Chuyên gia cảnh báo: Giá vàng có thể ‘lao’ xuống 28,5 triệu đồng/lượng
Trong những ngày đầu tháng 12, thị trường kim loại quý chứng kiến một hiện tượng chứa đựng nhiều rủi ro cho nhà đầu tư. Đó là khoảng cách giữa giá vàng trong nước và giá vàng thế đạt mức cao kỷ lục. Theo các chuyên gia, rủi ro càng lớn hơn khi giá vàng thế giới được dự báo sẽ giảm xuống 28,5 triệu đồng/lượng.
Giá vàng SJC đắt kỷ lục
Trong những ngày cuối tháng 11, giới đầu tư đã chú ý đến hiện tượng chênh lệch giữa giá vàng thế giới và giá vàng trong nước “neo” ở mức rất cao. Giá vàng SJC đắt hơn giá vàng thế giới khoảng 3 triệu đồng/lượng. Tại thời điểm đó, các chuyên gia đã cảnh báo nhà đầu tư về những rủi ro có thể xảy ra.
Nhưng tình hình không được cải thiện. Sang tháng 12, mức chênh này được đẩy lên mức kỷ lục mới 4,5 triệu đồng/lượng.
Giá vàng có thể ‘lao’ xuống 28,5 triệu/lượng |
Ông Nguyễn Ngọc Cảnh - Vụ trưởng Vụ Quản lý ngoại hối, Ngân hàng Nhà nước cho biết nguyên nhân gây ra sự chênh lệch này. Theo ông Cảnh, thời gian qua sự sụt giảm của giá vàng thế giới do đồng USD tiếp tục tăng giá so với những đồng tiền chủ chốt khác, lợisuất trái phiếu của Mỹ tăng cao và sự lạc quan về triển vọng của thị trường tài chính trong đại bộ phận giới đầu tư khi có nhiều nguồn thông tin cho thấy Cục dự trữ Liên bang Mỹ (FED) nhiều khả năng sẽ tăng lãi suất trong phiên họp chính sáchđịnh kỳ diễn ra vào cuối năm nay (ngày 13 - 14/12/2016).
Giá vàng thế giới hiện ở mức thấp nhất trong vòng 10 tháng trở lại đây, giảm khoảng 167 USD/ounce so với mức cao nhất được thiết lập vào sáng ngày 09/11/2016 khi ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ.
Trong khi đó, do trước đây các doanh nghiệp và người dân đã mua vàng với giá cao chưa muốn bán vàng ra nên giá vàng trong nước mặc dù giảm theo giá vàng thế giới, nhưng với tốc độ chậm hơn và trong biên độ hẹp hơn.
Trao đổi với phóng viên báo điện tử VTC News, TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng cho biết vẫn còn một yếu tố khác khiến mức chênh lệch này gia tăng. Đó là tin đồn đổi tiền. Tin đồn đổi tiền đẩy nhu cầu của người dân tăng, từ đó tác động tới giá vàng.
Ngân hàng Nhà nước đã bác bỏ tin đồn đổi tiền nhưng mức chênh giữa giá vàng thế giới và giá vàng trong nước giảm không đáng kể. Tới cuối ngày 12/12, mức chênh này giảm nhẹ và vẫn duy trì ở mức rất cao 4,25 triệu đồng/lượng.
Giá vàng xuống 28,5 triệu/lượng
Trong khi chênh lệch giữa giá vàng trong nước và giá thế giới tiếp tục được “neo” ở mức rất cao, các chuyên gia lại dự báo giá vàng thế giới có thể giảm sâu xuống 28,5 triệu đồng/lượng. Đây được xem là rủi ro rất lớn cho những ai nắm giữ vàng tại thời điểm này.
Cụ thể, chuyên gia giao dịch Richard D. Wyckoff đã đưa ra dự báo giá vàng dựa trên phân tích kỹ thuật. Wyckoff nhận định giá vàng thế giới có thể giảm xuống mức thấp của tháng 12/2015. Đó là 1.046,2 USD/ounce.
Với mức giá 1.046,2 USD/ounce, giá vàng SJC quy đổi sẽ đạt khoảng 28,5 triệu đồng/lượng. Cộng với mức chênh lệch cao ở thời điểm hiện tại, giá vàng SJC sẽ đạt khoảng 32,75 triệu đồng/lượng. Như vậy, nếu mua vào theo giá đóng cửa ngày 12/12 là 36,2 triệu đồng/lượng, khách hàng sẽ chịu rủi ro rất lớn.
Wyckoff đã đưa ra nhiều nguyên nhân khiến thị trường vàng sẽ sớm chứng kiến đà đi xuống. Đó là thị trường chứng khoán liên tục lập các kỷ lục mới và các nhà giao dịch phương Tây đang có xu hướng rút vốn khỏi thị trường vàng.
“Chứng khoán đang nóng còn vàng thì không nóng” – Wyckoff khẳng định.
Ngay tại thời điểm này, vàng đã để lộ rõ xu hướng đi xuống. Theo Wyckoff, điều đó được thể hiện rõ qua thanh khoản trên thị trường. Tính tới phiên thứ Sáu tuần trước, các quỹ đầu tư đã có phiên rút vốn 20 liên tiếp. Kể từ 10/11, đã có 164 tấn vàng rút khỏi thị trường.
Wyckoff cho rằng các nhà đầu tư và các nhà giao dịch vàng sẽ gom vàng một lần nữa vì tất cả mọi thị trường đều vận động theo chu kỳ. Tuy nhiên, Wyckoff khẳng định đây không phải là thời điểm để “bắt dao rơi” vì thị trường vàng đang cho thấy nhiều dấu hiệu sẽ tiếp tục giảm sâu hơn nữa.