Chủ tịch tỉnh Quảng Ngãi yêu cầu dừng thi công khu vực mở rộng Nhà máy thép Hoà Phát, di dời dân khỏi vùng ô nhiễm
Trong gần một tuần qua, hàng chục người dân thôn Đông Lỗ, xã Bình Thuận, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi đã tụ tập, dựng lều bạt, chặn xe ra vào Nhà máy thép Hoà Phát Dung Quất.
Theo báo Người lao động, người dân khu vực phản ánh từ khi nhà máy thép đi vào hoạt động thì môi trường xung quanh bị ô nhiễm nặng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của các hộ dân sinh sống gần với nhà máy.
"Nhiều khi đang ngồi bưng bát cơm, mùi hôi khét lẹt xông thẳng vào nhà, thế là phải bỏ dở bữa ăn. Mấy hôm nay trời hay đổ mưa dông, nhà máy xả thải càng khủng khiếp hơn trước", một người dân có nhà sát bên nhà máy nói.
Theo kế hoạch, người dân cần được di dời và tái định cư từ cách đây ba năm nhưng do khu tái định cư chưa được xây dựng, nên phải sống chung với ô nhiễm kéo dài.
Trước tình trạng này, chiều 12/6, ông Đặng Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, đã tới thăm và tìm hiểu thông tin và tổ chức đối thoại trực tiếp với người dân tại đây.
Đại diện những người dân chịu ảnh hưởng của dự án Hòa Phát Dung Quất cho biết, đã 4 năm qua, nhà đầu tư (CTCP Thép Hòa Phát Dung Quất) cũng như chính quyền địa phương liên tục hứa di dời người dân đến khu tái định cư Vạn Tường ở xã Bình Hải, huyện Bình Sơn nhưng đến giờ vẫn chưa thực hiện, theo TTXVN.
Nhà máy thép Hòa Phát Dung Quất tại tỉnh Quảng Ngãi được khởi công từ cuối năm 2017, tổng vốn đầu tư ban đầu 52.000 tỷ đồng, về sau nâng lên thành 65.000 tỷ đồng. Đến đầu năm 2021, toàn bộ 4 lò cao đã được đưa vào vận hành, tổng công suất 5 triệu tấn thép/năm.
Hòa Phát đang chờ chấp thuận của các cấp thẩm quyền để đầu tư 85.000 tỷ đồng cho dự án Dung Quất giai đoạn 2, công suất 5,6 triệu tấn thép/năm.
Nhiều người dân phải sống trong những ngôi nhà cũ, sát với nhà máy thép, chịu ô nhiễm nặng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống.
Hơn nữa, ở dự án Hòa Phát Dung Quất, tại nhiều khu vực đất đai của người dân chưa được bàn giao, đền bù thấu đáo nhưng đơn vị đã cho san ủi. Nhiều người dân cũng không hài lòng trước việc khu tái định cư cho người dân chậm được xây dựng.
Bên cạnh đó, quá trình xây dựng dự án cũng đã gây ngập úng cho những vùng đất không nằm trong dự án, gây ảnh hưởng đến việc việc sản xuất của người dân.
Báo Người lao động dẫn lời đại diện Nhà máy thép Hòa Phát Dung Quất thừa nhận quá trình hoạt động nhà máy không tránh khỏi ô nhiễm và cho biết hiện có gần 350 hộ dân sống xung quanh nhà máy cần được di dời nhưng đến thời điểm này mới chỉ có hơn 100 hộ chấp thuận di dời trước.
"Chúng tôi đang chờ bố trí đất tái định cư cho người dân. Trong quá trình chờ bố trí đất tái định cư, phía nhà máy cũng đưa ra nhiều phương án cho bà con như hỗ trợ tiền thuê nhà mỗi tháng 2,2 triệu đồng/hộ hay đền bù 70% hoặc 100% trước cho người dân để chuyển nơi ở khác… Nhưng chỉ có số ít người chấp nhận, còn lại đa phần người dân mong muốn được bố trí tái định cư, rồi họ di dời luôn", đại diện nhà máy thép Hòa Phát cho biết.
Chủ tịch tỉnh xin lỗi vì chậm tái định cư cho người dân
Sau khi kiểm tra thực tế hiện trường và nghe ý kiến của người dân, Chủ tịch Đặng Văn Minh thừa nhận môi trường xung quanh nhà máy đang bị ô nhiễm nặng, đồng thời thẳng thắn thừa nhận khuyết điểm về việc chậm trễ xây dựng khu tái định cư cho người dân.
