Chủ tịch Vietnam Airlines: 2017 sẽ trả cổ tức, chuyển sàn không phải phương án hay
Sáng ngày 3/1/2017, tại phiên giao dịch đầu tiên của thị trường chứng khoán Việt Nam trong năm nay, hơn 1.227 triệu cổ phiếu Vietnam Airlines (mã cổ phiếu HVN) đã chính thức được đăng ký giao dịch trên sàn UPCoM với mức giá chào sàn (tham chiếu) trong ngày giao dịch đầu tiên là 28.000 đồng/cổ phiếu, chiếm khoảng 11% tổng mức vốn hóa thị trường UPCoM.
Ghi nhận trong phiên giao dịch đầu tiên, cổ phiếu HVN tăng trần lên 39.200 đồng/cp, thu hút lượng đặt mua khá lớn (1,165 triệu cổ phiếu) nhưng nguồn cung hạn chế khiến khối lượng khớp lệnh chỉ vọn vẹn 200 cổ phiếu.
Có một điều khiến giới đầu tư thắc mắc đối với trường hợp lên sàn của Vietnam Airlines. Đó là tại sao hãng hàng không hàng đầu Việt Nam với 20 năm hoạt động và phát triển lại lựa chọn sàn UPCoM để đăng ký giao dịch? Niêm yết cổ phiếu lên sàn (thay vì chỉ đăng ký giao dịch) có nằm trong kế hoạch của Vietnam Airlines?
Chia sẻ tại buổi chào sàn sáng nay, ông Phan Ngọc Minh, Chủ tịch HĐQT Vietnam Airlines, cho biết trong bối cảnh hội nhập không sớm thì muộn Vietnam Airlines sẽ phải lên sàn. Nếu có cổ đông chiến lược hay cổ đông lớn nước ngoài, những nhà đầu tư này sẽ yêu cầu Vietnam Airlines niêm yết trên sàn ngoại.
Tuy nhiên, việc niêm yết trên sàn Hồng Kông, sàn Singapore sẽ có nhiều điểm khác so sàn chứng khoán Việt Nam và cần thời gian nghiên cứu. Ông Minh cũng nhấn mạnh việc niêm yết tại nước ngoài để đảm bảo tính minh bạch cho cổ đông nhưng cũng cần phải đảm bảo tính chủ động.
Đối với việc niêm yết tại các sàn trong nước, theo ông Phan Ngọc Minh chuyển sàn không phải phương án hay. "Điều hiệu quả nhất là phải định hình Vietnam Airlines trong định hướng hội nhập."
Về hoạt động kinh doanh của Vietnam Airlines, ông Minh thẳng thắn chỉ ra kinh doanh vận tải hàng không là lĩnh vực có nhiều yếu tố nằm ngoài khả năng kiểm soát của ban quản trị như giá dầu, tỷ giá,… Tại Vietnam Airlines, chi phí này chiếm tổng cộng trên 60%. Riêng chi phí xăng dầu chiếm khoảng 26% tổng chi phí.
Doanh thu đến từ thị trường nước ngoài hiện đang chiếm trên 55-60%. Ông Minh đưa ra ví dụ trường hợp đồng EUR giảm mạnh hiện nay, Vietnam Airlines không thể vì vậy mà lựa chọn cắt bay.
Cũng theo ông Minh, lợi nhuận năm 2016 đạt được mức cao kỷ lục một phần không nhỏ là nhờ môi trường cộng hưởng mà cụ thể là tỷ giá ổn định và giá dầu xuống thấp.
Theo ông Minh, thách thức lớn nhất đối với ban quản trị khi Vietnam Airlines đưa cổ phiếu lên sàn là việc hãng hàng không này sẽ không chỉ có cổ đông lớn mà còn có những cổ đông nhỏ lẻ. Cân bằng giữa việc tăng trưởng phát triển vừa đáp ứng nhu cầu khách hàng và đảm bảo được chỉ số hiệu quả là một thách thức đối với Vietnam Airlines.
"Tăng trưởng phát triển có thể có giai đoạn lỗ nhưng Vietnam Airlines phấn đấu đảm bảo kinh doanh hàng năm có hiệu quả. Trong lĩnh vực hàng không, ROE ở mức độ 6-10% đã là rất hiệu quả.", ông Minh cho biết.
Ông cũng nhấn mạnh khi đưa cổ phiếu lên sàn, công bố thông tin hàng quý sẽ là điều kiện tốt để ban quản trị buộc phải giải bài toán chi tiết.
Kể từ khi cổ phần hóa, Vietnam Airlines đặt kế hoạch chi trả cổ tức 0% liên tiếp hai năm liền. Hé lộ tại buổi chào sàn, Chủ tịch của hãng hàng không này khẳng định năm 2017 sẽ có cổ tức.