|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Chủ tịch VNREA: ‘Việc công bố thông tin thanh tra phải thận trọng’

07:26 | 13/05/2017
Chia sẻ
Thanh tra các dự án là công tác thường xuyên nhưng việc công bố những thông tin liên quan thì cần thận trọng bởi BĐS là lĩnh vực nhạy cảm, thông tin về việc thanh tra có thể ảnh hưởng đến cả người dân và thị trường...
ong nguyen tran nam viec cong bo thong tin thanh tra phai than trong
Ông Nam nhận định, khi chưa có kết luận thanh tra thì cơ quan chức năng không nên công bố thông tin bởi việc này có thể ảnh hưởng đến dự án và doanh nghiệp. (Ảnh: Linh Lê)

Bên lề buổi Họp báo Triển lãm Quốc tế Vietbuild Hà Nội 2017 diễn ra ngày 12/5, ông Nguyễn Trần Nam, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA) đưa ra ý kiến về việc Bộ Tài chính kiến nghị thanh tra 60 dự án của các doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa trên cả nước.

Theo đó, ông Nguyễn Trần Nam cho rằng, việc thanh tra là công tác thường xuyên, định kỳ hoặc có tính xác suất của các đơn vị quản lý, không chỉ tại các dự án bất động sản (BĐS) mà còn có thể thanh tra tại các dự án công, dự án BOT, dự án có vốn đầu tư nước ngoài...

Trong quá trình cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước, việc không đưa quyền sử dụng đất vào khi xác định giá trị doanh nghiệp có thể làm phát sinh một số vấn đề bất cập... việc thanh tra là cần thiết. Tuy nhiên, việc rà soát kiểm tra và công bố thông tin phải thận trọng bởi BĐS là một lĩnh vực nhạy cảm đối với cơ quan quản lý, đối với người dân và cả thị trường.

Ông Nam nhận định, khi chưa có kết luận thanh tra thì cơ quan chức năng không nên công bố thông tin bởi việc này có thể ảnh hưởng đến dự án và doanh nghiệp.

“Chủ đầu tư triển khai dự án phải vay vốn ngân hàng, phải đề ra tiến độ thi công... nếu muốn ngừng dự án thì phải có chứng cứ. Mỗi dự án bao gồm việc vận hành hàng loạt yếu tố (nhà thầu, cán bộ công nhân viên, lán trại, máy móc, giàn giáo...), ngừng thi công một ngày thì doanh nghiệp sẽ tổn thất rất lớn vì vẫn phải chịu các chi phí về khấu hao máy móc, lương cho công nhân viên...”, ông Nam phân tích.

Chủ tịch VNREA lấy ví dụ về đợt thanh tra vừa rồi của Bộ Xây dựng, “kiểm tra rất êm và không hề ảnh hưởng đến việc vận hành các dự án và bán hàng của doanh nghiệp”.

Trước đó vào tháng 4, Bộ Tài chính có kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ việc đưa 60 dự án của các doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa có chuyển đổi mục đích sử dụng đất vào “tầm ngắm” thanh tra năm 2017. Danh sách các dự án này sau khi được báo chí đăng tải đã khiến thị trường BĐS xôn xao, nhiều đơn vị phản hồi về việc mình đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính nhưng vẫn nằm trong danh sách này.

Thông tin về việc đề xuất thanh tra các dự án cũng khiến khách hàng trực tiếp của những dự án này hoang mang, chủ đầu tư buộc phải cắt cử thêm nhân sự để giải đáp khúc mắc và tư vấn cho khách hàng về vấn đề này, đảm bảo việc thi công dự án và quyền lợi của khách hàng.

Mới đây, Hiệp hội Bất đông sản TP HCM (HoREA) cũng đưa ra kiến nghị Thủ tướng vẫn cho phép các chủ đầu tư tiếp tục thi công dự án nếu họ có văn bản cam kết thực hiện nghĩa vụ tài chính phát sinh (nếu có) sau khi có kết luận thanh tra. Việc này nhằm hoàn thành dự án, tránh lãng phí thời gian và của cải xã hội và đảm bảo quyền lợi của người mua nhà.

Linh Lê