Chứng khoán Việt ‘miễn nhiễm’ trước thông tin BlackRock đóng ETF quy mô 400 triệu USD
BlackRock thông báo sẽ đóng iShares Frontier and Select EM ETF sau 12 năm hoạt động. Trong thời gian thanh lý, iShares Frontier and Select EM ETF không được quản lý theo mục tiêu và chính sách đầu tư (của quỹ), thay vào đó sẽ bán bớt tài sản. Dự kiến ETF sẽ nắm giữ phần lớn tài sản của mình bằng tiền mặt và các khoản tương đương tiền trong thời gian thanh lý kéo dài.
Ra đời cách đây 12 năm, iShares Frontier and Select EM ETF khởi đầu với tên gọi iShare MSCI Frontier Markets 100 ETF và tham chiếu theo chỉ số thị trường cận biên MSCI Frontier Markets 100 index. Đến tháng 3/2021, quỹ đổi tên thành iShares MSCI Frontier and Select EM ETF như hiện tại và mở rộng phạm vi chọn cổ phiếu sang cả thị trường mới nổi và cận biên, với chỉ số tham chiếu là MSCI Frontier & Emerging Markets Select Index.
Tính đến 11/6, iShares Frontier và Select EM ETF có tổng giá trị tài sản ròng (NAV) hơn 400 triệu USD, tương đương khoảng 10.000 tỷ đồng.
Cơ cấu danh mục tại ngày 10/6, thị trường Việt Nam dẫn đầu với 18,06%, kế đến là Romania 8,75%, Kazakhstan 7,76%, Morocco 4,34%... Lượng tiền đang chiếm 39,9% danh mục. Các ngành có tỷ trọng lớn nhất là tài chính 17,6%, vật liệu 9,5%, bất động sản 7,2%, năng lượng 7%...
Trong nhóm cổ phiếu Việt Nam đang nắm giữ, các khoản đầu tư lớn nhất gồm HPG, VHM, VIC, VNM và MSN. Tổng cộng, số lượng cổ phiếu Việt Nam trong danh mục đạt hơn 53,6 triệu cp.
Theo thông báo của BlackRock, iShares Frontier and Select EM ETF sẽ ngừng giao dịch và không còn chấp nhận các lệnh tạo và mua lại chứng chỉ quỹ sau ngày 31/5/2025. Tuy nhiên, lộ trình vẫn có thể thay đổi.
Trước thông tin này, một số nhà đầu tư có nghi vấn liệu iShares Frontier and Select EM ETF sẽ nhanh chóng thoái toàn bộ hàng chục triệu cổ phiếu. Lo ngại trên đặt trong bối cảnh khối ngoại đã liên tục bán ròng mạnh trong tháng 5 kéo dài qua đầu tháng 6. Điển hình như chỉ trong phiên 11/6, khối này đã bán ròng đến gần 1.900 tỷ đồng, nâng con số lũy kế từ đầu năm lên khoảng 40.000 tỷ đồng.
Nguyên nhân nào dẫn đến đóng ETF sau 12 năm hoạt động?
Nói về nguyên nhân đóng ETF, ông Bùi Văn Huy, Giám đốc Chi nhánh TP HCM của Chứng khoán DSC cho rằng trước tiên là do quỹ không huy động được tiền, kém hiệu quả và liên tục bị rút.
“Cách đây khoảng chục năm, khi mới đi vào hoạt động, quy mô của ETF lên đến cả tỷ USD nhưng hiện tại bị co về còn 400 triệu USD. Nếu không tính đến các yếu tố về thời hạn quỹ, quỹ kém hiệu quả và kém hút tiền như vậy bị đóng là bình thường.
Ban đầu thiết kế quỹ với ý tưởng tốt là đầu tư chung vào các thị trường cận biên, nhưng khi thực hiện thì lại không ra chiến lược rõ ràng. Hãy tưởng tượng một quỹ có 400 triệu USD mà đầu tư vào danh mục 100 mã, 11 quốc gia, có quốc gia chỉ có tỷ trọng hơn 1%, nghĩa là 4 - 5 triệu USD.
