|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Chứng khoán Mỹ đang phục hồi trên nền móng thiếu vững chắc

18:39 | 18/11/2022
Chia sẻ
Thị trường chứng khoán Mỹ thời gian gần đây có nhiều phiên tăng điểm khi nhà đầu tư kỳ vọng các ngân hàng trung ương sẽ sớm giảm tốc độ thắt chặt tiền tệ vì lạm phát đã hạ nhiệt. Tuy nhiên, một số chuyên gia chứng khoán cho rằng đợt tăng này sẽ khó kéo dài.

Phiên 10/11, S&P 500 bật tăng mạnh mẽ sau khi số liệu lạm phát tháng 10 thấp hơn dự báo.

Thị trường chứng khoán thế giới tuần trước khởi sắc khi số liệu lạm phát tháng 10 tại Mỹ được công bố thấp hơn dự báo của các nhà kinh tế. Nhiều nhà đầu tư tin tưởng rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ sớm phải giảm tốc độ hoặc thậm chí dừng hẳn chiến dịch thắt chặt tiền tệ trong cuộc chiến chống lạm phát. S&P 500 ngày 10/11 ghi nhận phiên tăng mạnh nhất kể từ đầu đại dịch năm 2020.

Mặc dù vậy, ông Christopher Waller, một trong 7 thống đốc của Fed, đầu tuần này cho rằng các thị trường chứng khoán đã đánh giá quá cao ý nghĩa của một điểm dữ liệu khi nhìn nhận bức tranh lạm phát tại Mỹ và ngân hàng trung ương Mỹ vẫn còn “nhiều việc phải làm” trong quá trình nâng lãi suất.

Hôm 16/11, ông Waller cho biết ông sẽ theo dõi sát chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân cốt lõi (core PCE) tháng 10 được công bố vào ngày 1/12 để xem lạm phát có thực sự đang trong xu hướng giảm hay không. Tháng 9 vừa qua, core PCE tăng 0,5% so với tháng 8 và cao hơn 5,1% so với cùng kỳ năm ngoái.

“Chúng ta cần thận trọng, tránh suy diễn quá nhiều từ một báo cáo lạm phát duy nhất. Tôi không biết sự giảm tốc của giá tiêu dùng hiện nay có thể duy trì được hay không. Tôi phải cực lực nhấn mạnh rằng một số liệu không thể làm nên xu hướng. Hiện còn quá sớm để kết luận rằng lạm phát đang giảm bền vững”, ông Waller nói.

Nhiều nhà phân tích trên Phố Wall cũng có quan điểm tương tự với ông Waller. Báo cáo phân tích của Viện Đầu tư BlackRock chỉ ra rằng sự thiếu hụt về lao động đang đẩy tiền lương tăng lên và lạm phát lõi có thể sẽ cao dai dẳng hơn so với nhận định của thị trường.

Các nhà phân tích của BlackRock cho rằng Fed sẽ không đưa nền kinh tế “hạ cánh mềm” như nhiều nhà đầu tư kỳ vọng. Vì vậy, BlackRock vẫn đang hạ tỷ trọng cổ phiếu ở các thị trường phát triển.

“Các chỉ số cổ phiếu đã nhiều lần tăng trong năm nay dựa trên hy vọng rằng Fed đang tiến gần hơn đến việc chấm dứt chu kỳ thắt chặt tiền tệ nhanh nhất kể từ thập niên 1980, giúp cho nền kinh tế hạ cánh mềm và tránh được suy thoái”, ông Jean Boivin, Giám đốc nghiên cứu của BlackRock, và các cộng sự nhận định

“Chúng tôi cho rằng những niềm hy vọng này sẽ một lần nữa bị vùi dập khi Fed tiếp tục quá trình thắt chặt chính sách mạnh tay”.

Lý do chính khiến BlackRock nghĩ rằng thị trường sẽ đi xuống là lợi nhuận doanh nghiệp diễn biến xấu. Đầu năm 2022, các nhà phân tích đồng thuận dự báo lợi nhuận của nhóm doanh nghiệp S&P 500 sẽ tăng 10%. Hiện nay, ước tính tăng trưởng lợi nhuận chỉ còn 4%.

Tuy nhiên, các chuyên gia tại BlackRock dự báo lợi nhuận doanh nghiệp sẽ chỉ đi ngang. Riêng với quý III, BlackRock cho rằng thu nhập toàn thị trường đã suy giảm so với cùng kỳ năm ngoái do mất đi đóng góp lớn của ngành năng lượng.

“Chúng tôi phải thấy giá cổ phiếu giảm sâu hơn hoặc có thêm nhiều tin tốt về việc lạm phát hạ nhiệt thì mới có thể lạc quan về triển vọng cổ phiếu”, nhóm nghiên cứu của Boivin nhận xét.

S&P 500 đã hồi phục vượt lên trên đường MA 50.

Ông Dan Avigad, Giám đốc quản lý danh mục tại Lansdowne Partners, cũng có nhận định tương đồng. Trao đổi với CNBC ngày 16/11, ông Avigad cho rằng trong bối cảnh các ngân hàng trung ương tìm cách kiềm chế nhu cầu để giảm lạm phát, biên lợi nhuận doanh nghiệp cũng sẽ bị bóp nghẹt so với mức “cực kỳ thổi phồng” hiện nay.

Capital Economics dự báo nền kinh tế Mỹ sẽ suy thoái nhẹ và nhiều thị trường lớn sẽ chịu suy giảm. Ông Thomas Mathews, chuyên gia kinh tế thị trường tại Capital Economics, cho rằng thị trường vẫn chưa phản ánh đầy đủ những diễn biến vĩ mô kể trên vào giá cổ phiếu.

Song Ngọc