|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Chưa thể định giá vắc xin dịch tả heo châu Phi

14:48 | 01/03/2021
Chia sẻ
Sau thời gian dài nghiên cứu, hiện đã có những tín hiệu vắc xin dịch tả heo châu Phi. Liên quan đến giá của vắc xin dịch tả heo châu Phi, ông Nguyễn Xuân Dương, Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho biết chưa thể định giá được bởi đang trong quá trình nghiên cứu.

Vắc xin dịch tả heo châu Phi sẽ kịp sản xuất thương mại vào quý III?

Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết Mỹ công bố kết quả nghiên cứu, chọn lọc được chủng virus để sản xuất vắc xin. 

Ngay sau đó, Bộ đã chỉ đạo Cục Thú y cùng Công ty Navetco hợp tác chặt chẽ với đối tác Mỹ để tiếp nhận chủng giống, nghiên cứu, đánh giá an toàn, hiệu lực của vắc xin. 

Theo báo cáo của Công ty Navetco, sau 5 lần thí nghiệm, vắc xin có khả năng bảo hộ 100% số heo được tiêm vắc xin và công cường độc trong phòng thí nghiệm.

Trong điều kiện sản xuất cho thấy đã bảo hộ được 80% số heo được tiêm vắc xin, công cường độc và hiện đang tiếp tục theo dõi được hơn 3 tháng sau tiêm phòng.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông  thôn Nguyễn Xuân Cường yêu cầu đẩy mạnh việc đánh giá kết quả nghiên cứu vắc xin phòng bệnh dịch tả heo châu Phi để cuối quý II, đầu quý III/2021 đưa vào sản xuất thương mại.

Liên quan đến giá của vắc xin dịch tả heo châu Phi, trao đổi với người viết, ông Nguyễn Xuân Dương, Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho biết chưa thể định giá bởi vẫn đang trong quá trình nghiên cứu.

Chưa thể định giá vắc xin dịch tả heo châu Phi - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Xuân Dương, Cục trưởng Cục Chăn nuôi. Ảnh: Đức Quỳnh

"Hiện tại, các nhóm nghiên cứu mới đang thử nghiệm ở quy mô nhỏ, vài chục con nên chưa thể nói là giá bao nhiêu cho một liều. Nói vài tháng nữa có vắc xin thì cũng cần phải cân nhắc kỹ lưỡng. Theo kế hoạch quý III mới có, chúng ta chưa nên mừng vội, vắc xin không phải đơn giản", ông Dương nói.

Đại diện Cục Chăn nuôi cho biết hiện vắc xin vẫn chưa được trình lên hội đồng kiểm định nhà nước để được công nhận và đem ra thương mại hóa. Thay vào đó, phải sử dụng đi sử dụng lại đủ tần số và quy mô tối thiểu theo quy định của pháp luật về vắc xin.

Bộ đã chỉ đạo Cục Thú y xây dựng kế hoạch chi tiết, phối hợp chặt chẽ, hướng dẫn cụ thể cho doanh nghiệp để đẩy nhanh tiến độ kiểm nghiệm, khảo nghiệm và đăng ký lưu hành vắc xin.

Đồng thời, tổ chức đánh giá vắc xin dịch tả heo châu Phi theo tinh thần khẩn trương nhất, tích cực nhất để sớm có vắc xin phục vụ sản xuất, nhưng phải đáp ứng yêu cầu khoa học, bảo đảm chất lượng, an toàn, hiệu quả và tuân thủ đúng theo quy định

Cứu cánh cho ngành chăn nuôi

Theo Cục Thú y, trong 2 tháng đầu năm 2021, dịch dịch tả heo châu Phi chỉ xảy ra ở phạm vi hẹp, số heo phải tiêu hủy khoảng 2.000 con.

Ông Dương đánh giá nếu việc nghiên cứu sớm hoàn thành thì đây sẽ là tín hiệu rất tốt để khôi phục chăn nuôi heo khu vực nông hộ.

"Vắc xin là cứu cánh cho chăn nuôi nông hộ để khôi phục đàn heo. Đây là giải pháp quan trọng bởi đây là những đối tượng rất khó áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học vì chi phí cao. 

Tôi cho rằng tốc độ phục hồi đàn heo sẽ rất nhanh vì thị trường đang tốt kèm theo kinh nghiệm chăn nuôi Việt Nam đã rất dày dặn. Chuồng trại cũng sẵn có. Việt Nam sẽ là một trong những nước đầu tiên có vắc xin dịch tả heo trên thế giới", ông Dương nhận định.

Ông Nguyễn Xuân Dương cho biết tại thời điểm cuối tháng 12/2020, tổng đàn heo của cả nước đạt khoảng 27,3  triệu con, tương đương 88,7% so với tổng đàn heo trước khi có bệnh dịch tả heo châu Phi. 

Dự kiến đến cuối quý I/2021, công tác tái đàn đạt 5,5 triệu con, tăng 1,2% so với cùng kỳ năm 2020 và tăng 73,6% so với thời điểm chưa có bệnh dịch tả heo châu Phi.

Năm ngoái, việc thiếu hụt nguồn cung đã khiến Việt Nam khiến lượng thịt heo đông lạnh và heo sống nhập khẩu tăng mạnh

Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết theo tính toán từ số liệu của Tổng cục Hải quan, trong năm 2020, Việt Nam nhập khẩu 141,14 nghìn tấn thịt heo tươi, ướp lạnh hoặc đông lạnh, trị giá 334,44 triệu USD, tăng 382,1% về lượng và tăng 502,9% về trị giá so với năm 2019. 

Trong đó, Brazil, Nga, Canada, Mỹ và Ba Lan là 5 thị trường lớn nhất cung cấp thịt heo cho Việt Nam trong năm 2020.




H.Mĩ