|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Chuyện đổi đất lấy hạ tầng ở HN (dự án BT): Cú tuýt còi thanh tra và 'cuộc cách mạng' dang dở

21:15 | 05/01/2018
Chia sẻ
Sai phạm tại các dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng BT của Hà Nội đã được phát hiện từ giai đoạn 2012-2013, tuy nhiên năm 2017 tình trạng này lại tiếp tục nóng lên sau các cuộc thanh tra, kiểm toán. Những tranh luận về ưu điểm mà nhất là nhược điểm của hình thức đầu tư này đã trở thành điểm nóng ở nhiều diễn đàn, tọa đàm; ngay cả các trang mạng xã hội cũng sôi động bởi những lượt share bài, đánh giá, chia sẻ cảm tưởng.

Chuyện cũ - Dừng 42 dự án BT

Năm 2017, Thanh tra Chính phủ và Kiểm toán Nhà nước đã công khai hàng loạt các sai phạm tại các dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng xây dựng - chuyển giao (BT). Sự việc này khiến dư luận đã lên tiếng mạnh mẽ, giới truyền thông đã tổ chức nhiều diễn đàn hay tọa đàm để các chuyên gia đánh giá về những sai phạm, mổ xẻ nguyên nhân, đưa ra bài học rút kinh nghiệm trong quá trình thực hiện các dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng BT.

Nhưng câu chuyện sai phạm dự án BT đã được khởi phát từ nhiều năm trước, khi mà pháp luật về BT vẫn còn khá sơ khai, nhiều địa phương ồ ạt thực hiện. Hà Nội cũng vậy!

Còn nhớ từ năm 2007 đến năm 2015, thời ông Nguyễn Thế Thảo giữ chức Chủ tịch UBND TP. Hà Nội đã thực hiện và quyết định nhiều việc hệ trọng của Hà Nội.

Thời điểm đó tính sơ sơ số lượng dự án BT Hà Nội đã lên đến con số trên 60. Đây là con số chưa hoàn chỉnh bởi Hà Nội còn chưa kịp thống kê thành Danh mục dự án kêu gọi đầu tư và công bố công khai theo quy định mà chỉ tập hợp số liệu trên cơ sở các dự án đầu tư do Nhà đầu tư tự đề xuất và được UBND TP. Hà Nội chấp thuận, phê duyệt.

Những ầm ĩ về dự án BT Hà Nội không phải năm 2017 mới bị phát hiện mà ngay từ đầu năm 2012 khi Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã công bố một Kết luận thanh tra trong đó xác định hàng loạt vấn đề sai phạm nghiêm trọng về tài chính tại nhiều dự án BT của Hà Nội.

Trong số này những dự án dính tai tiếng điển hình như: dự án xây dựng đường trục phía nam tỉnh Hà Tây cũ (nhà đầu tư là Tổng công ty xây dựng công trình giao thông 5 - CIENCO5); Dự án xây dựng tuyến đường Lê Đức Thọ qua sông Nhuệ đến KĐT mới Xuân Phương (nhà đầu tư là Công ty cổ phần TASCO); Dự án nhà máy xử lý nước thải Yên Sở (nhà đầu tư là Tập đoàn GAMUDA BERHSD - Malaysia); Dự án nhà máy xử lý rác thải Nam Sơn (nhà đầu tư là AIC); Dự án Cung Trí thức Thành phố.

Sự việc nghiêm trọng tới mức ngày 28/3/2012, Văn phòng Chính phủ đã có công văn truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu UBND TP. Hà Nội chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Tài nguyên và Môi trường và Bộ Xây dựng rà soát tình hình thực hiện các dự án theo hình thức hợp đồng BT để báo cáo Chính phủ.

Một cuộc rà soát các dự án đầu tư theo hình thức Hợp đồng BT lớn trên địa bàn TP. Hà Nội đã được thực hiện trong năm 2013. Quy mô rà soát lên đến trên 60 dự án BT. Việc này do chính TP. Hà Nội tự lập Tổ công tác và lên kế hoạch thực hiện. Trong đó, việc rà soát hướng đến làm rõ tính khả thi, điều kiện thực hiện; đề xuất danh mục các dự án BT cho phép tiếp tục triển khai, danh mục các dự án tạm thời chưa triển khai, danh mục các dự án không tiếp tục triển khai.

