Doanh nghiệp tin tưởng vào sự cải thiện môi trường kinh doanh năm 2018
Không đột phá cải cách, chỉ số môi trường kinh doanh càng tụt sâu | |
Môi trường kinh doanh năm 2018: Bốn xu hướng nổi bật | |
Môi trường kinh doanh Việt Nam tăng 14 bậc, vượt Trung Quốc, Indonesia |
Sản xuất sợi xuất khẩu tại Công ty Cổ phần Sợi Phú Mai - Khu công nghiệp Phú Bài Huế. Ảnh: Quốc Việt/TTXVN |
Báo cáo của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) về tình hình thực hiện Nghị quyết 35 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020 và giải quyết những khó khăn, vướng mắc, kiến nghị của doanh nghiệp trong năm 2017, cho thấy, cộng đồng doanh nghiệp đánh giá rất cao sự chỉ đạo và điều hành quyết liệt của Chính phủ để đạt được mức tăng trưởng kinh tế năm 2017. Mức tăng trưởng 6,81% cũng là mức cao nhất trong những năm qua. Môi trường đầu tư kinh doanh, năng lực cạnh tranh, chỉ số đổi mới sáng tạo đều có sự cải thiện rõ rệt.
Cùng với đó, trong năm 2017, các bộ, ngành đã cắt giảm hơn 5.000 thủ tục hành chính. Chỉ số về thành lập doanh nghiệp mới; thu hút đầu tư trong nước và nước ngoài; sự tăng trưởng vượt bậc của thị trường chứng khoán; xuất khẩu, du lịch, dự trữ ngoại hối và sự ổn định giá trị đồng Việt Nam... đã cho thấy niềm tin xã hội, niềm tin thị trường và niềm tin của các nhà đầu tư vào sự phát triển kinh tế Việt Nam ngày càng được củng cố.
Đặc biệt, trong năm 2018, Chính phủ chủ trương siết chặt kỷ cương hành chính, đề cao trách nhiệm cá nhân; xây dựng một nền công vụ tận tụy, trong sạch, quyết loại trừ tham ô, nhũng nhiễu trong thi hành công vụ theo phương châm hành động “10 chữ”: Kỷ cương, Liêm chính, Hành động, Sáng tạo và Hiệu quả.
Theo đó, các bộ ngành, địa phương phải cắt giảm, đơn giản hóa 50% điều kiện kinh doanh, danh mục hàng hóa, sản phẩm và thủ tục kiểm tra chuyên ngành; phải đổi mới công tác đối thoại, tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp về các vướng mắc, bất cập trong việc thực hiện cơ chế, chính sách, pháp luật; chủ động gửi các phản ánh, kiến nghị về bộ, cơ quan quản lý chuyên ngành để xử lý theo thẩm quyền, đồng thời gửi Bộ Tư pháp để tổng hợp.
Các cơ quan hành chính Nhà nước cũng được yêu cầu cắt giảm các cuộc họp, giấy tờ hành chính và chế độ báo cáo không cần thiết; tiếp tục rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính liên quan đến kiểm tra chuyên ngành, điều kiện kinh doanh và giảm chi phí cho doanh nghiệp; xem xét, xử lý phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp trên Cổng Thông tin điện tử Chính phủ, chấn chỉnh hành vi nhũng nhiễu, thờ ơ, vô cảm của cán bộ, công chức trong thực thi công vụ.
Mục tiêu đặt ra là phấn đấu đến cuối năm 2018, 100% các đơn vị thuộc bộ, ngành Trung ương, UBND cấp tỉnh giải quyết, xử lý hồ sơ công việc trên môi trường mạng; tập trung triển khai có hiệu quả hệ thống thông tin một cửa điện tử tại các bộ, ngành, địa phương.