Chứng khoán Philippines giảm 24% trong phiên mở cửa thị trường trở lại, Hàn Quốc tạm ngừng giao dịch
Tại Hàn Quốc, chỉ số chứng khoán Kospi sụt 8,12% còn chỉ số Kosdaq cũng mất 8,35%. Sau khi Kospi giảm quá ngưỡng 8%, Sàn chứng khoán Hàn Quốc đã ngắt mạch thị trường, dừng toàn bộ giao dịch trong vòng 20 phút. Tại Hong Kong, chỉ số Hang Seng giảm 4,84%.
Tại Philippines, thị trường hôm nay mở cửa trở lại sau khi đóng cửa trong hai ngày 17, 18/3 vì dịch COVID-19. Chỉ số PSE Composite Index sụt 24% ngay đầu phiên sáng 19/3, sau đó hồi phục và còn giảm khoảng 13%.
Hôm 16/2, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã mở rộng lệnh phong tỏa kéo dài một tháng đối với thủ đô Manila tới toàn bộ đảo Luzon – hòn đảo lớn nhất và đông dân nhất của Philippines. Ít nhất 57 triệu người đã bị đặt dưới lệnh cách li này. Hiện nay Philippines đã ghi nhận 202 ca dương tính với COVID-19 và 19 trường hợp tử vong.
Tại Indonesia, chỉ số Jakarta Composite Index giảm 5,01% trong sáng 19/3. Tương tự như ở Hàn Quốc, có lúc Sở Giao dịch chứng khoán Indonesia đã phải tạm ngừng giao dịch sau khi chỉ số Jakarta Composite giảm đến ngưỡng 5%.
Tại Australia, chỉ số S&P/ASX200 đầu phiên tăng hơn 2% sau đó quay đầu giảm 1,89%.
Tại Trung Quốc đại lục, chỉ số Shanghai Composite giảm hơn 2% trong khi Shenzhen Composite cũng mất 2,1%. Ở Nhật Bản, chỉ số Nikkei 225 giảm nhẹ 0,74% còn Topix tăng 1,47%.
Tính chung, chỉ số MSCI khu vực châu Á ngoại trừ Nhật Bản (Asia ex-Japan) giảm 5,36%.
Đầu phiên 19/3, các thị trường nhìn chung giao dịch tích cực sau thông tin Ngân hàng Trung ương châu ÂU (ECB) thông báo một gói bơm tiền khẩn cấp vì đại dịch COVID-19. Theo đó, ECB sẽ chi khoảng 750 tỉ USD (821 tỉ USD) để mua lại nhiều loại chứng khoán, cung cấp thanh khoản cho nền kinh tế châu Âu.
"ECB sẽ đảm bảo rằng tất cả khu vực kinh tế sẽ được hưởng lợi từ chính sách hỗ trợ tài chính này, giúp các lĩnh vực đều có thể chống chịu cú sốc. Gói hỗ trợ này sẽ được áp dụng đồng đều cho các gia đình, doanh nghiệp, ngân hàng và các chính phủ", thông cáo của ECB cho biết.
Trước ECB, các ngân hàng trung ương của Nhật Bản và Mỹ cũng đã áp dụng những biện pháp mạnh tay để chống lại thiệt hại kinh tế từ đại dịch COVID-19.
Cụ thể, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã bất ngờ hạ lãi suất quĩ liên bang về 0%, lãi suất cửa sổ chiết khấu về 0,25% và bắt đầu thực hiện gói nới lỏng định lượng (QE) để bơm 750 tỉ USD vào nền kinh tế.
Theo thống kê của Đại học Johns Hopkins, tính đến 11h30 sáng nay (giờ Việt Nam), cả thế giới đã ghi nhận 218.777 ca dương tính và 8.810 ca tử vong vì COVID-19.