|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Chứng khoán KIS: Hòa Phát là ‘người sống sót’ cuối cùng trong trường hợp thuế tự vệ ngành thép không được gia hạn

12:26 | 20/02/2019
Chia sẻ
Trong trường hợp thuế tự vệ không được gia hạn sau tháng 3/2020, một cuộc cạnh tranh khó khăn hơn từ thép Trung Quốc sẽ khiến các nhà máy thép Việt Nam chịu thiệt hại nặng nề. Tuy nhiên, với biên lợi nhuận cao, Hòa Phát có thể tồn tại qua thời kỳ khó khăn và cải thiện thị phần trong dài hạn.
 

Theo báo cáo phân tích về CTCP Tập đoàn Hòa Phát (Mã: HSG) mới đây của CTCP Chứng khoán KIS Việt Nam, kể từ tháng 3/2016, sản lượng nhập khẩu thép Trung Quốc của Việt Nam giảm rõ rệt vì thuế tự vệ đối với phôi thép và thép dài của Trung Quốc.

Năm 2019, các công ty thép nội địa Việt Nam sẽ tiếp tục được hưởng lợi từ chính sách này. Cho đến tháng 3/2020, thuế tự vệ vẫn sẽ đóng một vai trò quan trọng trong việc hạn chế nhập khẩu thép từ Trung Quốc. Trong bối cảnh của chủ nghĩa bảo hộ tăng cao, khả năng cao là chính sách thuế tự vệ sẽ tiếp tục được gia hạn sau năm 2020.

Trong trường hợp thuế tự vệ không được gia hạn sau tháng 3/2020, chênh lệch giữa giá thép thanh Trung Quốc và Hòa Phát sẽ giảm đáng kể. Do đó, Chứng khoán KIS cho rằng một cuộc cạnh tranh khó khăn hơn từ thép Trung Quốc sẽ khiến các nhà máy thép Việt Nam chịu thiệt hại nặng nề.Tuy nhiên, với biên lợi nhuận cao, Hòa Phát có thể tồn tại qua thời kỳ khó khăn và cải thiện thị phần trong dài hạn.

Hòa Phát có thể cung cấp tối đa 0,88 triệu tấn cho thị trường nội địa vào 2020

Hòa Phát với nhà máy Hưng Yên là một doanh nghiệp mới trong thị trường tôn mạ. Chứng khoán KIS cho biết, ban đầu, Hòa Phát có thể theo đuổi mục tiêu thị phần thay vì mục tiêu lợi nhuận - tương tự như cách họ đã lên kế hoạch cho mảng thép dài của dự án Dung Quất.

Nhìn chung, không có sự khác biệt đáng kể trong chuỗi giá trị tôn mạ giữa Hòa Phát với Hoa Sen, Nam Kim và Đông Á. Do đó, cơ cấu chi phí của các doanh nghiệp là khá giống nhau.

Theo Chứng khoán KIS, lợi thế chính của sản phẩm tôn mạ Hòa Phát sẽ chỉ xuất hiện khi giai đoạn 2 của dự án Dung Quất hoàn thành vào đầu năm 2020 với khả năng sản xuất hai triệu tấn HRC mỗi năm giúp hoàn thành chuỗi giá trị của mảng thép dẹt.

Chứng khoán KIS ước tính nhu cầu nội bộ HRC của Hòa Phát cho năm 2019 và 2020 lần lượt là 1,2 và 1,12 triệu tấn. Do đó, Hòa Phát có khả năng cung cấp tối đa 0,88 triệu tấn cho thị trường nội địa vào năm 2020, thấp hơn nhu cầu trong nước là trên 1,7 triệu tấn (sau khi trừ nguồn cung Formosa 4,5 triệu tấn mỗi năm).

Tình trạng dư cung thép có khả năng kéo dài

Tổng công suất của một số công ty lớn như Tập đoàn Hoa Sen (Mã: HSG) đã vượt quá quy mô thị trường trong nước là 3,9 triệu tấn trong năm 2018.

chung khoan kis hoa phat la nguoi song sot cuoi cung trong truong hop thue tu ve nganh thep khong duoc gia han

Nhà máy sản xuất tôn mạ của Hòa Phát tại tỉnh Hưng Yên với công suất thiết kế 400 nghìn tấn/năm, tương đương với mức tăng dự kiến quy mô của thị trường tôn mạ trong nước năm 2019, đã tiến hành chạy thử từ tháng 10/2018 và sẽ bắt đầu hoạt động vào đầu năm 2019. Do đó, tình trạng cung vượt cầu trong năm 2019 sẽ tiếp tục duy trì, dẫn đến cạnh tranh gay gắt.

Bên cạnh đó, tốc độ tăng trưởng sản lượng thép dài của Hòa Phát năm 2018 là 9,1% , thấp hơn nhiều so với 21% của năm 2017. Điều này là do Hòa Phát đã vận hành hơn 90% tổng công suất thiết kế trong năm 2017 và không bổ sung thêm công suất mới trong năm 2018.

Chứng khoán KIS cho rằng, giai đoạn đầu của Dung Quất dự kiến hoạt động vào tháng 5/2019 sẽ tăng gấp đôi công suất thép của Hòa Phát lên 4,35 triệu tấn mỗi năm, đảm bảo tiềm năng tăng trưởng của công ty trong những năm tới.

Xem thêm

Nguyễn Đức