|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Chứng khoán tháng 10 qua lăng kính CTCK: Rung lắc tại mốc tâm lý 1.300

14:30 | 09/10/2024
Chia sẻ
Đa số công ty chứng khoán dự báo thị trường chứng khoán (TTCK) sẽ tiếp tục gặp áp lực tại vùng 1.300 điểm trong tháng 10.

Báo cáo chiến lược tháng 10 của SSI Research cho thấy TTCK Việt Nam tiếp tục vận động trong xu hướng khả quan. VN-Index đóng cửa phiên 30/9 tại 1.287,9 điểm, tăng 13,9% từ đầu năm.

Triển vọng qua tháng 10, nhóm phân tích của SSI cho rằng tâm lý đầu tư vào các quỹ cổ phiếu toàn cầu ở trạng thái tích cực hơn sau động thái giảm lãi suất của Fed trong tháng 9 và số liệu kinh tế Mỹ đang  nghiêng nhiều ở kịch bản “hạ cánh mềm”. Nền kinh tế Việt Nam cũng được kỳ vọng hưởng lợi từ các biện pháp kích cầu mạnh mẽ từ phía Trung Quốc.

Lợi nhuận của các công ty niêm yết trong danh sách theo dõi của SSI Research được dự báo sẽ tăng 15,5% trong năm 2024 và tiếp tục tăng 19,6% trong 2025. Tăng trưởng lợi nhuận sẽ tiếp tục mở rộng ra nhiều nhóm ngành. Trong ngắn hạn, tăng trưởng lợi nhuận so với cùng kỳ có thể đạt mức 21,7% trong nửa cuối năm 2024, tăng tốc đáng kể so với mức chỉ 6,2% trong nửa đầu năm.

Về định giá, các thị trường Đông Nam Á được kỳ vọng hưởng lợi từ phân bổ lại dòng vốn khi Fed bắt đầu chu kỳ nới lỏng lãi suất thì yếu tố định giá hấp dẫn có thể là một yếu tố thu hút dòng tiền.

P/E ước tính một năm của VN-Index tăng lên 12 lần vào ngày 4/10, cao nhất từ cuối tháng 1/2024. Theo SSI, điều này phản ánh kỳ vọng tăng trưởng lợi nhuận cho giai đoạn nửa cuối 2024 và năm 2025. Dù vậy, định giá thị trường Việt Nam vẫn thấp hơn so với một số TTCK khu vực Đông Nam Á, một trong các điểm mấu chốt để cạnh tranh thu hút trở lại dòng vốn ngoại.

 

Rủi ro của thị trường bao gồm: căng thẳng địa chính trị leo thang, biến động từ kỳ bầu cử Mỹ; nền kinh tế và lợi nhuận các công ty niêm yết không phục hồi như kỳ vọng; biến động tăng của tỷ giá khi USD hồi phục trở lại.

Ở khía cạnh kỹ thuật, biểu đồ trung hạn cho thấy VN-Index đã dao động trong phạm vi 1.170-1.300 điểm trong phần lớn thời gian 9 tháng đầu năm. Chỉ số đang biến động co hẹp dần và có lúc tiến sát biên trên 1.296 - 1.305 điểm. Các chỉ báo kỹ thuật chính cho tín hiệu tích cực.

SSI Research lưu ý các mốc điểm số cần quan sát gồm ngưỡng cản trên lần lượt 1.296 và 1.355 điểm; ngưỡng hỗ trợ dưới: 1.265 điểm.

Góc nhìn của Chứng khoán VNDirect, hiện tại chỉ số chung đang tiến gần vùng kháng cự mạnh quanh 1.300 điểm, và hoạt động chốt lời chắc chắn sẽ gia tăng.

Do đó, nhà đầu tư được khuyến nghị cần kiểm  soát cảm xúc và cân bằng danh mục đầu tư, tránh tâm lý FOMO đối với những cổ phiếu đã tăng mạnh. Việc tuân thủ kỷ luật và các nguyên tắc quản lý rủi ro danh mục đầu tư cần được ưu tiên hàng đầu. Nhà đầu tư nên chờ thị trường xác nhận xu hướng khi kiểm định vùng kháng cự 1.300 điểm trước khi mở vị thế mua mới và gia tăng tỷ trọng đầu tư.

Báo cáo chiến lược tháng 10 của VNDirect nêu các rủi ro tiềm ẩn đối với dự báo gồm: xung đột địa chính trị ở Trung Đông leo thang thành một cuộc chiến khu vực; xuất hiện thêm các dữ liệu tiêu cực từ nền kinh tế Mỹ, làm dấy lên lo ngại về suy thoái kinh tế; các thông tin tiêu cực từ các doanh nghiệp đang gặp khó khăn...

Ngược lại, các yếu tố tích cực vượt hơn dự báo có thể gồm: Việt Nam được công bố nâng hạng lên thị trường mới nổi; các chính sách hỗ trợ thanh khoản, nới lỏng tiền tệ từ Ngân hàng Nhà nước; kết quả kinh doanh mạnh hơn dự kiến trong quý III.

Trong ngắn hạn, khối phân tích Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam (MASVN) kỳ vọng VN-Index sẽ tìm được vùng hỗ trợ tại 1.280 điểm và tiếp tục hướng về vùng cản tâm lý 1.300 điểm.

