|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Chứng khoán Mỹ dứt chuỗi suy giảm, Dow Jones hồi phục 436 điểm sau phát biểu của quan chức Fed

07:19 | 08/09/2022
Chia sẻ
Thị trường chứng khoán Mỹ ngày 7/9 đồng loạt khởi sắc khi lợi suất trái phiếu và giá dầu cùng đi xuống, xoa dịu lo ngại của nhà đầu tư về nguy cơ lạm phát cao dai dẳng.

S&P 500 hồi phục trong phiên 7/9.

Chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones tăng 436 điểm, tương đương 1,4%, và đóng cửa ở 31.581 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 1,83% lên gần 3.980 điểm.

Chỉ số thiên về công nghệ Nasdaq Composite tăng 2,14% lên 11.792 điểm, chấm dứt chuỗi giảm 7 phiên liên tục. Với Dow Jones và S&P 500, đây là phiên tăng thứ 2 trong 8 phiên gần đây.

Dow Jones giảm trong 6/8 phiên gần đây.

Phó Chủ tịch Fed cam kết chống lạm phát đến cùng

Bà Lael Brainard, Phó Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), trong một bài phát biểu ngày 7/9 đã khẳng định ngân hàng trung ương Mỹ sẵn sàng ứng phó với lạm phát cho tới khi nào mặt bằng giá tiêu dùng được kiểm soát thì thôi.

“Chúng tôi sẽ tiếp tục con đường này cho tới khi nào lạm phát đi xuống”, bà Brainard đọc bài phát biểu đã được chuẩn bị trước ở New York. “Cho tới nay, chúng tôi đã khẩn trương nâng lãi suất chính sách lên ngang bằng mức đỉnh của chu kỳ trước, và lãi suất chính sách sẽ cần lên cao hơn”.

Sau 4 lần tăng liên tiếp, lãi suất chính sách của Fed đã quay lại mức trước COVID-19.

Bà Brainard cho biết đã có một số dấu hiệu cho thấy giá cả đang đi xuống ở ngành bán lẻ nhưng “vẫn còn tiềm năng cắt giảm” biên lợi nhuận của các doanh nghiệp, nhất là các nhà sản xuất xe hơi.

Phó Chủ tịch Fed nhận định rằng việc giữ lãi suất ở mức cao trong thời gian dài hơn là cần thiết để đảm bảo rằng lạm phát thực sự được kiềm chế. Giá cả tăng phi mã hiện nay đang gây tổn hại lớn tới các hộ gia đình thu nhập thấp, bà Brainard nói.

“Các biện pháp thắt chặt tài chính có thể phải mất mội thời gian mới phát huy tác động đầy đủ trong toàn bộ nền kinh tế. Quá trình giảm lạm phát tại Mỹ nhiều khả năng sẽ được củng cố bởi chính sách thắt chặt tiền tệ và nhu cầu suy yếu ở nhiều quốc gia khác”, bà Brainard phát biểu.

 (Đồ họa: Song Ngọc).

Mặc dù cam kết chống lạm phát đến cùng, Phó Chủ tịch Fed vẫn cảnh báo nguy cơ ngân hàng trung ương Mỹ thắt chặt quá mức. Thị trường chứng khoán Mỹ đi lên sau phát biểu này.

“Đến một lúc nào đó trong chu kỳ thắt chặt, các rủi ro sẽ đến từ cả hai phía. Tốc độ thắt chặt cũng như quy mô toàn cầu của các đợt nâng lãi suất và những bất định xoay quay tác động của chính sách tiền tệ đang ảnh hưởng tới tổng cầu, gây ra rủi ro liên quan tới thắt chặt quá mức”, bà Brainard cho hay.

Lợi suất trái phiếu Kho bạc Mỹ đi xuống sau các nhận định của Phó Chủ tịch Fed. Lợi suất kỳ hạn 10 năm giảm xuống dưới ngưỡng 3,3% sau khi tăng vọt vào hôm 6/9.

Giá dầu thô tiếp tục giảm

Giữa những lo ngại về rủi ro suy thoái và những bất ổn của nền kinh tế toàn cầu, giá dầu thô lao dốc trong phiên 7/9 xuống mức thấp nhất kể từ cuối tháng 1 – đầu tháng 2, tức là trước khi Nga tấn công quân sự Ukraine.

Cụ thể, giá dầu Brent quốc tế giảm 5,5% còn 87,76 USD/thùng, giá dầu thô WTI của Mỹ mất 5,7% còn 81,96 USD/thùng. Giá khí đốt cũng hạ nhiệt. Biểu đồ bên dưới cho thấy diễn biến giá dầu thô từ đầu năm 2022 đến nay.

Giá dầu thô Brent tụt xuống dưới 90 USD/thùng, tương đương mức đầu tháng 2.

Cổ phiếu năng lượng đi xuống theo giá dầu và là nhóm ngành duy nhất thuộc chỉ số S&P 500 sa sút trong phiên 7/9. Thống kê sau đây thể hiện biến động của 11 nhóm cổ phiếu trên thị trường chứng khoán Mỹ.

Năng lượng là nhóm duy nhất đi xuống trong phiên 7/9.

Trên thị trường ngoại hối, đồng bảng Anh (GBP) tụt xuống còn 1,14 USD, mức thấp nhất kể từ năm 1985. GBP mất giá so với USD trong bối cảnh nhà đầu tư lo ngại nền kinh tế Anh suy yếu và nữ Thủ tướng Liz Truss mới tuyên thệ nhậm chức thay ông Boris Johnson.

Đức Quyền