Chủ tịch SCIC: Cả quý I mới bán vốn được 7 doanh nghiệp nhà nước
|
Mỗi tháng cần bán 10 doanh nghiệp
Thông tin được ông Nguyễn Đức Chi, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) chia sẻ tại buổi họp báo ngày 19/4.
Theo đó, trong quý I, SCIC thực hiện bán vốn nhà nước tại 7 doanh nghiệp trong số 107 doanh nghiệp cần bán theo kế hoạch năm 2017. Giá vốn là 37 tỷ đồng, giá trị thu được là 44 tỷ đồng, bằng 1,2 lần giá vốn.
"Rủi ro là trong số hơn 100 doanh nghiệp cần bán, có hơn 70, tương đương gần 80% rất khó bán, không hấp dẫn nhà đầu tư. Đây cũng là giải thích cho con số thu về từ bán các doanh nghiệp trong quý I thấp", ông Nguyễn Đức Chi cho biết. Như vậy, mỗi tháng SCIC phải bán được vốn tại 10 doanh nghiệp.
Ông Chi thừa nhận, năm 2017 doanh thu dự kiến của SCIC cần tăng 6% so với năm 2016, đạt trên 11.000 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế theo quy định về hạch toán của SCIC hiện hành dự kiến trên 8.000 tỷ đồng, tăng 7%.
Tuy nhiên, trong quý I, ước tính doanh thu của SCIC đạt 639 tỷ đồng, mới bằng 22% so với cùng kỳ năm 2016 và bằng 6% kế hoạch (tạm tính). Lợi nhuận trước thuế ước đạt 584 tỷ đồng, bằng 7% kế hoạch năm 2017 (tạm tính) và bằng 28% so với cùng kỳ năm trước. Tương ứng, lợi nhuận sau thuế đạt 503 tỷ, bằng 29% so với cùng kỳ năm 2016.
"Trong đó các đơn vị cần bán vốn có rất nhiều doanh nghiệp từ năm 2016 chuyển sang vì khó khăn không bán được, vốn nhỏ", ông Chi lý giải về thực trạng quý I.
SCIC cũng cho biết trong quý I đã tiếp nhận 4 doanh nghiệp với 273 tỷ đồng vốn Nhà nước từ các doanh nghiệp thuộc Bộ ngành, địa phương cho SCIC.
SCIC cho biết theo kế hoạch giai đoạn từ nay đến 2020, tổng công ty này sẽ cổ phần hóa và bán vốn tại 5 doanh nghiệp là Công ty TNHH Một thành viên Khai thác và Chế biến đá An Giang, Công ty TNHH Đầu tư - Thương mại Tràng Tiền, công ty Đầu tư và Phát triển HBI; công ty In và biểu mẫu thống kê và Công ty In thống kê TP HCM.
Có 3 doanh nghiệp SCIC sẽ giữ lại vốn hiện có là Công ty cổ phần Đầu tư SCIC với 100% vốn. Công ty Cơ khí khoáng sản Hà Giang nơi SCIC đang nắm 47% vốn, SCIC cần giữ lại phần phủ quyết. Công ty Viễn thông FPT - FPT Telecom do SCIC năm giữ 50% cổ phần.
Mới có 15 doanh nghiệp cổ phần hóa chuyển vốn về SCIC
Trả lời về quan điểm của SCIC đối với những doanh nghiệp đã cổ phần hóa không muốn chuyển giao vốn về SCIC như Sabeco, Habeco, ông Nguyễn Hồng Hiển, Phó Tổng Giám đốc cho biết, như hai doanh nghiệp này cần chờ quyết định của Thủ tướng. Bởi việc chuyển doanh nghiệp đã cố phần về SCIC nếu là doanh độc lập thuộc bộ ngành, địa phương phải theo Thông tư của Bộ Tài chính. Còn các Tập đoàn, Tổng công ty lớn trên cơ sở có quyết định của Thủ tướng.
SCIC thông tin, một số đơn vị như Tập đoàn Dệt may, Tổng công ty Thép hay Cienco dù dó quyết định của Thủ tướng nhưng vì một số lý do vẫn chưa chuyển được về SCIC.
"SCIC chỉ là một doanh nghiệp nên dù nỗ lực vẫn có những giới hạn. SCIC đã báo cáo Bộ ngành, UBND tỉnh, thành phố phối hợp chuyển giao nhưng suốt từ 2011 đến nay, SCIC mới nhận dược 94 doanh nghiệp lớn nhỏ khác nhau với vốn tiếp quản trên 2.759 tỷ đồng", ông Nguyễn Đức Chi thông tin thêm. Ông cho rằng cần sự chuyển đổi nhận thức về cơ chế mới của các "ông chủ" trước đây của các doanh nghiệp để phá bỏ sức ỳ trong việc chuyển giao này.
Ông Nguyễn Hồng Hiển cho biết, 12/12/2016, Thủ tướng đã yêu cầu Bộ ngành địa phương chỉ đạo những người liên quan chuyển giao vốn và hoàn thiện hồ sơ trong năm 2016 và quý I/2017. Tuy nhiên đến hết quý I, vẫn còn 46 doanh nghiệp nữa (SCIC mới chỉ nhận được 15 doanh nghiệp). Danh sách những doanh nghiệp mà SCIC và các địa phương bộ ngành chưa thống nhất là 176 đơn vị.