Nếu chính sách hỗ trợ không 'chậm một nhịp', hàng không, vận tải và nhiều ngành khác sẽ phục hồi tốt hơn
Đề cập đến bài học kinh nghiệm khi thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022 của Quốc hội nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng các chính sách của chúng ta ban hành thường bị "chậm một nhịp" so với thế giới với thời gian kéo dài và thủ tục phức tạp.
Và nếu chúng ta có những chính sách quyết liệt hơn, ban hành kịp thời hơn nhiều ngành, lĩnh vực bị "tàn phá" bởi đại dịch như hàng không, du lịch sẽ có cơ hội phục hồi tốt hơn.
Thời điểm chậm, hiệu quả sẽ kém đi
Đại biểu Tạ Văn Hạ, Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Quảng Nam nhấn mạnh thời điểm ban hành Nghị quyết 43 đã chậm so với thế giới một nhịp, khi thế giới bắt đầu thu hồi gói phục hồi.
"Trong điều hành kinh tế vĩ mô cũng vậy, hình như luôn có một bước chậm. Chúng ta vẫn đang tiếp tục chính sách tài khóa khóa mở rộng, nhưng quốc tế đã có hướng áp dụng chính sách tài khóa thắt chặt", đại biểu Hạ nêu vấn đề.
Đại biểu cho rằng để chính sách của Việt Nam hiệu quả hơn, chúng ta nên đặt mình vào tình hình chung của trên thế giới sẽ có hiệu quả hơn. Vấn đề thứ hai để giải quyết tình trạng chậm ban hành hướng dẫn thực hiện chính sách, theo đại biểu cần có giải pháp về thủ tục rút gọn trong điều kiện đặc biệt.
Đại biểu Hà Sỹ Đồng, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị cũng cho rằng nhiều ngành, lĩnh vực đáng lẽ có cơ hội phục hồi tốt hơn nếu chính sách hỗ trợ được cập nhật kịp thời.
Đơn cử như chính sách giảm thuế VAT 2% đáng lý ra có thể được điều chỉnh để giảm cho tất cả các mặt hàng từ 10% xuống 8%, nhưng lại cứng nhắc phụ thuộc vào Quốc hội và phụ thuộc vào Nghị quyết 43. Hay như thời điểm mới bắt đầu hết giãn cách, khôi phục các đường bay nên tính đến việc giảm VAT hàng không về 0 hoặc giảm các loại phí và thuế khác, điều này có thể giúp cho ngành hàng không và các ngành khác phục hồi phát triển kinh tế nhanh hơn…
Theo đại biểu, nếu gặp tình huống cần chính sách hỗ trợ, việc đầu tiên cần nghĩ đến là giảm thuế, thậm chí có thể cân nhắc việc giảm thuế mức lớn hơn và cần tập trung vào một số ngành rất cụ thể. Đối với chính sách giảm nộp thuế đến cuối năm 2024, nhiều ý kiến đề nghị giảm thêm vài tháng sang năm 2025, đây là thời điểm “giáp hạt” đối với doanh nghiệp.
Đại biểu cho rằng, bài học rút ra sau khi thực hiện Nghị quyết 43 là tập trung vào tính khả thi và chọn thời điểm. Chính sách kinh tế vĩ mô có đặc điểm quan trọng là phải chọn đúng thời điểm, một chính sách đúng vào tháng một nhưng chưa chắc đã đúng vào tháng 3 khi diễn biến lạm phát, tăng trưởng đã khác.
Trong tương lai chúng ta có các chương trình gói hỗ trợ kinh tế vĩ mô, phải cân nhắc rất kỹ về yếu tố thời điểm để đưa ra chính sách vào cuộc sống, còn như Nghị quyết 43 cho thời hạn thực hiện hai năm, trong thời gian đó thì rất nhiều thứ đã khác, khủng hoảng kinh tế do COVID-19 rất khác với các khủng hoảng khác.
Tiếp cận qua chính sách, thủ tục sẽ kéo dài
Còn theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng thẳng thắn chỉ ra rằng: "Ở một các nước, người ta hỗ trợ ngay bằng tiền mặt , thẳng cho người dân, mỗi người dân được 1.500 USD, hay 2.000 USD, cứ thế phát, đưa ngay vào nền kinh tế, kích cầu tiêu dùng và đẩy ngay vào nền kinh tế. Chúng ta lại tiếp cận qua các chính sách, mà các chính sách thì lại phải có các văn bản hướng dẫn, rồi lại phải giám sát, phải quy trình… thì hết giờ và không còn tính hiệu quả, không còn thời sự”.
Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nếu vẫn giữ thời gian của chương trình thì không nên đưa các dự án lớn vào. Nếu đã đưa vào, phải cho kéo dài thời gian thực hiện, không thì hết giờ cũng chưa xong thủ tục, cũng không được.
"Có rất nhiều đại biểu nói, tôi rất thấm thía. Đã là đặc biệt thì phải có chính sách đặc biệt, thủ tục đặc biệt và quy trình đặc biệt. Chúng ta cứ làm thông thường thì hết giờ, việc gì cũng phải xin cơ chế”, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nêu rõ, đồng thời khẳng định, xây dựng chính sách pháp luật thì phải dựa trên niềm tin giữa Trung ương, địa phương, giữa cấp dưới, cấp trên.
Các chính sách ban hành ra phải đơn giản, dễ hiểu, dễ thống nhất, dễ làm, dễ giám sát, dễ thực hiện, đấy là nguyên tắc rất quan trọng. Việc hoàn thiện thể chế phải căn cơ, đồng bộ và thống nhất chứ không phải để một rừng các vướng mắc như hiện nay, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.
Mặc dù vậy, Bộ trưởng đánh giá kết quả tổng thể của Nghị quyết 43 đạt được vẫn “đạt được yêu cầu”. Điển hình như kinh tế vẫn ổn định, kinh tế vĩ mô, tăng trưởng, lạm phát vẫn kiểm soát được, các cân đối lớn vẫn đảm bảo…
Song đây cũng chính là “bài học kinh nghiệm hết sức quý”, để khi có các tình huống tương tự gặp phải, chúng ta có thể phản ứng chính sách nhanh, đi vào cuộc sống.