Chủ tịch PNJ: Chúng tôi khác với MWG và FPT Shop, không đi chiều rộng mà đi chiều sâu
Tại ĐHCĐ thường niên 2020 của Công ty Cổ phần Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (Mã: PNJ) sáng 10/6, Chủ tịch HĐQT PNJ Cao Thị Ngọc Dung cho biết sau khi chịu ảnh hưởng từ dịch COVID-19, nhiều doanh nghiệp kinh doanh trang sức cạn tiền và không còn khả năng thanh khoản, do đó PNJ tăng dự phòng thanh khoản là điều cần thiết để phòng tình huống xấu
"Tình hình dịch COVID-19 sắp tới như thế nào không ai dự báo được nên công ty dự kiến tăng lãi vay lên 50 tỉ đồng, đảm bảo thanh khoản trong tình hình kinh tế khó khăn hơn, khách hàng bán vàng nhiều", bà Dung chia sẻ.
Tổng giám đốc PNJ Lê Trí Thông nhấn mạnh thanh khoản của công ty không chỉ gồm tiền mặt như những doanh nghiệp khác mà bao gồm cả lượng vàng tồn kho.
"Ban lãnh đạo công ty tối ưu hóa lượng tiền mặt và vàng miếng từng thời điểm để bảo toàn vốn. PNJ kinh doanh trang sức chứ không chủ trương đầu cơ vàng nên việc giá vàng lên xuống không ảnh hưởng quá nhiều”, ông Thông nói.
Cũng theo lãnh đạo PNJ, với sự chuẩn bị từ nhiều năm trước và thay đổi nhanh giúp công ty ghi nhận doanh thu hơn 5.000 tỉ đồng và lãi sau thuế trên 410 tỉ đồng trong quí đầu năm. Kết quả kinh doanh vẫn đi lên, thị phần tiếp tục gia tăng mặc dù trong giai đoạn giãn cách xã hội, công ty lỗ đến 90 tỉ đồng vì phải đóng cửa đến 85% cửa hàng.
Lũy kế 5 tháng đầu năm, ước doanh thu thuần đạt 6.522 tỉ đồng, đạt 45% kế hoạch, lợi nhuận sau thuế ước đạt 343 tỉ đồng, tương đương 41% kế hoạch.
"Kết quả này nhờ vào tính thích nghi cũng như đưa ra các phương án kinh doanh sắc sảo hơn, như trước đây sức mua là chung nhưng bây giờ có một số khách hàng ổn định, một số khách hàng bị ảnh hưởng, do đó cần phải có cách tiếp cận linh hoạt, sắc sảo hơn.
Trong đó, nền tảng công nghệ số đã giúp PNJ có một kênh mới tiếp cận khách hàng khi mà các kênh truyền thống buộc phải đóng của vì giãn cách xã hội, giúp PNJ tăng tỉ trọng lượng hàng bán online nhưng với ngành hàng này cần có thêm thời gian để khách hàng quen thuộc với hình thức mua hàng này", Phó Chủ tịch HĐQT Lê Trí Thông chia sẻ.
Thời gian tới, PNJ sẽ chú trọng vào hoạt động bán sỉ, cạnh tranh với các sản phẩm xách tay trên thị trường. Công ty đăng kí thêm các ngành nghề nhằm bổ sung cho hoạt động thương mại điện tử và bán trả góp.
Đối với mảng đồng hồ, doanh số năm ngoái tăng gấp ba lần nhưng ban lãnh đạo đánh giá chưa thành công như mong đợi. PNJ khẳng định sẽ đầu tư vào chiều sâu, nhắm vào tập khách hàng cao cấp nên sản phẩm không đại trà như các đối thủ.
Ngoài ra mạng lưới cửa hàng sắp tới sẽ được mở rộng tại các tỉnh thành cấp 2 và 3 để tận dụng việc sức mua bị ảnh hưởng ít hơn các thành phố lớn. Sự tập trung vào chuỗi PNJ Next và PNJ Watch theo mô hình shop-in-shop để đảm bảo tối ưu chi phí vận hành.
Cụ thể, ngày 11/6 PNJ sẽ đồng loạt khai trương 9 cửa hàng mới, nâng tổng số lượng cửa hàng trên toàn hệ thống lên gần 360. Song song, hệ thống PNJ Watch đến thời điểm hiện tại là 44 cửa hàng và mạng lưới này sẽ tăng lên 54 cửa hàng khi tháng 6 kết thúc.
Cùng với sự phát triển hệ thống e-commerce, PNJ dần hoàn thiện mạng lưới bán hàng đa kênh, năng lực bán lẻ được tăng cường, nhanh chóng tranh thủ những thị phần vẫn còn đang bỏ trống sau đại dịch.
"Mô hình bán đồng hồ kết hợp mắt kính là phổ biến trên thế giới. PNJ hướng đến phân khúc cao cấp hơn. Công ty không chạy đua về số lượng. Năm 2019 doanh số đồng hồ tăng 3 lần, nhưng PNJ không quá chú trọng con số đó.
Tương lai, PNJ sẽ tận dụng lợi thế để phát triển cửa hàng độc lập, lúc này sẽ tối ưu hoá chi phí bằng cách đào tạo nhân viên bán trang sức sang bán đồng hồ", ông Lê Trí Thông chia sẻ.
Trong khi đó, theo Chủ tịch HĐQT Cao Thị Ngọc Dung, hai năm qua PNJ vẫn đang dò bước, đầu tư về con người, về kinh nghiệm và chưa phát triển mạnh. Đây là hai mảng PNJ dùng để tạo thêm động lực.
"Chúng tôi khác với MWG và FPT Shop, không đi chiều rộng mà đi chiều sâu, khai thác trực diện vào tệp khách hàng hiện hữu. Cho đến nay, PNJ vẫn chưa gặt hái gì từ mảng này, đây thực tế là động lực tăng trưởng trong tương lai của công ty", bà Dung chia sẻ.