng mới cho tương lai như ESG, công nghệ cao, AI....
Chuyên gia Nguyễn Đức Hùng Linh cũng cho rằng, muốn phát triển bền vững cần làm tốt được những động lực tăng trưởng cũ như chính sách tài khoá, tiền tệ trong khi tăng thêm những động lực tăng trưởng mới như ESG, môi trường, công nghệ cao, AI...
Mặc dù vậy, ông Linh cũng chỉ ra một số "rào cản" hạn chế doanh nghiệp tham gia vào những lĩnh vực mới này như vấn đề về vốn, nguồn nhân lực hay chính sách. Xét ở góc độ doanh nghiệp Việt Nam, chỉ một doanh nghiệp có thể tiếp cận và gia nhập những lĩnh vực mới chứ phần lớn đều gặp nhiều vấn đề bất cập, vướng mắc.
Ông chỉ ra với hạn chế lớn nhất của doanh nghiệp tư nhân là vấn đề nguồn vốn, sự tích luỹ nguồn lực chưa đủ khiến doanh nghiệp vừa và nhỏ không thể tham gia đầu tư còn doanh nghiệp lớn cũng chỉ một số ít có năng lực đầu tư.
Hiện doanh nghiệp được chia thành hai cấu phần: Doanh nghiệp Nhà nước và doanh nghiệp tư nhân. Với các doanh nghiệp Nhà nước, họ có nguồn lực nhưng cơ chế, chính sách không cho phép họ đầu tư thử nghiệm vào những lĩnh vực mới với độ rủi ro cao.
Còn với doanh nghiệp tư nhân, chỉ một số ít có đủ nguồn lực để tham gia như Vingroup tham gia nghiên cứu vào VinAI, VinData hay Viettel, FPT... song mức độ lan toả với nền kinh tế chưa lớn.
Đồng quan điểm, GS. Hoàng Văn Cường cũng cho rằng trong giai đoạn hiện nay, khu vực tư nhân vẫn còn hạn chế trong năng lực vốn, nguồn lực. Vì vậy, muốn họ đầu tư vào những lĩnh vực mới Nhà nước phải đứng ra đầu tư vào hạ tầng giao thông mà phải đầu tư cả vào hạ tầng công nghệ thông tin, hạ tầng đổi mới xanh hoá… để tạo ra sự bứt phá cho các doanh nghiệp.
Nhà nước cũng phải chấp nhận cho doanh nghiệp quốc doanh đầu tư mạo hiểm để tạo các lĩnh vực đổi mới sáng tạo, tiếp cận các xu hướng mới hiện nay. GS. Cường đề xuất cần có thể chế mới trong quản lý doanh nghiệp Nhà nước để “cởi trói” trao quyền cho họ tự chủ trong hoạt động nhưng vẫn đáp ứng mục tiêu mà Nhà nước đặt ra.