Chủ tịch thủy sản Thuận Phước: Xuất khẩu tôm năm 2022 có thể đi ngang, người bán và người mua bật chế độ thăm dò
Trong quý I, xuất khẩu tôm của Việt Nam khá thuận buồm xuôi gió khi đem kim ngạch gần 1 USD, tăng 44% so với cùng kỳ năm ngoái, nhiều doanh nghiệp báo lãi lớn.
Tuy nhiên, đằng sau kết quả huy hoàng đó, một số doanh nghiệp thủy sản khác vẫn phải xử lý hệ lụy và tồn đọng của dịch COVID-19 để lại. Người viết đã có cuộc trao đổi với ông Trần Văn Lĩnh, Chủ tịch HĐQT CTCP Thủy sản và Thương mại Thuận Phước (Mã: THP) về những sóng gió mà doanh nghiệp đang phải đương đầu.
Chào ông, ở cuộc trò chuyện trước vào cuối năm 2021, ông cho biết Thuận Phước vẫn còn nợ nhiều đơn hàng xuất khẩu tôm. Đến nay, doanh nghiệp đã giải quyết hết các đơn tồn đọng, thưa ông?
- Ông Trần Văn Lĩnh: Hệ lụy từ đợt bùng phát COVID-19 năm 2021 với doanh nghiệp chúng tôi đến nay vẫn còn.
Tưởng rằng bước sang năm 2022 có thể tăng tốc để trả nợ các đơn hàng, song lại gặp ngay cơn bão giá nguyên liệu. Với các hợp đồng năm 2021, doanh nghiệp đã ký giá thấp nhưng hiện tại giá nguyên liệu và chi phí sản xuất lên quá cao khiến doanh nghiệp đã khó lại còn khó hơn.
Hiện nay, chúng tôi vừa phải tranh thủ trả nợ đơn hàng cũ trước khi giá nguyên liệu tăng quá cao, đồng thời đàm phán với đối tác cho sản xuất, xuất khẩu các đơn hàng mới. Nếu không lỗ sâu quá, doanh nghiệp không gánh nổi.
Xin ông tiết lộ một chút về kết quả kinh doanh quý I của thủy sản Thuận Phước và kế hoạch năm 2022?
- Ông Trần Văn Lĩnh: Doanh thu quý I của chúng tôi tăng trưởng nhưng lợi nhuận lại giảm.
Theo giải trình của doanh nghiệp, dù doanh thu tăng nhưng chi phí bán hàng, đặc biệt là cước vận tải phi mã 2,8 lần, không thể bù đắp cho chi phí đầu vào, khiến lợi nhuận giảm mạnh.
Chúng tôi đã cố gắng hết sức nhưng cũng khó có thể tăng trưởng mạnh vì vật giá leo thang, sản xuất không hiệu quả trong khi giá tôm xuất khẩu tăng chưa tương xứng.
Giá vận tải cứ tăng hoài, tăng hoài mà ngay cả các cấp chính phủ cũng không có cách nào kìm nổi. Trước căng thẳng Nga – Ukraine, giá cước vận tải vẫn là một ẩn số, đè nặng trên vai doanh nghiệp.
Về kế hoạch năm 2022, thủy sản Thuận Phước đặt mục tiêu doanh thu thuần đạt 3.000 – 3.500 tỷ đồng, tăng 11,5 – 30% so với năm 2021 và lợi nhuận trước thuế đạt 20 - 22 tỷ đồng, tăng 8%. Sản lượng xuất khẩu kỳ vọng đạt 11.500 - 13.000 tấn, doanh thu xuất khẩu đạt 120 - 130 triệu USD, theo báo cáo tại ĐHCĐ doanh nghiệp.
Ông đánh giá như thế nào về triển vọng xuất khẩu tôm năm nay. Cho đến thời điểm này, doanh nghiệp đã ký đơn hàng đến tháng mấy rồi, thưa ông?