Tuy nhiên, rung lắc có thể sẽ xuất hiện trước tâm lý chốt lời tăng cao khi VN-Index vượt vùng cản tâm lý. Xu hướng này có thể kéo dài đến khi VN-Index chinh phục thành công mốc 1.330 điểm kết hợp đồng thời với sắc xanh cần phải lan tỏa đến nhiều nhóm ngành.

Chứng khoán An Bình (ABS) đánh giá thị trường tiếp tục diễn biến trong vùng 1.185 - 1.305 điểm trong tháng 10 và có tiềm năng tăng trưởng cuối năm. Nhóm phân tích ABS đưa hai kịch bản cho tháng đầu tiên của quý.

Kịch bản thứ nhất, thị trường điều chỉnh về vùng hỗ trợ tại 1.245 - 1.260 điểm và cho tín hiệu phục hồi.

Kịch bản thứ hai, thị trường điều chỉnh sâu hơn phá qua ngưỡng hỗ trợ 1.245 - 1.260 với lực bán mạnh. Khi thị trường cho tín hiệu ở ngưỡng hỗ trợ 1.205 - 1.217 điểm, nhà đầu tư được khuyến nghị mở mua thăm dò, và mua gia tăng khi thị trường cho tín hiệu lực cầu vào mạnh.

Trong trường hợp thị trường giảm qua ngưỡng hỗ trợ 1.205 - 1.217 điểm, ABS khuyến nghị nhà đầu tư lần hai ở ngưỡng hỗ trợ thứ ba quanh vùng 1.186 điểm.

Tại báo cáo chiến lược mới đây, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) kỳ vọng VN-Index sẽ dao động trong biên độ 1.265 - 1.320 điểm trong tháng 10. Nhìn xa hơn cho những tháng còn lại của quý IV, chỉ số có thể hướng đến chinh phục vùng 1.334 - 1.380 điểm khi phản ánh mức tăng trưởng lợi nhuận quý III (EPS 12 tháng tăng 14% - 15% so với EPS 2023), tương ứng P/E kỳ vọng 14,5 - 15 lần.

“Rủi ro trong ngắn hạn của thị trường là căng thẳng Trung Đông leo thang mạnh khiến VN-Index kiểm định lại vùng giao dịch P/E 13,5 lần, tương ứng với VN-Index có thể quay về mức 1.230 điểm trước khi phục hồi trở lại”, VDSC nhận định.

Dự báo diễn biến VN-Index tháng 10 của một số CTCK. (Nguồn: X.N tổng hợp).

Về chiến lược, theo VDSC, các nhà đầu tư có thể xây dựng danh mục với các cổ phiếu có xu hướng tăng trưởng chất lượng, bao gồm các công ty hoạt động trong thị trường có nhu cầu tăng trưởng (như ngân hàng, công nghệ, dịch vụ tài chính...) hoặc các công ty có dự án đầu tư mở rộng quy mô hay tiềm năng mở rộng thị phần. Tuy nhiên, nhà đầu tư cũng lưu ý khi lựa chọn điểm mua với mức định giá phù hợp so với mức độ tăng trưởng.

Bên cạnh đó, nhà đầu tư lưu ý đảm bảo sức mua của danh mục trong giai đoạn này cho trường hợp thị trường có thể biến động mạnh trong bối cảnh căng thẳng leo thang và giải ngân thêm khi tính chất của cuộc leo thang đạt đỉnh.

Trong ngắn hạn, khi mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý III sắp diễn ra, VDSC ưu tiên nhóm ngành ngân hàng. Bên cạnh đó, các ngành có giá sản phẩm, dịch vụ đang bước vào chu kỳ tăng mạnh như cao su  và vận tải biển cũng có khả năng thúc đẩy tăng trưởng lợi nhuận trong thời gian tới.

Nhóm phân tích Chứng khoán Agribank (Agriseco Research) cũng có góc nhìn khả quan về thị trường tháng 10. Agriseco khuyến nghị nhà đầu tư có thể tích lũy đối với những cổ phiếu đầu ngành, có mức định giá phù hợp và kết quả kinh doanh tăng trưởng tích cực trong quý III và cả năm 2024.

Theo báo cáo chiến lược tháng 10 của ABS, thanh khoản của thị trường giai đoạn vừa qua ở mức trung bình, do đó nhà đầu tư ưu tiên chú ý đến các cổ phiếu quy mô vừa trong các ngành ngân hàng, chứng khoán, dầu khí, kho vận...

Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) kỳ vọng VN-Index sẽ chinh phục mốc 1.300 điểm trong quý IV. Theo đó, các chủ đề đầu tư được KBSV lựa chọn trong quý cuối năm bao gồm kinh tế phục hồi, bước tiến nâng hạng, La Nina, đầu tư công và thu hút vốn FDI.

Đối với triển vọng ngành trong nửa cuối năm, bộ phận phân tích doanh nghiệp của KBSV đánh giá tích cực với các ngành ngân hàng, chứng khoán, bất động sản, khu công nghiệp, cảng biển, dầu khí.


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Xuân Nghĩa

Đang hoàn thiện phương án chuyển giao các ngân hàng GPBank và DongA Bank, cơ cấu lại SCB
Báo cáo của Chính phủ cho thấy đã hoàn thiện phương án chuyển giao bắt buộc đối với hai ngân hàng CBBank và OceanBank và đang tiến hành tiếp với các ngân hàng GPBank và DongA Bank, đồng thời có phương án cơ cấu lại SCB.