|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Chứng khoán Mỹ giảm điểm phiên đầu tháng 8, nhóm dầu khí sa sút mạnh nhất

07:19 | 02/08/2022
Chia sẻ
Thị trường chứng khoán Mỹ ngày 1/8 đóng cửa trong sắc đỏ sau khi ghi nhận tháng 7 tăng trưởng mạnh nhất kể từ cuối 2020. Cổ phiếu dầu khí giảm sâu khi giá dầu thô lao dốc xuống dưới 100 USD/thùng.

Chứng khoán Mỹ giảm điểm sau ba phiên tăng liên tiếp.

Ngày đầu tháng 8, cả ba chỉ số chính của chứng khoán Mỹ đều chấm dứt chuỗi tăng ba phiên liên tiếp vừa ghi nhận trong tuần cuối tháng 7.

S&P 500 giảm 0,28% còn gần 4.119 điểm. Chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones và Nasdaq Composite đi xuống ít hơn khi mất lần lượt 0,14% và 0,18%.

Cổ phiếu Boeing bật tăng 6,1% sau khi nhà chức trách Mỹ phê duyệt kế hoạch nối lại bàn giao dòng tàu bay thân rộng 787. Tuy nhiên, Boeing cũng không thể cứu Dow Jones khỏi cái kết trong sắc đỏ phiên đầu tháng 8. Trong 30 cổ phiếu thành viên của Dow Jones có 18 mã đi xuống.

Dow Jones giảm điểm trong phiên 1/8 sau khi ghi nhận tháng tăng điểm mạnh nhất kể từ tháng 11/2020.

Thông tin tích cực từ lĩnh vực sản xuất đã phần nào hỗ trợ tâm lý nhà đầu tư. Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) khu vực sản xuất tháng 7 đạt 52,8 điểm, Viện Quản lý Nguồn cung (ISM) cho biết. 

Mức điểm của tháng 7 giảm nhẹ so với con số 53 điểm trong tháng 6 nhưng cao hơn dự báo 52,1 điểm mà các nhà kinh tế của Dow Jones đưa ra.

Chỉ số trên 50 điểm đồng nghĩa với việc hoạt động kinh doanh mở rộng so với tháng trước. Biểu đồ bên dưới cho thấy đây là tháng tăng trưởng thứ 26 liên tiếp của nền kinh tế Mỹ. 

Khu vực sản xuất của Mỹ tiếp tục tăng trưởng, nhưng với tốc độ chậm nhất kể từ tháng 6/2020. 

Giá dầu thô lao dốc xuống dưới 100 USD/thùng trong phiên đầu tháng 8 đã ảnh hưởng tiêu cực tới cổ phiếu ngành năng lượng. Cổ phiếu của hai đại gia dầu khí ExxonMobil và Chevron mất lần lượt 2,6% và 2%, Diamondback Energy và Devon Energy giảm tương ứng 2% và 1,6%.

Biểu đồ dưới đây cho thấy cổ phiếu năng lượng là nhóm giảm mạnh nhất chỉ số S&P 500 trong phiên đầu tháng 8.

Cổ phiếu năng lượng và tài chính là những nhóm giảm sâu nhất phiên 1/8.

Ông Mark Newton, Giám đốc chiến lược kỹ thuật toàn cầu tại công ty nghiên cứu thị trường Fundstrat, cho rằng giá dầu có thể lao dốc xuống còn khoảng 85 USD/thùng.

“Hầu hết nhóm năng lượng có thể sẽ bị đè bẹp trong ngắn hạn. Tôi lạc quan hơn về triển vọng dài hạn của ngành năng lượng”, ông Newton nói. “Năng lượng không phải là chỗ trú ẩn an toàn trong tháng 8”. 

Ông Jeff Currie, Giám đốc nghiên cứu hàng hóa toàn cầu của Goldman Sachs, lại có quan điểm trái ngược khi cho rằng giá dầu thô Brent sẽ quay lại mức 130 USD/thùng vào cuối năm nay nhờ nhu cầu hồi phục.

Nhu cầu dầu hiện nay có thể tăng trưởng chậm lại nhưng không giảm đi. Ông Currie cho rằng đây là điều mà thị trường không chú ý tới. 

Giá dầu thô Brent giảm sốc hơn 9% trong phiên 1/8, xuống dưới 100 USD/thùng.

Trong tuần trước, Dow Jones có thêm xấp xỉ 3%, S&P 500 và Nasdaq tăng tương ứng 4,3% và 4,7%. Tính chung cả tháng 7, Dow Jones đi lên 6,7%. S&P 500 cũng tăng 9,1%. Nasdaq Composite khả quan nhất khi tăng 12,4% trong tháng qua, tuy nhiên vẫn ở trong thị trường gấu.

Bà Savita Subramanian, Giám đốc chiến lược cổ phiếu và định lượng của Bank of America Securities, cho rằng đợt tăng của tháng 7 đánh dấu lần thứ 2 chứng khoán Mỹ hồi phục trên 10% trong thị trường gấu năm nay.

“Chúng tôi coi đợt tăng trong tháng 7 chỉ là một giai đoạn hồi phục trong thị trường gấu. Hiện tượng này vẫn thường xảy ra. Trung bình từ năm 1929 đến nay có khoảng 1,5 lần hồi phục trong mỗi thị trường gấu”, bà Savita Subramanian nói.

Chiến lược gia của Bank of America Securities nói thêm rằng tháng 8 và 9 thường là giai đoạn thị trường cổ phiếu suy yếu, đồng thời duy trì dự báo S&P 500 sẽ giảm về vùng 3.600 điểm, tức là giảm 13% so với hiện nay.

Ông Marko Kolanovic, Giám đốc chiến lược định lượng toàn cầu của JPMorgan Chase, lại có cái nhìn lạc quan hơn khi cho rằng triển vọng thị trường trong nửa cuối năm đang trở nên ngày càng hấp dẫn.

 S&P 500 bật tăng 9,1% trong tháng 7.

Song Ngọc