Chứng khoán Mỹ đi xuống bất chấp tín hiệu tích cực từ thị trường lao động
Chỉ số S&P 500 kết phiên giảm 0,2% xuống 3.373 điểm dù trong phiên có lúc vượt qua mức đóng cửa kỉ lục 3.386,15 điểm thiết lập ngày 19/2. Chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones sụt 80 điểm, tương đương 0,3%, đạt 27.897 điểm. Nasdaq tăng 0,3% lên 11.042 điểm.
Cổ phiếu các công ty được hưởng lợi từ việc mở cửa lại nền kinh tế diễn biến tiêu cực. Gap sụt 2,1%. American Airlines và Southwest đều giảm hơn 1,5%. Trong khi đó, Apple tăng 1,8% và đóng cửa ở đỉnh mới. Facebook và Netflix cũng đi lên so với phiên trước.
CNBC dẫn lời ông Peter Cardillo, nhà kinh tế trưởng tại Spartan Capital Securities nhận xét: "Nếu không có bất kì tin tức lớn nào để nâng đỡ thị trường, sẽ phải mất một thời gian để S&P phá kỉ lục".
Kết phiên 13/8, S&P 500 chỉ còn cách 0,6% so với mức cao nhất mọi thời đại (intraday) ngày 19/2 và thậm chí còn gần hơn với mức đóng cửa kỉ lục 3.386,15 điểm. Trong hầu hết tuần này, S&P 500 luôn duy trì khoảng cách gần sát với những kỉ lục trên.
Ông Ed Clissold, Giám đốc đầu tư tại Ned Davis Research chỉ ra rằng việc S&P 500 phá đỉnh mọi thời đại sẽ đánh dấu cuộc đảo chiều nhanh chóng nhất kể từ khi thị trường sụt 30% hồi cuối tháng 2, đầu tháng 3.
Tuy nhiên ông cũng lưu ý rằng để S&P 500 có thể thực sự bứt phá so với mức đỉnh hồi tháng 2 thì cần đến sự cải thiện của nhóm cổ phiếu giá trị vốn đang tụt hậu so với thị trường chung.
Hôm 13/8, Bộ Lao động Mỹ thông báo số đơn xin trợ cấp thất nghiệp tuần vừa qua giảm xuống còn 963.000 đơn, thấp hơn dự đoán 1,1 triệu đơn của Dow Jones. Đây là lần đầu tiên kể từ tháng 3 con số này thấp hơn 1 triệu.
Nhà đầu tư tiếp tục để mắt đến Washington, nơi các nhà lập pháp của Mỹ vẫn đang tranh cãi về gói cứu trợ COVID-19 mới cho các hộ gia đình và doanh nghiệp Mỹ.
Cả Lãnh đạo phe đa số Thượng viện Mitch McConnell và Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi trong tuần này đều nói rằng cả hai bên còn lâu mới đạt được thỏa thuận. Tuy nhiên, nhiều nhà đầu tư tin chắc rằng cuối cùng thì một gói cứu trợ mới cũng sẽ được thông qua. Cố vấn kinh tế Nhà Trắng Larry Kudlow cũng nói với CNBC rằng các cuộc thảo luận đang rơi vào bế tắc.