|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Chủ tịch Xây dựng Hoà Bình: Phân khúc nhà ở xã hội sẽ được chú ý trong năm 2023

16:41 | 14/12/2022
Chia sẻ
Chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình ông Lê Viết Hải cho rằng lĩnh vực nhà ở xã hội, các dự án nhà ở đô thị dở dang và đầu tư công sẽ được chú ý trong năm 2023. Trong khi đó, phân khúc bất động sản du lịch sẽ tạm dừng vì nguồn cung dư thừa do tàn dư từ đại dịch COVID-19.

Phát biểu tại Hội thảo: “Động lực Phát triển kinh tế Việt Nam 2023”, Chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình ông Lê Viết Hải nhận định thị trường xây dựng và bất động sản trong năm 2023 sẽ tập trung phát triển ở lĩnh vực thu nhập thấp, nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân. 

Bên cạnh đó, những dự án nhà ở đô thị đang thi công dở dang được tái khởi động và cũng có thể có dự án mới. Ngoài ra, công trình công nghiệp và các dự án đầu tư công cũng sẽ đem lại nguồn việc lớn cho các doanh nghiệp xây dựng.

Về hoạt động xây dựng trong mảng bất động sản du lịch, ông Hải cho rằng sang năm 2023 sẽ tạm dừng vì nguồn cung dư thừa khi hai năm đại dịch không thể khai thác được.

 Hội thảo: “Động lực Phát triển kinh tế Việt Nam 2023”. Ảnh: H.Mĩ

“Tôi cho rằng một trong những nguyên nhân chính dẫn đến khó khăn của thị trường đến từ phân khúc bất động sản du lịch khi dịch bệnh kéo dài. Không một doanh nghiệp bất động sản nào có thể gánh nổi các khoản vay chỉ có thời hạn 3 - 5 năm phải trả trong khi các dự án không thể khai thác được. Đây không còn là sự điều chỉnh do cơ chế thị trường mà rõ ràng đây là vấn đề các doanh nghiệp bất động sản không thể lường trước được”, ông Hải nói.

Ông kiến nghị, cơ quan nhà nước hỗ trợ để giải quyết những khó khăn của ngành bất động sản bởi ngành này liên quan đến hệ sinh thái của ngành xây dựng như vật liệu, quản lý dự án, vận chuyển, bảo hiểm…

“Năm 2021, tổng sản lượng ngành xây dựng khoảng 82 tỷ USD, đóng góp tỷ trọng lớn cho nền kinh tế. Ngành xây dựng có hệ sinh thái rất lớn bao gồm công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng; tư vấn, quản lý, thiết kế dự án; vận chuyển; bảo hiểm. Ngành xây dựng phát triển sẽ  kéo theo ngành khách trong hệ sinh thái phát triển.

Ngược lại nếu xây dựng có vấn đề ảnh hưởng nhiều đến nền kinh tế. Nếu không có công ăn việc làm cho lực lượng trong ngành sẽ tác động xấu đến xã hội vì lực lượng lao động trong ngành này rất lớn”, ông Hải nói.

Ngoài ra, ông cho rằng các chủ đầu tư nên nhìn toàn cảnh thị trường, tránh mất cân đối cung cầu. Nhà nước nên có trang thông tin về quy hoạch, các dự án đã được cấp phép, dự án đang xem xét. Qua đó, các chủ đầu tư sẽ có quyết định phù hợp để đưa sản phẩm ra thị trường. 

Trước đó,tại Diễn đàn Kinh tế 2023 cùng doanh nghiệp "vượt sóng", ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNRea), cho rằng thị trường đang gặp khó khăn lớn về nguồn vốn từ việc kiểm soát tín dụng, trái phiếu.

"Nguồn vốn giống như mạch máu, nguồn oxy của doanh nghiệp thì giờ đang có dấu hiệu bị khoá van. Các chủ đầu tư dự án bất động sản đang trong tình trạng thiếu vốn, đói vốn, khó tiếp cận với các kênh huy động vốn như tín dụng, trái phiếu doanh nghiệp, thu tiền sớm của khách hàng",ông Đính nói. 

Ông Đính cũng cho biết, thanh khoản yếu dẫn đến doanh thu của các doanh nghiệp giảm rất mạnh, bao gồm cả doanh nghiệp bất động sản và các doanh nghiệp kinh doanh ngành nghề liên quan như sản xuất vật liệu xây dựng, máy móc,...

"Các doanh nghiệp sắt thép, xi măng, đá, gạch,... hiện sức sản xuất rất thấp, thậm chí bị buộc dừng hoạt động. Không ít doanh nghiệp thiếu vốn nên buộc phải dừng các dự án đang triển khai, sa thải bớt lực lượng lao động, giảm giá thành, chấp nhận lỗ. Các doanh nghiệp bất động sản có nguy cơ khủng hoảng rất cao, tương tự như thời kỳ khủng hoảng như 2011-2013 ”, ông Đính bày tỏ lo ngại.

 

H.Mĩ