Cổ phiếu tỷ trọng lớn nhất ở Việt Nam là HPG cũng chưa đến 10 triệu USD, thực sự là quá dàn trải. Rồi phải thực hiện mua bán ở 11 quốc gia, nhạy với 11 ngoại tệ, trong khi quy mô không tương xứng. Khi nhà đầu tư nhìn vào, chiến lược ở đây hơi rối. Việc đóng quỹ với tôi là được báo trước”, ông Huy nhìn nhận.
Theo ông Huy, với góc nhìn về tư duy quỹ, các sản phẩm cần cụ thể và có những bối cảnh đầu tư hơn. Hiện ở Việt Nam là 18%, chưa đến 80 triệu USD và như đã nói ở trên, danh mục ở Việt Nam hay các nước đều dàn trải nên theo không biến động gì nhiều.
Những ai thích đầu tư để muốn tham gia vào thị trường Việt Nam họ sẽ bán khoản đầu tư quỹ này để phân bổ vào quỹ khác, hoặc thích một quốc gia nào thì phân bổ vào ETF quốc gia đó một cách có trọng điểm hơn.
Khó có kịch bản thoái sạch vốn trong ngắn hạn
Cũng theo nhà phân tích của DSC, việc đóng ETF hoàn toàn không ảnh hưởng, mang tính độc lập với lộ trình nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam theo tiêu chí của MSCI.
Với MSCI Frontier 100, chỉ số này mang nhiều ý nghĩa về tư duy thiết kế quỹ để đáp ứng khẩu vị nhà đầu tư hơn là câu chuyện ảnh hưởng của nó như thế nào.
Trong khi đó, MSCI phân loại quốc gia và xây dựng nhiều chỉ số. Chỉ số nào tiềm năng, có khả năng hút tiền thì các ETF triển khai dựa trên tỷ trọng chỉ số đó. Câu chuyện ở đây là MSCI Frontier 100 không đáp ứng được khẩu vị của nhà đầu tư và quá phân tán.
“Quá trình nâng hạng là độc lập. Tuy nhiên với bản đánh giá ngày 6/6 thì có lẽ đợt này Việt Nam vẫn sẽ lỡ hẹn với MSCI”, ông Huy nói thêm.
Ông Trần Trương Mạnh Hiếu, Trưởng phòng Phân tích Chứng khoán KIS Việt Nam, đồng quan điểm việc BlackRock đóng quỹ không ảnh hưởng đến lộ trình nâng hạng của Việt Nam. Các tiêu chí nâng hạng của thị trường theo MSCI không có tiêu chí nào dựa trên việc thành lập hay giải thể một quỹ để quyết định việc nâng hạng.
Vụ việc có thể sẽ có ảnh hưởng đến tâm lý của nhà đầu tư trong nước, gây áp lực bán từ khối ngoại. Tuy nhiên, theo ông Hiếu, tác động sẽ không lớn xu hướng chung, đến từ ba nguyên do.
Thứ nhất, các ETF thường theo xu hướng tránh ảnh hưởng đến diễn biến giá, nên việc bán ra cổ phiếu cũng sẽ được cân nhắc thực hiện nhằm tránh ảnh hưởng đến xu hướng giá.
Thứ hai, quỹ có thời gian một năm (dự kiến đến 31/5/2025) để thanh lý, nên việc bán cổ phiếu sẽ có thể được dàn trải, qua đó hạn chế tác động đến các thị trường.
Thứ ba, tỷ trọng cổ phiếu Việt Nam chỉ khoảng 1.800 tỷ đồng. Trong khi đó, hiện thị trường chứng khoán giao dịch mỗi phiên quanh 20.000 tỷ đồng, mà quỹ có thời gian thanh lý đến một năm, nên thị trường hoàn toàn có thể hấp thụ được lượng cung này.