Ngày 29/11/2013, đã diễn ra cuộc họp do Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Thế thảo chủ trì và sự tham gia của nhiều lãnh đạo sở, ngành quan trọng Hà Nội. Trên cơ sở báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội về kết quả rà soát các dự án BT và ý kiến các sở, ngành thời điểm đó, ông Nguyễn Thế Thảo đã kết luận không tiếp tục thực hiện 41 dự án theo hình thức hợp đồng BT.

Trong số 41 dự án này có nhiều dự án BT lớn liên quan đến các lĩnh vực giao thông, môi trường như: Dự án xây dựng các tuyến đường kết nối các khu đô thị, dân cư quận Hà Đông; Xây dựng cụm công trình đầu mối Liên Mạc gắn với việc nạo vét, cải tạo nâng cấp trục chính sông Nhuệ (từ cống Liên Mạc đến đập điều tiết Hà Đông); Xây dựng tuyến đường 2,5 đoạn trên địa bàn quận Thanh Xuân (từ Lê Văn Lương - Nguyễn Trãi - Đầm Hồng); Xây cầu Tứ Liên và đường dẫn đến đường Vành đai 3; Xây dựng trục đường nối từ chân cầu Vĩnh Tuy qua sông Đuống đến Ninh Hiệp; Cải tạo, nâng cấp đường 70 (đoạn đường Láng - Hòa Lạc đến Nhổn); Xây tuyến đường 3,5: Cầu Thượng Cát;...

Riêng dự án tuyến đường Lê Đức Thọ đến Khu đô thị mới Xuân Phương mặc dù đã ký hợp đồng và đang triển khai nhưng ông Nguyễn Thế Thảo vẫn yêu cầu dừng thực hiện, giao cơ quan quản lý và nhà đầu tư rà soát, thanh lý hợp đồng, đề xuất các biện pháp xử lý tồn tại.

Kết luận tại cuộc họp này, nguyên Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Thế Thảo chỉ đạo tất cả quỹ đất dự kiến đối ứng cho các dự án BT trên giao lại cho các sở, ngành, quận, huyện và các đơn vị liên quan rà soát, thực hiện các thủ tục, chuẩn bị các điều kiện để đấu giá đất hoặc đấu thầu dự án theo đúng quy định pháp luật, tạo nguồn vốn để đầu tư xây dựng.

Có lẽ, câu chuyện đấu giá đất, đấu thầu dự án để đảm bảo lợi ích tài nguyên đất đai đã được đặt ra sau cuộc thanh tra và rà soát này. Một quyết định có phần cứng rắn của Hà Nội khiến hàng loạt các dự án BT lâm vào cảnh bế tắc, và tưởng chừng một “Cuộc cách mạng BT” đã bắt đầu...

chuyen doi dat lay ha tang o ha noi du an bt ky 1 cu tuyt coi thanh tra va cuoc cach mang dang do

Các dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng BT chủ yếu tập trung vào lĩnh vực giao thông và môi trường - Ảnh minh họa.

Và bước nhảy vọt

... Tuy nhiên, những năm gần đây một số dự án nằm trong danh sách yêu cầu dừng thực hiện theo hình thức BT vào năm 2013 lại được “hồi sinh”. Ngoài ra, hàng loạt các siêu dự án BT mới với dự kiến vài trăm hecta đất đối ứng cũng tiếp tục hình thành.

Các dự án đã bị ông Nguyễn Thế Thảo yêu cầu dừng thực hiện theo hình thức BT nhưng đến nay vẫn được tiếp tục triển khai bằng hình thức hợp đồng BT là: dự án Xây dựng các tuyến đường kết nối các khu đô thị, dân cư quận Hà Đông; dự án Xây dựng cụm công trình đầu mối Liên Mạc (giai đoạn I); dự án tuyến đường Lê Đức Thọ đến Khu đô thị mới Xuân Phương;...