- Ông Trần Văn Lĩnh: Tình hình hiện nay rất căng! Cả người mua và người bán đều đang thăm dò nhau.
Ở phía thị trường nhập khẩu, rõ ràng nhu cầu tiêu thụ tôm của người dân rất cao nhưng khả năng thanh toán lại không có vì nhiều yếu tố rủi ro như dịch bệnh COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp, lạm phát gia tăng, đồng USD mất giá…
Ngoài ra, nếu xung đột Nga – Ukraine tiếp tục leo thang, giá hàng hóa trong đó có thủy hải sản cũng gia tăng, liệu người tiêu dùng có thể chấp nhận mức giá mới? Chính những yếu tố không thể đoán định khiến nhà mua không dám dự trữ, chỉ ký cầm chừng.
Về phía người bán, dù giá tôm xuất khẩu có nhỉnh lên 10 – 15% nhưng chúng tôi chưa đạt được lợi nhuận bởi giá đầu ra tăng nhanh như chi phí đầu vào. Chúng tôi không thể kinh doanh mà không có lời nên cứ vừa đi, vừa dò, chưa dám ký những hợp đồng dài hạn.
Như tôi được biết, Mỹ là một trong những thị trường xuất khẩu trọng điểm của Thuận Phước. Ông đánh giá như thế nào về thị trường này năm nay?
- Ông Trần Văn Lĩnh: Đối với Thuận Phước, xuất khẩu tôm sang Mỹ trong quý I ảm đạm hơn so với cùng kỳ năm 2021. Bởi, tồn kho tôm của Mỹ vẫn còn khá lớn, sức mua của người dân giảm sau khi hết trợ cấp của chính phủ.
Ngoài ra, nhà nhập khẩu không chấp nhận tăng giá sản phẩm, tôm của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường này phải cạnh tranh gay gắt với nguồn tôm giá rẻ của Ấn Độ và Ecuador.
Trước đó, quý I/2021, doanh nghiệp kinh doanh thuận lợi khi sức mua của thị trường tốt, dịch COVID-19 ở Việt Nam chưa bùng phát mạnh, nguồn vốn dồi dào khi ngân hàng cho vay với lãi suất thấp…
Thông thường, thị trường Mỹ và châu Âu tăng cường nhập khẩu tôm vào cuối hè, đầu thu. Vậy, Thuận Phước đã chuẩn bị nguyên liệu cho cao điểm này, thưa ông?
- Ông Trần Văn Lĩnh: Vùng nuôi tôm của Thuận Phước hiện có khoảng 2.000 ha, tập trung ở Huế và Bến Tre. Nếu năng suất nuôi tôm tốt, sản lượng tôm có thể đáp ứng 30 – 40% nhu cầu nguyên liệu cho các nhà máy của doanh nghiệp.
Phần còn lại, doanh nghiệp phải nhập của người dân và các vùng nuôi liên kết. Do đó, chi phí nguyên liệu vẫn bị phụ thuộc nhiều vào biến động thị trường, đặc biệt trong bối cảnh giá thức ăn thủy sản tăng khủng khiếp.
Với ngành tôm, hiện nay mọi thứ khá nửa vời. Nhà nhập khẩu ký cầm chừng, doanh nghiệp bán cầm chừng, nông dân nuôi cầm chừng. Tất cả đều chờ nhau.
Xuất khẩu tôm đang yếu thế hơn cá tra bởi trong bối cảnh lạm phát, người tiêu dùng phải tính toán chi li hơn với từng đồng tiền họ bỏ ra, nếu phải chọn giữa tôm và cá tra, tôi tin cá tra sẽ được ưu tiên hơn.
Do vậy, tôi nghĩ xuất khẩu tôm năm 2022 sẽ đi ngang bởi nhu cầu tiêu thụ tăng mạnh nhưng khả năng chi trả lại không tăng.