|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Chủ tịch UBCKNN: Nợ xấu, hiệu quả hoạt động thấp của tập đoàn kinh tế nhà nước là những rủi ro khó tiên đoán

11:11 | 25/10/2017
Chia sẻ
Chủ tịch UBCKNN đánh giá lạc quan về thị trường chứng khoán trong thời gian tới, song ông cũng nhận diện những rủi ro, nhân tố không chắc chắn có thể ảnh hướng đến tốc độ phát triển và cơ hội đầu tư vào thị trường chứng khoán.

Tại Hội nghị “Gateway to Vietnam 2017” - chủ đề “Thị trường Vốn – Động lực tăng trưởng mới của nền Kinh tế” diễn ra sáng 25/1, Chủ tịch Ủy Ban Chứng khoán Nhà nước Trần Văn Dũng đánh giá từ góc độ của cơ quan quản lý, ông nhận thấy TTCK Việt Nam đã thực sự trở thành một kênh huy động vốn quan trọng cho nền kinh tế và có cơ cấu ngày càng vững chắc và hoàn thiện.

Người đứng đầu UBCKNN cho hay, vốn hóa của thị trường cổ phiếu và thị trường trái phiếu đã đạt mức trên 100% GDP, so với mức 130% GDP của dư nợ tín dụng ở thời điểm hiện tại, cho thấy thị trường tài chính – tiền tệ của Việt Nam đang từng bước đạt được cơ cấu cân bằng, vững chắc hơn so với trước đây.

Câu hỏi lớn đặt ra là hiện thị trường vốn – TTCK Việt Nam có thể tiếp tục đà tăng trưởng và độ sâu trong thời gian tới hay không?

Theo ông Dũng, tình hình chính trị trên thế giới đang có nhiều diễn biến phức tạp, và nền kinh tế Việt Nam đang đối phó với không ít khó khăn đến từ thiên tai, hệ quả của quá trình hoạt động kém hiệu quả của nhiều doanh nghiệp nhà nước trong quá khứ cũng như nợ xấu của hệ thống ngân hàng thương mại.

chu tich ubcknn no xau hieu qua hoat dong thap cua tap doan kinh te nha nuoc la nhung rui ro kho tien doan
Chủ tịch Ủy Ban Chứng khoán Nhà nước Trần Văn Dũng.

Nợ xấu ngân hàng, hiệu quả hoạt động thấp của một số tập đoàn kinh tế nhà nước là những rủi ro khó tiên đoán

Cụ thể, ông Dũng nhắc nhở đến việc theo dõi, để phòng ngừa rủi ro, những nhân tố không chắc chắn có thể ảnh hướng đến tốc độ phát triển và cơ hội đầu tư. "Có lẽ không ai trong chúng ta có thể đoán trước được diễn biến bất thường và ảnh hưởng của tình hình đàm phán Brexit, tình hình Triều Tiên, Trung Đông hay nạn khủng bố, khủng hoảng nhập cư… đến phát triển kinh tế Việt Nam, nhất là trong bối cảnh Việt Nam vẫn đang là thị trường cận biên".

Ông Dũng nhấn mạnh, nợ xấu của ngân hàng chưa thể xử lý một sớm một chiều và nguy cơ lạm phát cao vẫn luôn rình rập. Hệ lụy từ hiệu quả hoạt động thấp của nhiều tập đoàn kinh tế nhà nước vẫn cần thời gian khắc phục. Đây là những rủi ro hiện hữu và khó tiên đoán.

Ông khẳng định, Chính phủ, các bộ ngành liên quan của Việt Nam và cơ quan quản lý chứng khoán đang theo dõi rất chặt chẽ để có giải pháp ứng phó kịp thời với các tình huống có thể xảy ra.

Đồng thời bày tỏ mong muốn nhà đầu tư tham gia nghiên cứu, theo dõi, đánh giá tình hình thị trường, kiến nghị với UBCKNN những thay đổi về chính sách cũng như các giải pháp để TTCK Việt Nam phát triển.

4 cơ sở để lạc quan về sự phát triển bền vững của thị trường chứng khoán

Nhìn tổng thể, ông Dũng nhận thấy vẫn có đủ cơ sở để lạc quan về sự phát triển bền vững của thị trường vốn – TTCK Việt Nam trong thời gian tới.

