Chưa đầy 2 tháng, 78 nhà máy điện mặt trời đã 'bức tốc' hòa lưới để kịp hưởng giá ưu đãi
Thông tin từ Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) cho biết tính đến hết ngày 30/6, 82 nhà máy điện mặt trời, với tổng công suất khoảng 4.464 MW đã được Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia (A0) kiểm tra điều kiện và đóng điện thành công.
Các dự án này được hưởng mức giá mua điện tương đương 9,35 US cent/kWh, trong thời gian 20 năm theo Quyết định 11/2017/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Trong số đó, có 72 nhà máy điện mặt trời thuộc quyền điều khiển của cấp Điều độ Quốc gia (A0) với tổng công suất 4.189 MW, 10 nhà máy điện thuộc quyền điều khiển của các cấp điều độ miền với tổng công suất 275 MW.
Ông Nguyễn Quốc Trung, Trưởng phòng Điều hành Thị trường điện (A0), cho hay tính đến giữa tháng 4/2019, toàn hệ thống điện chỉ có 4 nhà máy điện mặt trời với tổng công suất chưa tới 150 MW. Còn thời điểm này, nguồn điện mặt trời đã chiếm tỉ lệ 8,28% công suất đặt của hệ thống điện Việt Nam.
Dự kiến, từ nay đến cuối năm 2019, A0 sẽ tiếp tục đóng điện đưa vào vận hành thêm 13 nhà máy điện mặt trời, với tổng công suất 630 MW, nâng tổng số nhà máy điện mặt trời trong toàn hệ thống lên 95 nhà máy.
Đến hết ngày 30/6/2019, 82 nhà máy điện mặt trời, với tổng công suất khoảng 4.464 MW đã hòa lưới.
Dù là sự bổ sung quý giá đối với hệ thống trong điều kiện nguồn điện đang khó khăn, nhưng một số lượng lớn các nhà máy điện mặt trời đi vào vận hành trong thời gian ngắn đã gây không ít khó khăn, thách thức cho công tác vận hành hệ thống điện. Nguyên nhân là do tính chất bất định, phụ thuộc vào thời tiết của loại hình nguồn điện này.
Bên cạnh đó, việc phát triển nóng và ồ ạt các dự án điện mặt trời tập trung tại một số tỉnh như Ninh Thuận, Bình Thuận, Đắk Lắk đã gây ra hiện tượng quá tải lưới 110 kV, 220 kV tại các khu vực trên.
Cũng theo ông Nguyễn Quốc Trung, từ đầu năm 2018, Trung tâm đã phối hợp với một số đơn vị tư vấn nước ngoài đánh giá sự ảnh hưởng của các nguồn năng lượng tái tạo đến công tác vận hành hệ thống.
Theo đó, Trung tâm đang triển khai đầu tư một số hệ thống như mở rộng hệ thống giám sát ghi sự cố, hệ thống giám sát điện diện rộng, xây dựng hệ thống giám sát chất lượng điện năng để đánh giá ảnh hưởng của các loại hình nguồn điện mới.
Đồng thời xây dựng hệ thống dự báo công suất phát các nguồn năng lượng tái tạo để đưa ra phương án huy động tối ưu, đảm bảo khai thác tối đa nguồn năng lượng này.