|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Chủ tịch Ủy ban đàm phán thương mại RCEP lạc quan về triển vọng của thương mại mở và dựa trên qui tắc

22:40 | 16/11/2020
Chia sẻ
Chủ tịch Ủy ban đàm phán thương mại Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), ông Iman Pambagyo nhấn mạnh rằng việc kí kết thỏa thuận này “cho phần còn lại của thế giới thấy rằng chúng ta vẫn tin tưởng vào thương mại mở và dựa trên qui tắc”.
Chủ tịch Ủy ban đàm phán thương mại RCEP lạc quan về triển vọng của thương mại mở và dựa trên qui tắc - Ảnh 1.

Chủ tịch Ủy ban đàm phán thương mại Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), ông Iman Pambagyo. (Ảnh: Berita/Vietnamplus).

Ngày 16/11, ông Iman Pambagyo – người cũng đang giữ chức Tổng cục trưởng Đàm phán thương mại quốc tế thuộc Bộ Thương mại Indonesia (In-đô-nê-xi-a) – cho rằng tính chất toàn diện cũng như nguyên tắc “bắt đầu cùng lúc, thời gian biểu thực hiện khác nhau” của hiệp định này cũng cung cấp một ví dụ điển hình về cách thức các quốc gia sẵn sàng hỗ trợ lẫn nhau có thể giúp giải quyết vấn đề khoảng cách phát triển bằng một hiệp định thương mại.

Chủ tịch Ủy ban đàm phán thương mại RCEP khẳng định rằng Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) là “trung tâm” của RCEP và do vậy điều quan trọng là ASEAN cần thực hiện hành trình này nhằm hiện thực hóa tầm nhìn Cộng đồng Kinh tế ASEAN đến năm 2025 và xa hơn nữa.

Ông Iman cũng cảm ơn Chính phủ Việt Nam vì đã “hỗ trợ chính trị” cho Ủy ban đàm phán thương mại RCEP nhằm thúc đẩy đàm phán những vấn đề khó khăn còn lại trước khi thỏa thuận này chính thức được bộ trưởng thương mại của 15 nước thành viên kí kết vào ngày 15/11.

Nhấn mạnh rằng RCEP là thỏa thuận thương mại lớn nhất ngoài Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) mà ASEAN và 5 nước đối tác đã đạt được, song ông Iman cũng lưu ý “không nên tự mãn vì chặng đường phía trước cũng không kém phần thử thách và đó là thực hiện đầy đủ và trung thành tất cả các cam kết”.

Chủ tịch Ủy ban đàm phán thương mại RCEP cho rằng các nước có thể khó khăn vào thời điểm bắt đầu song cần giúp đỡ lẫn nhau để đảm bảo rằng RCEP sớm có hiệu lực và tất cả các nước đều thực hiện đúng cam kết của mình.

Theo ông Iman, các nước ASEAN “cần tập trung vào những gì mà mình giỏi nhất và không thúc ép sản xuất mọi thứ”. Cuối cùng, Chủ tịch Ủy ban đàm phán thương mại RCEP cho rằng “chìa khóa” của ASEAN là tận dụng các chuỗi giá trị khu vực và xây dựng ASEAN trở thành “trung tâm quyền lực” của RCEP, không chỉ nhằm chiếm lĩnh các thị trường RCEP mà cả thị trường toàn cầu.

Hữu Chiến