Không đột phá cải cách, chỉ số môi trường kinh doanh càng tụt sâu
Nới “vòng kim cô” kiềm tỏa DN
Theo Báo cáo Môi trường kinh doanh năm 2018 của Ngân hàng Thế giới (WB), Việt Nam xếp hạng 68/190 nền kinh tế được đánh giá, với số điểm 67,93 trên thang điểm 100, tăng 14 bậc so với đánh giá trong năm 2017.
Cần giảm gánh nặng chi phí, bỏ thủ tục rườm rà cho doanh nghiệp (Ảnh minh họa) |
Trưởng ban Môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) Nguyễn Minh Thảo cho biết, WB đánh giá môi trường kinh doanh theo 10 chỉ số. Việt Nam có 2 chỉ số liên quan tới tư pháp, là giải quyết tranh chấp hợp đồng và phá sản doanh nghiệp đang ở vị trí thấp.
Theo bà Thảo, quản lý chuyên ngành, thời gian thông quan quá dài là thách thức cho mục tiêu đạt mức trung bình ASEAN 4 và cam kết của các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký.
Nhiều chỉ số trong nhiều năm chưa có cải cách hoặc có cải cách nhưng chậm và cách xa so với các nước trong khu vực như hiệu quả thị trường hàng hóa, chất lượng cơ sở hạ tầng…, bà Thảo nêu rõ.
Một trong những vấn đề doanh nghiệp (DN) phản ánh nhiều nhất trong thời gian qua là hoạt động kiểm tra chuyên ngành. Chi phí kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu còn lớn, với tỷ lệ lô hàng kiểm tra chuyên ngành lên tới 30%.
Nghị quyết 01 của Chính phủ năm 2018 đặt ra yêu cầu cải thiện căn bản, tạo chuyển biến mạnh mẽ các chỉ tiêu về môi trường kinh doanh, cắt giảm, đơn giản hóa 50% các điều kiện kinh doanh hiện hành. Giảm tỷ lệ hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành xuống dưới 15%, rà soát, loại bỏ 50% số mặt hàng thuộc danh mục phải kiểm tra chuyên ngành thuộc bộ, ngành quản lý.
Cho tới thời điểm này, mục tiêu rõ nhất có thể đong đếm được là Chính phủ yêu cầu cắt giảm 1/3 - 1/2 điều kiện kinh doanh thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của các bộ, ngành trong quý III/2018; giảm ít nhất 50% các mặt hàng phải kiểm tra chuyên ngành trong quý IV/2018...
Tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2017 và triển khai nhiệm vụ 2018 của Bộ Kế hoạch và Ðầu tư, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao nỗ lực của Bộ trong cải cách môi trường đầu tư kinh doanh. Đã có 1.930 điều kiện kinh doanh, được cho là các “giấy phép con” cản trở doanh nghiệp phát triển, được loại bỏ.
Nỗ lực cải cách trên đang mang lại kỳ vọng lớn cho cộng đồng doanh nghiệp. Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, năm 2017, cả nước có 126.859 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, với tổng vốn đăng ký 1.295.900 tỷ đồng, tăng 15,2% về số doanh nghiệp và tăng 45,4% về số vốn đăng ký so với năm 2016. Trong khi đó, số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động trong năm 2017 giảm so với năm 2016.
Gỡ “nút thắt” trong tư duy quản lý
Tuy nhiên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư vẫn phải kiến nghị Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị quyết về môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh năm 2018 (Nghị quyết 19-2018). Đây là lần thứ năm sự cần thiết phải có một nghị quyết riêng về vấn đề này được đề xuất.
TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM, đánh giá: Những cải thiện môi trường kinh doanh, cụ thể là cắt giảm thủ tục hành chính, rà soát, đơn giản điều kiện kinh doanh... dù đã được các bộ, ngành thực hiện, song vẫn là bước đầu và cần phải có sự thúc đẩy mạnh mẽ hơn từ Chính phủ.
TS. Nguyễn Đình Cung |
Ông Cung cho rằng, là một nước đang phát triển, Việt Nam cần đuổi kịp các nước, thu hẹp khoảng cách phát triển, do đó, chỉ tiêu tăng trưởng vẫn là một chỉ tiêu quan trọng, thậm chí là một trong những chỉ tiêu quan trọng hàng đầu trong phát triển.
Việt Nam cũng đang là nước chuyển đổi sang kinh tế thị trường, cải cách chuyển đổi sang kinh tế thị trường là một nhiệm vụ của nền kinh tế, của đất nước. Trong bối cảnh này, tăng trưởng và thúc đẩy cải cách liên hệ mật thiết với nhau, bổ sung cho nhau và không thể thiếu, Viện trưởng CIEM nêu quan điểm.
TS. Cung cũng chỉ rõ, trong giai đoạn tới, nền kinh tế Việt Nam phải đối mặt với bài toán phát triển nhanh và bền vững trong xu hướng bất định của kinh tế thế giới, những yêu cầu chưa nhận diện rõ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0...
Trước mắt, trong năm 2018, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đề xuất mục tiêu mới của Nghị quyết 19-2018, đó là đạt thứ hạng 50-60 về môi trường kinh doanh; mở rộng thêm nội dung về nâng cao năng lực cạnh tranh ngành du lịch và logistics để hỗ trợ tái cơ cấu kinh tế nói chung và cơ cấu ngành nói riêng, thúc đẩy tăng năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế. Hoàn thành giảm tỷ lệ hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành từ 30-35% xuống còn 15% trong quý II/2018.
Điều đó cũng có nghĩa là sẽ cuộc giằng xé về cách thức quản lý nhà nước với doanh nghiệp buộc phải đến đích, mà phần thắng sẽ thuộc về tư duy quản lý mới, ông Cung nhận định.
Chỉ số của Việt Nam trên Bảng xếp hạng Môi trường Kinh doanh 2018 của WB: 6 chỉ số giảm bậc Nộp thuế và bảo hiểm xã hội tăng 81 bậc, từ 167/190 lên 86/190. Tiếp cận điện năng: 64/190 nền kinh tế, tăng 32 bậc nhờ cải thiện về mức độ tin cậy cung ứng điện năng thông qua vận hành hệ thống giám sát năng lượng SCADA. Chỉ số Tiếp cận tín dụng tăng 5 điểm và cải thiện 3 bậc, vươn lên vị trí thứ 29/190. Chỉ số này được ghi nhận cải cách nhờ mở rộng phạm vi tài sản giao dịch bảo đảm. Chỉ số Cấp phép xây dựng xếp hạng thứ 20/190, cải thiện 4 bậc so với năm ngoái. Chỉ số Bảo vệ nhà đầu tư xếp thứ 81/190, tăng 6 bậc. Chỉ số Giải quyết tranh chấp hợp đồng tăng 3 bậc, từ vị trí 69 lên vị trí 66/190. 4 chỉ số giảm bậc Khởi sự kinh doanh: giảm 2 bậc Đăng ký sở hữu tài sản: giảm 4 bậc Giao dịch thương mại qua biên giới: giảm 1 bậc Giải quyết phá sản doanh nghiệp: giảm 4 bậc Đáng chú ý, sự giảm bậc không phải do các chỉ số không có sự cải thiện mà do các quốc gia khác có sự cải thiện tốt hơn Việt Nam trên các chỉ sổ này (vì không có chỉ số nào giảm điểm, 3 trong 4 chỉ số tăng điểm, 1 chỉ số không thay đổi về điểm số). |