Không những thế hàng loạt những dự án BT mới với tổng mức đầu tư lớn tiếp tục được phê duyệt đưa vào triển khai. Chỉ tính Danh mục dự án trọng điểm giai đoạn 2016-2020 đã được sửa đổi, bổ sung tại Kỳ họp thứ 5, HĐND TP. Hà Nội vừa qua thì tổng mức đầu tư Hà Nội dự kiến dành cho các dự án BT đã lên đến 281.155 tỷ đồng. Trong đó, có 19 dự án dự kiến thuần hình thức BT, 04 dự án theo hình thức đầu tư Ngân sách thành phố và BT. Ngoài ra, Hà Nội cũng dự kiến 03 dự án sẽ đầu tư theo hình thức BOT hoặc BT, với tổng mức đầu tư 31.709 tỷ đồng.

Đáng chú ý, hầu hết các dự án BT đến nay đều đã được các doanh nghiệp đăng ký thực hiện.

Trong số này phải kể đến dự án xây Cầu Tứ Liên và đường từ cầu Tứ Liên đến cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên, dự kiến tổng mức đầu tư 17.000 tỷ đồng; Cầu (hầm chui) Trần Hưng Đạo qua Sông Hồng, tổng mức đầu tư 7.000 tỷ đồng; Đường Vành đai 3,5, đoạn Phúc La - Văn Phú đên cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ, tổng mức đầu tư 4.200 tỷ đồng; Cầu Giang Biên và đường nối hai đầu cầu (nối cầu Vĩnh Tuy, Vành đai 2 đến tiếp giáp Ninh Hiệp, Bắc Ninh), tổng mức đầu tư 6.068 tỷ đồng; Cải tạo, nâng cấp đường 70, đoạn từ Nhổn đến Hà Đông, tổng mức đầu tư 3.179 tỷ đồng; Xây dựng hầm chui Lê Văn Lương - Vành đai 3, tổng mức đầu tư 550 tỷ đồng;...

Còn đối với các dự án “khủng” như xây dựng Trục dọc sông Hồng đoạn từ cầu Thượng Cát đến cầu Thanh Trì (bờ phải), tổng mức đầu tư dự kiến là 29.000 tỷ đồng; Trục dọc sông Hồng đoạn từ cầu Thượng Cát đến Cầu Thanh Trì (bờ trái) tổng mức đầu tư 22.619 tỷ đồng hiện đang được tạm dừng triển khai để chờ Quy hoạch dọc hai bên bờ Sông Hồng.

Như vậy, mức đầu tư cho các dự án BT Hà Nội trong thời gian tới dự kiến rất lớn. Tuy nhiên cần nhớ rằng, theo quy định hiện hành việc thanh toán dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng BT bằng quỹ đất được thực hiện theo nguyên tắc ngang giá, bù trừ chênh lệch giữa giá trị dự án BT và giá trị quỹ đất thanh toán. Cũng có nghĩa là, tổng mức đầu tư dự án càng cao thì đồng nghĩa với việc Hà Nội sẽ phải bố trí quỹ đất càng lớn cho nhà đầu tư.

Kể từ khi Bộ Kế hoạch và Đầu tư mở cuộc thanh tra, từ khi nguyên Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Thế Thảo yêu cầu rà soát, dừng thực hiện 42 dự án theo hình thức BT đến nay không những số lượng dự án BT của Hà Nội không giảm mà còn đang có dấu hiệu phát triển mạnh mẽ.

Có lẽ, do nhu cầu phát triển cơ sở hạ tầng, hay rộng hơn là vì sự phát triển chung của TP. Hà Nội - Một Thủ đô rộng lớn đòi hỏi phải thực hiện nhanh và nhiều dự án theo hình thức BT. Và thực tế, các dự án BT cũng đã góp phần không nhỏ cho bước tiến đáng kể về kinh tế - xã hội của Thành phố Hiện nay. Tuy nhiên, Hà Nội cũng nên nhớ bài học BT rút ra từ những năm 2012 - 2013 để 5 năm hay 10 năm nữa nếu có những cuộc thanh tra, kiểm toán tiếp theo diễn ra thì sẽ không phát hiện sai phạm tương tự.

Nhóm phóng viên