Chứng khoán Mỹ lao dốc sau phát biểu đáng ngại của Chủ tịch Fed
Chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones mất 368 điểm, tương đương 1,05%, và kết phiên ở 34.793 điểm. Chỉ số S&P 500 và Nasdaq Composite cũng sụt lần lượt 1,48% và 2,07%.
Theo CNBC, các chỉ số khởi đầu phiên 21/4 tương đối thuận lợi nhờ nhiều doanh nghiệp công bố kết quả kinh doanh quý I khả quan. Dow Jones có lúc tăng 331 điểm, S&P 500 và Nasdaq cũng có lúc tăng hơn 1%.
Giá cổ phiếu đi xuống trong bối cảnh lợi suất duy trì ở mức cao. Lợi suất trái phiếu Kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm tăng lên 2,908%, gần với đỉnh ba năm. Đầu năm nay, lợi suất kỳ hạn 10 năm chỉ giao dịch ở khoảng 1,5%. Sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) thắt chặt chính sách tiền tệ nhằm nỗ lực ổn định giá cả, lợi suất đi lên mạnh mẽ.
CNBC dẫn lời ông Joseph Kalish, Giám đốc chiến lược vĩ mô toàn cầu tại công ty phân tích Ned Davis, nhận định: “Chúng tôi cho rằng lạm phát đã đạt đỉnh hoặc sẽ lập đỉnh rất sớm thôi. Tuy nhiên, tỷ lệ tham gia lực lượng lao động thấp do nhiều người nghỉ hưu, nỗi lo về COVID tái bùng phát vẫn còn là những yếu tố có thể khiến lạm phát duy trì ở mức cao gấp đôi mục tiêu của Fed”.
“Vì vậy, trong một năm tới, Fed có thể phải nâng lãi suất lên trên vùng 3,25 – 3,5% mà thị trường đang phản ánh vào giá”, ông Kalish nói thêm. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3 tại Mỹ tăng 8,5% so với cùng kỳ 2021, mức tăng cao nhất kể từ cuối năm 1981 trở lại đây. Mục tiêu lạm phát dài hạn của Fed là 2%.
Lợi suất ngày 21/4 đi lên trong lúc Chủ tịch Fed Jerome Powell ra tín hiệu lãi suất điều hành có thể tăng mạnh trong tháng sau. Phát biểu tại một sự kiện của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), ông Powell cho rằng việc tăng lãi suất “nhanh hơn một chút là hợp lý”.
“Tôi cho rằng việc tăng lãi suất 50 điểm cơ bản sẽ được thảo luận trong cuộc họp tháng 5”, ông Powell nói. Thông thường, Fed chỉ điều chỉnh lãi suất 25 điểm cơ bản (tức 0,25 điểm %) trong mỗi cuộc họp.
Một số nhà đầu tư kì cựu cho rằng kế hoạch kiểm soát lạm phát của Fed có thể dẫn tới nhiều thiệt hại về kinh tế. Ông Mohamed El-Erian, Cố vấn kinh tế trưởng của tập đoàn tài chính Allianz nhận định: “Fed sẽ cần đến cả kỹ năng, thời gian và may mắn để đạt được một cuộc hạ cánh mềm”.
Tất cả 11 nhóm cổ phiếu thuộc chỉ số S&P 500 đều đi xuống trong phiên 21/4, như thể hiện trong thống kê dưới đây. Năng lượng là nhóm diễn biến tiêu cực nhất, bất chấp việc giá dầu Brent tăng 1,8% lên 108,79 USD/thùng. ExxonMobil và Chevron giảm tương ứng 1,1% và 4,6%. Các cổ phiếu năng lượng sạch cũng mất giá, chứng chỉ quỹ Invesco Solar ETF mất gần 7%.
Ngành công nghệ cũng ghi nhận nhiều cổ phiếu lao dốc như Nvidia mất 6%, Netflix và Alphabet giảm lần lượt 3,5% và 2,5%.
Nhà đầu tư đang theo dõi sát các thông báo kết quả kinh doanh từ phía doanh nghiệp.
Cổ phiếu Tesla bật tăng hơn 3% sau khi đại gia xe điện này công bố lợi nhuận quý I cao hơn dự báo nhờ sản lượng bán xe tốt. Nhiều chuyên gia phân tích đánh giá cao Tesla, tuy nhiên mức giá đóng cửa của cổ phiếu này vẫn thấp hơn nhiều so với đỉnh trong phiên.
Hàng không cũng là một điểm sáng. Cổ phiếu United Airlines vọt lên 9,3% sau khi công ty dự báo có lãi trong năm 2022. CEO Scott Kirby cho biết nhu cầu đi công tác cũng như đi du lịch đang tăng rất mạnh. Cổ phiếu American Airlines tăng 3,8% sau khi hãng hàng không này báo lãi trước thuế trong quý II.
Theo số liệu của FactSet, hơn 17% số doanh nghiệp thuộc chỉ số S&P 500 đã thông báo lợi nhuận quý I, khoảng 81% trong số này vượt kỳ vọng của giới phân tích. Biểu đồ bên dưới cho thấy biên lợi nhuận của các doanh nghiệp trong quý I/2022 có thể sẽ giảm nhẹ so với quý cuối năm ngoái.