Chủ tịch tỉnh đã chỉ đạo UBND huyện Bình Sơn, đơn vị chủ đầu tư dự án khu tái định cư phải đẩy nhanh tiến độ, chậm nhất đến đầu tháng 10/2021 phải khởi công và hoàn thành dự án sau 12 tháng thi công.
Đối với vấn đề ô nhiễm, tại buổi gặp gỡ, ông Đặng Văn Minh đã yêu cầu phía Hòa Phát chấm dứt ngay việc thi công ở khu vực 115 ha (nơi dự án mở rộng) khi chưa hoàn thành việc di dời toàn bộ người dân ở khu vực này.
Ông đưa ra hai phương án hỗ trợ di dời cho người dân khỏi vùng ảnh hưởng bởi dự án nhà máy thép. Cụ thể, nhà đầu tư sẽ tạm ứng 100% tiền đền bù cho người dân, những hộ dân muốn thuê nhà ở đợi đến khi khu tái định cư hoàn thành sẽ được hỗ trợ 2,2 triệu đồng/tháng.
Bên cạnh đó, người dân cũng có thể chọn phương án ở nhà tạm do dự án xây dựng tại khu tái định cư hơn 16,8 ha ở xã Bình Thuận.
Đây không phải lần đầu việc ô nhiễm môi trường xung quanh dự án Nhà máy thép Dung Quất Hoà Phát được người dân phản ánh mà đã nhiều lần kể từ khi nhà máy đi vào hoạt động.
Theo thông tin từ TTXVN, vấn đề này cũng đã từng được đề cập đến trong họp báo thường kỳ quý I của Bộ Tài nguyên và Môi trường ngày 28/4.
Ông Nguyễn Hưng Thịnh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường khẳng định tại họp báo rằng việc gây khói bụi và có mùi lưu huỳnh, mùi hắc khó chịu của nhà máy thép Hòa Phát Dung Quất chỉ xảy ra một lần trong giai đoạn vận hành lò. Đồng thời, ngay sau khi xảy ra sự cố đó, Tổng cục Môi trường đã thành lập tổ rà soát, ít nhất hai lần/năm.
“Qua theo dõi kết quả quan trắc khí thải tự động liên tục và lấy mẫu đều cho thấy quá trình hoạt động đạt tiêu chuẩn môi trường”, ông Thịnh nói.
Mặc dù vậy, lãnh đạo Tổng cục Môi trường cũng cho biết hiện Tổng cục vẫn đang phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh để tới đây sẽ tiếp tục yêu cầu CTCP thép Hòa Phát Dung Quất kiểm tra chất thải nhằm đánh giá đầy đủ, toàn diện hơn.
Không rõ việc "đạt tiêu chuẩn môi trường" và thực trạng khói bụi thực tế tại địa bàn nhà máy thép theo phản ánh của người dân có trùng khớp nhau hay không nhưng vấn đề sinh sống trong môi trường ô nhiễm của người dân cần nhanh chóng được tháo gỡ.
Nhà máy thép của Hòa Phát tại Hải Dương cũng từng gây ô nhiễm
Vào năm 2011, Thanh tra Bộ Tài nguyên và Môi trường đã xử phạt CTCP Thép Hòa Phát, chủ đầu tư Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát tại xã Hiệp Sơn, tỉnh Hải Hương số tiền 210 triệu đồng do đưa công trình vào sử dụng chưa được cơ quan có thẩm quyền kiểm tra, xác nhận, không phân loại chất thải nguy hại, để lẫn chất thải nguy hại khác loại với nhau hoặc với chất thải khác, không bố trí nơi an toàn để lưu giữ tạm thời chất thải nguy hại, không dán nhãn theo quy định.
Năm 2015, Thanh tra Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp tục xử phạt 270 triệu đồng CTCP Thép Hòa Phát do hành vi xả thải vượt quy chuẩn ra môi trường và yêu cầu công ty có biện pháp khắc phục hậu quả.
Đến năm 2018, chính quyền lại tiếp tục ghi nhận nhiều lời "kêu cứu" của người dân khu vực vã Hiệp Sơn, tỉnh Hải Dương về khi nhiều năm qua đã "chịu đựng khí độc, tiếng ồn và mạt thép bao trùm không khí" từ dự án nhà máy thép tại tỉnh Hải Dương.