|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Chủ tịch VNDirect: Nỗi đau rồi sẽ qua đi, không có bài học thì không thể đón nhận cơ hội lớn hơn trên TTCK

14:27 | 16/11/2022
Chia sẻ
Theo bà Phạm Minh Hương, Chủ tịch HĐQT Chứng khoán VNDirect, nhà đầu tư những phiên gần đây chỉ cần mở bảng điện là thấy loạt cổ phiếu bị chất bán giá sàn. Dù vấn đề này ảnh hưởng khá lớn đến thị trường tài chính, những biến động này chỉ đại diện cho một phần nhỏ trong nền kinh tế và triển vọng kinh tế của Việt Nam.

Bà Phạm Minh Hương, Chủ tịch HĐQT CTCP Chứng khoán VNDirect chia sẻ tại Toạ đàm “Các kênh dẫn vốn cho doanh nghiệp Việt Nam. (Ảnh chụp màn hình).

Chia sẻ tại Toạ đàm “Các kênh dẫn vốn cho doanh nghiệp Việt Nam”, bà Phạm Minh Hương, Chủ tịch HĐQT CTCP Chứng khoán VNDirect cho rằng cuộc khủng hoảng niềm tin sẽ dẫn đến sự tháo chạy của nhà đầu tư khỏi thị trường. Cách tốt nhất để vượt qua khủng hoảng là cần có lăng kính quan sát đúng đắn để đối diện với vấn đề.

Bà Hương tâm niệm: “Sự màu nhiệm nhất của cuộc đời là thay đổi và cần phải thay đổi để đối diện. Ở mỗi điều kiện phát triển của thị trường bao giờ cũng cho ta những bài học, chúng ta không tránh khỏi việc mắc sai lầm nhưng điều quan trọng là chúng ta ứng xử và hành động như thế nào. Để giúp thị trường khôi phục niềm tin thì từng thành viên trong thị trường phải nỗ lực và có hành động phù hợp".

Theo Chủ tịch VNDirect, nhà đầu tư những phiên gần đây chỉ cần mở bảng điện là thấy loạt cổ phiếu bị chất bán giá sàn. Dù vấn đề này ảnh hưởng khá lớn đến thị trường tài chính, những biến động này chỉ đại diện cho một phần nhỏ trong nền kinh tế và triển vọng kinh tế của Việt Nam.

Dưới góc nhìn dài hạn, kinh tế thế giới gặp khó khăn, đây cũng là thử thách cần có cho kiến trúc và thương mại toàn cầu để mỗi đất nước tìm ra những giải pháp phù hợp để hoàn thiện hơn. Trong quá trình này, các doanh nghiệp cũng cần “khám” lại sức khoẻ doanh nghiệp mình.

“Vốn dĩ không có nỗi đau thì không có bài học, không có bài học thì không thể đón nhận cơ hội lớn hơn trên thị trường. Ngoài kia rất nhiều người đang trải qua nỗi đau, có thể trực tiếp hoặc gián tiếp, song những nỗi đau này cũng sẽ qua đi”, vị chuyên gia này chia sẻ.

Đâu là những tia sáng nơi cuối đường hầm?

 (Ảnh chụp màn hình).

Theo báo cáo của VNDirect, nền kinh tế Việt Nam đang đối diện khá nhiều thách thức. Thứ nhất là môi trường lãi suất cao và dự kiến sẽ tiếp tục ở mức cao. Với đà thắt chặt chính sách của Fed, lãi suất liên ngân hàng ở thị trường Việt Nam đã tăng lên mức 6 – 8%/năm. Bên cạnh đó, chi phí vay USD cao với chi phí heding khiến lãi suất cao gấp 2 – 3 lần.

Thứ hai, thanh khoản và dòng vốn trên thị trường hiện đang đối mặt với nhiều khó khăn. Các ngân hàng thương mại đã cạn room tín dụng để cho vay, kênh dẫn vốn từ trái phiếu doanh nghiệp cũng bị siết chặt dẫn đến tình trạng tắc nghẽn thanh khoản trên thị trường vốn.

Đồng thời, khủng hoảng niềm tin trên thị trường khiến nhà đầu tư cá nhân tháo chạy khỏi các kênh đầu tư. Trong khi hiện tại vẫn chưa có chính sách để thiết lập một kênh tái cấp vốn để tháo gỡ khó khăn về thanh khoản trên toàn hệ thống.

Thứ ba, thị trường cũng đang chịu áp lực lớn từ tỷ giá và cung tiền. Dòng vốn ngoại rút ròng trên 25 tỷ USD, dự trữ ngoại hối và mức dưới 12 tuần nhập khẩu (mức an toàn được IMF khuyến nghị). Đồng thời, đồng VND cũng mất giá gần 10% là giai đoạn mất giá mạnh nhất trong 15 năm qua. Trong khi đó ngân sách đang nắm giữ lượng tiền khoảng 900.000 tỷ đồng và chưa thể giải ngân đầu tư công.

Dù đối mặt với nhiều khó khăn, VNDirect cho rằng sẽ luôn xuất hiện cơ hội từ lăng kính triển vọng dài hạn, giống như những tia sáng nơi cuối đường hầm.

Một là, nền tảng kinh tế duy trì được tốc độ tăng trưởng tốt 6 - 8% và cấu trúc dân số trẻ và tầng lớp trung lưu không ngừng tăng

Hai là, thị trường chứng khoán giảm về mức định giá thấp so với lịch sử và một số doanh nghiệp tốt vẫn duy trì được lợi nhuận khả quan.

Ba là, Việt Nam vẫn là trung tâm sản xuất trong khu vực khi tăng trưởng xuất nhập khẩu ấn tượng trong nhiều năm qua. Mặt khác, Việt Nam cũng hưởng lợi từ xu hướng chuyển dịch chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc.

Bốn là, chính phủ đặt nhiều ưu tiên vào phát triển kinh tế xây dựng môi trường thu hút đầu tư.

Mặt khác, mặc dù thanh khoản trong thị trường cổ phiếu đang tắc nghẽn cục bộ, dòng tiền tiết kiệm trong dân vẫn rất lớn, nếu được dẫn vốn đúng hướng sẽ phát huy được kênh huy động vốn cho nền kinh tế mà không bị phụ thuộc vào tín dụng ngân hàng thương mại, vốn chỉ phù hợp với vốn lưu động và tiền gửi thanh toán và ngắn hạn.

Bên cạnh đó, dòng tiền kiều hối, dòng tiền đầu tư FDI, dòng tiền đầu tư tài chính nước ngoài cũng đang tìm kiếm cơ hội cho vay và đầu tư vào các doanh nghiệp Việt Nam.

Thu Thảo