|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Chứng khoán Việt Nam vẫn hút tiền, từ Hàn và Thái đến thời vốn xứ Đài

07:30 | 29/03/2021
Chia sẻ
Thị trường chứng khoán Việt Nam từng trải qua giai đoạn dòng vốn Hàn Quốc, Thái Lan ồ ạt giải ngân. Bối cảnh khối ngoại liên tục rút ròng, NĐT cá nhân Hàn Quốc có dấu hiệu chốt lời, khi đó dòng vốn Đài Loan lại nổi lên là một điểm sáng của thị trường.

5 năm gần đây, Việt Nam là điểm đến hấp dẫn của dòng vốn châu Á. Theo từng giai đoạn, dòng tiền từ các khu vực giải ngân vào thị trường cận biên này luân phiên, nhưng vẫn mang tính hệ thống. Từng chứng kiến dòng vốn ồ ạt từ Hàn Quốc, Thái Lan, giai đoạn hiện tại chứng khoán Việt Nam lại là đích đến của dòng vốn xứ Đài.

Thời của người Hàn

Nói về "thời của người Hàn", nổi bật nhất là việc 8 công ty chứng khoán trong nước bị thâu tóm chỉ trong ít năm. Sau khi về tay các "cá mập" xứ kim chi, các công ty chứng khoán tăng vốn điều lệ nhiều lần lên nhiều lần. Kết quả là, loạt CTCK Hàn Quốc trở thành đơn vị có quy mô Top đầu thị trường như Mirae Asset (Việt Nam), KIS Việt Nam, KB Việt Nam.

Chưa dừng lại ở đó, các CTCK ngoại được hậu thuẫn về vốn từ các tổ chức mẹ đã gia tăng áp lực cạnh tranh bằng "cuộc chiến giá rẻ" về phí giao dịch. Cùng với đó là việc bơm tiền cho nhà đầu tư vay margin. Ví dụ, Mirae Asset (Việt Nam) vươn lên trở thành đơn vị cho vay ký quỹ lớn nhất thị trường, ghi nhận 10.361 tỷ đồng vào cuối năm 2020. KIS Việt Nam và KB Việt Nam cũng nằm trong Top10 đơn vị cho vay margin lớn nhất thị trường.

Dòng tiền trên TTCK Việt Nam: Từ Hàn và Thái nay đến thời vốn xứ Đài - Ảnh 1.

Công ty chứng khoán tăng vốn mạnh mẽ nhờ dòng vốn Hàn Quốc. Đồ họa: Alex Chu.

Theo quan sát, dòng vốn từ thị trường phát triển như Hàn Quốc đổ vào Việt Nam một cách hệ thống thông qua hệ sinh thái khép kín ngân hàng – công ty chứng khoán – công ty quản lý quỹ - quỹ đầu tư.

Các quỹ hoán đổi danh mục (ETF) liên tiếp được thành lập và bơm vốn vào TTCK Việt Nam trong những năm gần đây. 

Năm 2016, KINDEX Vietnam VN30 ETF (KIM ETF) đi vào hoạt động. Tính đến ngày 26/3, quy mô của KIM ETF là 180 tỷ won (tương đương 160 triệu USD). Trong năm 2020, Công ty TNHH Quản lí quĩ Mirae Asset (Việt Nam) ra mắt Quỹ ETF MAFM VN30.

Tháng 11 năm ngoái, KINDEX Vietnam VN30 Futures Leverage (H) ETF được thành lập với tài sản cơ sở là hợp đồng tương lai chỉ số VN30. Sự kiện này đánh dấu quỹ đầu tiên sử dụng sản phẩm phái sinh chỉ số chứng khoán của Việt Nam giao dịch trên sàn chứng khoán Hàn Quốc.

Ngoài ra, các quỹ đóng từ Hàn Quốc cũng tích cực hoạt động trên TTCK Việt Nam, đơn cử như KIM Vietnam Growth Equity Fund với các thương vụ đầu tư vào Thép Nam Kim, Đất Xanh, Gelex, Gemadept, Chứng khoán Bản Việt.

Như vậy, người Hàn Quốc đã "đổ bộ" vào TTCK Việt Nam với tệp sản phẩm tài chính đa dạng từ chứng khoán cơ sở, phái sinh, chứng chỉ quỹ, chứng quyền. 

Vốn Thái Lan "làm mưa, làm gió" 2019

Song hành với thời của người Hàn, dòng vốn từ Thái Lan cũng từng có thời gian ngắn "làm mưa, làm gió" trên TTCK Việt Nam. Tuy nhiên, nguồn tiền từ Thái Lan chủ yếu giải ngân thông qua các quỹ và không thực sự quá nổi bật.

Cuối năm 2018, Bualuang Securities đã phát hành chứng chỉ lưu ký (DR) VFMVN30 ETF và niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán Thái Lan (SET). Điều này giúp nhà đầu tư Thái Lan có thể dễ dàng rót vốn vào TTCK Việt Nam. Hệ quả là, quy mô VFMVN30 ETF tăng quy mô nhanh chóng sau đó, vượt các ETF ngoại trở thành quỹ hàng đầu thị trường.

