Chủ tịch VCCI: Mục tiêu 1 triệu doanh nghiệp vào năm 2020 gần như bất khả thi
Phát biểu tại phiên họp Quốc hội sáng nay (27/10), ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Đoàn đại biểu tỉnh Thái Bình cho rằng, Chính phủ đã xây dựng và triển khai rất kiên định các chương trình phát triển doanh nghiệp, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Đây cũng là nhiệm kỳ đầu tiên Chính phủ có Nghị quyết riêng về phát triển doanh nghiệp. Chính phủ cũng đã ghi dấu ấn mới về các hiệp định thương mại tự do. Tăng trưởng kinh tế cao nhất trong gần một thập kỷ qua và đó là một kỳ tích trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều biến động.
Tuy nhiên, ông Lộc cũng nêu ra 3 vấn đề băn khoăn và các giải pháp, kiến nghị của ông về các vấn đề này.
Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Đoàn đại biểu tỉnh Thái Bình. |
Vấn đề thứ nhất, “chúng ta đang nêu triển vọng các năm tới quá lạc quan. Để tăng trưởng 6,5-7% giai đoạn 2016-2020 là một thách thức rất lớn, đặc biệt là bối cảnh Mỹ thắt chặt tiền tệ, Kinh tế Trung Quốc suy giảm, chiến tranh thương mại, liệu tăng trưởng xuất khẩu có duy trì trên 10%, chúng ta liệu có tiếp tục thu hút các dòng vốn FDI? Do đó tôi nghĩ xác định các chỉ tiêu khác như thu chi ngân sách cần cẩn trọng”, ông Lộc nói.
Vấn đề thứ hai, theo ông Lộc, về lạm phát, tạo sao không kiềm chế mục tiêu dưới 4% thay vì vào khoảng 4%. Đặc biệt là các thách thức trên thế giới.
“Tôi nghĩ cần có mục tiêu lạm phát “cứng”, để Quốc hội giám sát. Với khoảng 4%, nếu Chính phủ đạt 4,1 - 4,5% liệu có phải là hoàn thành nhiệm vụ hay không? Khi cam kết cứng thì mới quyết liệt chỉ đạo.
Vấn đề thứ ba mà vị Chủ tịch VCCI nêu ra đó là mục tiêu 1 triệu doanh nghiệp vào năm 2020 liệu có hoàn thành hay không. Hiện tại Việt Nam có khoảng 600.000 doanh nghiệp, nhệm vụ 2 năm nữa có thêm 400.000 doanh nghiệp gần như là bất khả thi. Nhất là khi doanh nghiệp dừng hoạt động nhiều, còn 5 triệu hộ kinh doanh cá thể thì không chịu lớn.
Theo ông Lộc, rào cản là ở việc cắt giảm điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính cho doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ. Chính phủ cần tiếp tục chỉ đạo quyết liệt, kiên định mục tiêu để các hộ kinh doanh cá thể có thể lớn.
"Cần phải trên nóng, dưới nóng và giữa cũng nóng. Chứ không thể như hiện tại là trên nóng, dưới nóng nhưng giữa còn lạnh", ông Lộc nêu giải pháp.