Trong đó, cơ sở thứ nhất là về vĩ mô, tốc độ tăng trưởng GDP dự báo sẽ đạt mức trên 6,7% trong năm nay và được dự báo duy trì ở mức cao cho 5 năm tiếp theo, trong khi lạm phát được kiềm chế dưới mức mục tiêu, tỷ giá tương đối ổn định mặt bằng lãi suất vốn được duy trì ở mức hợp lý. Về quan điểm phát triển của Việt Nam đang có sự chuyển dịch, chính thức coi kinh tế tư nhân và phát triển kinh tế tư nhân là trụ cột quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội. Đây là điều kiện rất cơ bản tạo nền tảng cho sự phát triển tiếp theo của thị trường vốn – TTCK Việt Nam trong thời gian tới.

Thứ hai, chủ trương và kế hoạch cụ thể đẩy mạnh cổ phần hóa và thoái vốn trong thời gian tới của Chính phủ sẽ cung cấp một lượng hàng hóa có chất lượng cho thị trường.

9 tháng đầu năm 2017, chính phủ đã cổ phần hóa thành công 34/44 DNNN nằm trong kế hoạch. Năm 2018, Chính phủ đã công bố kế hoạch cổ phần hóa thêm 64 doanh nghiệp, trong đó có nhiều doanh nghiệp lớn như Tổng công ty giấy Việt Nam, Mobifone, và nhiều doanh nghiệp lớn khác trong ngành vàng bạc đá quý, bất động sản, phát điện,…

Năm 2019, mặc dù kế hoạch của Chính phủ dự kiến cổ phần hóa chỉ 18 doanh nghiệp, nhưng có thể nhìn thấy nhiều tên tuổi lớn, hấp dẫn như Tổng công ty cà phê Việt Nam, Tổng công ty Bưu chính viễn thông, Tập đoàn hóa chất, Tập đoàn than và khoáng sản…

Từ nay đến cuối năm một số doanh nghiệp sẽ được đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa như PV Oil, PV Power, Tổng công ty thuốc lá Việt Nam và thực hiện đẩy mạnh bán cổ phần tại Sabeco và Vinamilk. Như vậy, trong thời gian 1-2 năm tới, hàng trăm DNNN sẽ được thực hiện cổ phần hóa và tham gia niêm yết/đăng ký giao dịch trên thị trường chứng khoán. "TTCK chắc chắn sẽ tăng trưởng về quy mô và tạo ra cơ hội lớn cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước", ông Dũng nhận xét.

Thứ ba, một số sản phẩm sắp tới sẽ được đưa vào giao dịch trên TTCK sẽ làm tăng tính hấp dẫn, tăng cơ hội đầu tư. Trong các sản phẩm sắp tới có chứng quyền bảo đảm dự kiến đưa vào giao dịch vào cuối năm nay hoặc đầu năm sau. Trên thị trường phái sinh, hợp đồng tương lai trái phiếu chính phủ (bond futures) sẽ được đưa vào giao dịch, trong năm 2018. Một số chứng khoán phái sinh khác đang được tiếp tục nghiên cứu để đưa vào giao dịch trong năm 2019 và 2020, đáp ứng nhu cầu đầu tư và nhu cầu phòng ngừa rủi ro cho thị trường cơ sở.

Thứ tư, khuôn khổ pháp lý cho thị trường vốn – TTCK sẽ được tiếp tục hoàn thiện trong thời gian tới, trong đó Bộ Tài chính dự kiến sẽ hoàn thành việc sửa đổi Luật Chứng khoán trong năm 2019. Cùng với Luật Doanh nghiệp 2015 và các luật liên quan, Luật Chứng khoán sửa đổi sẽ tạo điều kiện cho doanh nghiệp huy động vốn thông qua phát hành cổ phiếu và trái phiếu, tạo khung khổ pháp lý cho các sản phẩm mới trên thị trường, nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác thanh tra, giám sát TTCK của các cơ quan quản lý, đảm bảo thị trường phát triển bền vững và minh bạch.

Khung khổ pháp lý mới, cùng với việc áp dụng hệ thống công nghệ mới đồng bộ tại 2 Sở và Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD) dự kiến từ năm 2019, cung cấp mã số giao dịch trực tuyến cho nhà đầu tư nước ngoài, gỡ bỏ hạn chế sở hữu của nhà đầu tư trong ngành kinh doanh phổ biến, việc tăng cường quản trị công ty theo nghị định 71/2017/NĐ-CP ngày 06/06/2017 của Chính phủ… sẽ tạo ra một môi trường đầu tư cởi mở hơn, công khai minh bạch, công bằng hơn cho nhà đầu tư cả trong và ngoài nước.

Ánh Dương