Chú trọng lựa chọn công nghệ khai thác, vận hành đường sắt đô thị
Dịch vụ vận tải hành khách công cộng bằng đường sắt đô thị là dịch vụ giao thông công cộng mới được phát triển, theo Bộ Giao thông vận tải, việc lựa chọn công nghệ hiện đại của các nước tiên tiến, có độ tin cậy cao trong khai thác và vận hành luôn được chú trọng trong quá trình phê duyệt, cấp quyết định đầu tư dự án.
Bộ Giao thông vận tải đánh giá, đến nay một số tuyến đường sắt tốc độ đã được khai thác, vận hành an toàn tại thành phố Hà Nội đã đem lại hiệu quả trong vận tải hành khách công cộng.
Thống kê mới nhất của Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Đường sắt Hà Nội cho thấy, sau 3 năm hoạt động, tính tới cuối tháng 9 vừa qua, tuyến Cát Linh - Hà Đông đã vận chuyển trên 28,15 triệu hành khách. Từ thứ 2 - 6, khoảng 40.000 - 44.000 lượt người đi bằng tàu Cát Linh và khung giờ cao điểm, số lượng người đi bằng vé tháng cũng đạt tới 80 - 85%.
Theo ông Vũ Hồng Trường, Tổng giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Đường sắt Hà Nội, hệ thống đường sắt đô thị Hà Nội đang dần chuyển sang giai đoạn trở thành sự lựa chọn đi lại yêu thích của người dân không chỉ vì tính tiện lợi, thời gian, tính an toàn. Đây còn là phương tiện xanh, tiến tới phát triển bền vững, giảm tác động của phương tiện cá nhân đến môi trường.
"Xác định rõ các mục tiêu đó, chúng ta mới triển khai các giải pháp về luồng tuyến, phương tiện, quản lý điều hành, cơ chế chính sách, giám sát… để thu hút hành khách sử dụng giao thông công cộng nói chung và đường sắt đô thị nói riêng. Nhà nước có chính sách trợ giá cho vận chuyển hành khách công cộng để thu hút người dân sử dụng, nhất là vào giờ cao điểm để tránh ùn tắc. Các đơn vị đang tận dụng năng lực để giảm trợ giá, còn mục tiêu chính là cần người dân đi vào giờ cao điểm", Tổng giám đốc Vũ Hồng Trường nói.
Tới đây, để việc vận hành tuyến đường sắt đô thị có hiệu quả lâu dài, giảm bù lỗ từ kinh phí ngân sách Nhà nước, Bộ Giao thông vận tải đề nghị Đoàn đại biểu Quốc hội Hà Nội có ý kiến tới UBND Hà Nội trong việc thực hiện trách nhiệm của địa phương được quy định tại Luật Đường sắt về việc vận hành các tuyến đường sắt đô thị, đảm bảo hiệu quả, thuận lợi cho nhân dân.
Hiện tại khoản 1 và khoản 4 Điều 73 Luật Đường sắt năm 2017 có quy định trách nhiệm của địa phương đối với đường sắt đô thị về “Tổ chức đầu tư, xây dựng, quản lý, khai thác đường sắt đô thị” và “ban hành chính sách hỗ trợ giá vận tải đường sắt đô thị”.
Trước đó, cử tri Hà Nội phản ánh, vấn đề ùn tắc giao thông, khí thải từ các phương tiện cơ giới đã gây ô nhiễm môi trường khiến tỷ lệ người dân ở nước ta mắc các bệnh về hô hấp và ung thư đứng vào hàng đầu của thế giới. Do đó, việc xây dựng các tuyến đường cao tốc, đường sắt đô thị rất cần thiết.
Theo cử tri Hà Nội, Bộ Giao thông vận tải nghiên cứu áp dụng công nghệ tiên tiến của thế giới và đề xuất của các doanh nghiệp trong nước xây dựng hệ thống đường cao tốc, đường sắt đô thị; đồng thời, có các giải pháp để việc vận hành tuyến đường sắt đô thị có hiệu quả lâu dài, giảm bù lỗ từ kinh phí ngân sách Nhà nước.
Liên quan đến hệ thống đường cao tốc, Bộ Giao thông vận tải cho hay, chủ trương áp dụng các công nghệ tiên tiến, hiện đại, bảo đảm yêu cầu an toàn, đồng bộ, chất lượng và hiệu quả tại các dự án đường cao tốc đã được Quốc hội, Chính phủ chỉ đạo tại các nghị quyết.
Để thực hiện chủ trương này, Bộ Giao thông vận tải cũng như các địa phương rất chú trọng trong công tác phê duyệt và triển khai đầu tư các dự án đường bộ cao tốc; trong đó, nhiều công nghệ tiên tiến, giải pháp kỹ thuật của các doanh nghiệp trong nước đề xuất đã được xem xét áp dụng tại các dự án trong giai đoạn thiết kế, thi công, quản lý, bảo trì, khai thác trên cơ sở đảm phù hợp với điều kiện thực tế ở Việt Nam, bảo đảm yếu tố kinh tế - kỹ thuật và môi trường của từng dự án.