Với hiệu ứng tích cực từ dòng vốn Thái Lan, TTCK Việt Nam giao dịch thăng hoa trong năm 2019 và tiến lên vùng đỉnh lịch sử 1.200 điểm vào tháng 4/2020.

Nếu không tính đến các thương vụ M&A, các tổ chức tại Thái Lan vẫn đang đầu tư tài chính tại Việt Nam như Finansia Syrus Securities Public Company Limited và KT Zmico Securities Company Limited.

Dòng tiền trên TTCK Việt Nam: Từ Hàn và Thái nay đến thời vốn xứ Đài - Ảnh 2.

Ra mắt chứng chỉ lưu ký VFMVN30 ETF tại Thái Lan năm 2018. Ảnh: VFM.

Nay đến thời của vốn Đài Loan

Sau giai đoạn bùng nổ của dòng vốn Hàn Quốc và Thái Lan, một năm trở lại đây, nguồn tiền từ Đài Loan trở thành tâm điểm. Bối cảnh NĐT ngoại liên tục bị rút ra khỏi thị trường, các quỹ đóng ngừng hoạt động hay thu hẹp quy mô như PXP Việt Nam hay Tundra Vietnam Fund, hai quỹ đầu tư mở mới từ Đài Loan trở thành điểm sáng.

Tháng 8/2020, quỹ CTBC Vietnam Equity Fund ra mắt với đơn vị quản lý là Dragon Capital. Sau nửa năm hoạt động, quy mô của quỹ này đạt 311,5 triệu USD (7.191 tỷ đồng) tại thời điểm cuối tháng 2. Danh mục đầu tư của quỹ tập trung vào mã VFMVN Diamond ETF, hay các bluechip như HPG, GAS, PLX, "họ Vingroup" (VHM, VRE, VIC).

Giữa tháng 3 vừa qua, thị trường đón nhận thêm một quỹ mới từ Đài Loan là Fubon FTSE Vietnam ETF. Chỉ số tham chiếu của quỹ là FTSE Vietnam 30 Index. Cùng quy mô như quỹ mới mở trước đó, Fubon FTSE Vietnam ETF huy động vốn 10 tỷ Tân Đài tệ (354 triệu USD, 8.280 tỷ đồng) trong giai đoạn đầu tiên.

Tính riêng hai quỹ mới trên, giá trị vào ròng ước tính khoảng 15.400 tỷ đồng. Điều này góp phần cân bằng thị trường khi những dòng vốn ngoại khác đang có dấu hiệu rút ra khỏi thị trường, điển hình nhóm nhà đầu tư cá nhân đến từ Hàn Quốc.

Tại báo cáo tháng 2, Dragon Capital cho biết nhà đầu tư Hàn Quốc bắt đầu giải ngân trở lại trên TTCK Việt Nam. Nhưng một số đang chốt lời, số khác thu hồi vốn đã giải ngân trên vùng đỉnh 1.204 điểm vào đầu năm 2018. Động thái rút ròng tại Việt Nam của nhóm NĐT Hàn Quốc nằm trong xu hướng toàn cầu của người Hàn là trở về đầu tư vào thị trường trong nước đang bùng nổ.

Trở lại xu thế của dòng vốn từ Đài Loan, không chỉ rót tiền thông qua các quỹ đầu tư mới, nhà đầu tư Đài Loan còn giải ngân vào TTCK Việt Nam thông qua các công ty chứng khoán. Tổng hợp của người viết, các CTCK trong nước liên tục huy động vốn từ các định chế tài chính tại Đài Loan trong một năm gần đây.

Điểm lại một số thương vụ, tháng 12/2020, Chứng khoán SSI (Mã: SSI) có khoản vay tín chấp 85 triệu USD từ nhóm 9 ngân hàng nước ngoài, đứng đầu là Union Bank of Taiwan. Trước đó, nhóm định chế tài chính đứng đầu là SinoPac cung cấp các khoản vay tín chấp cho các đơn vị như SSI (55 triệu USD), HSC (50 triệu USD), Bản Việt (40 triệu USD). 

Giữa tháng 3, VietinBank Securities (Mã: CTS) có khoản vay tín chấp 30 triệu USD từ nhóm 4 ngân hàng Đài Loan. Như vậy, dòng vốn Đài Loan giá trị hàng trăm triệu USD đã đổ vào TTCK Việt Nam thông qua các công ty chứng khoán.

Những gì đang diễn ra cho thấy dòng vốn từ Đài Loan đang lựa chọn Việt Nam là điểm đến hấp dẫn để giải ngân. Thị trường luôn có cái lý riêng, rủi ro hay cơ hội phụ thuộc vào quan điểm và khẩu vị của nhóm nhà đầu tư, sẽ có người bán và người mua. Nhà đầu tư xứ Đài đang tạo dấu ấn khi đổ tiền mua lại những gì được khối ngoại bán ra, sẽ không quá khi nói rằng hiện là thời của vốn Đài Loan.

Lợi Hoàng