Chủ tịch Petrolimex tiết lộ kế hoạch về nới room ngoại và bán cổ phiếu quỹ
Sau PV Oil, Vingroup muốn biến cây xăng của Petrolimex thành trạm sạc xe điện |
Sáng nay (17/1), tại Hà Nội, Bộ Công tương tổ chức Hội nghị tổng kết ngành Công thương năm 2018. Bên lề hội nghị, chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn ông Phạm Văn Thanh, Chủ tịch HĐQT của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex, mã: PLX).
PV: Hiện những quỹ nào đang quan tâm đến cổ phiếu của Petrolimex?
Ông Phạm Văn Thanh, Chủ tịch HĐQT Petrolimex |
Ông Phạm Văn Thanh:
Trong thời gian qua, Petrolimex đã tổ chức Roadshow ở Anh, Singapore, Hồng Kông và các nước khác. Hiện có rất nhiều nhà đầu tư, tổ chức lớn quan tâm tới việc đầu tư vào Petrolimex (khoảng trên 100 quỹ đã gặp gỡ và làm việc với công ty). Tuy nhiên, trong đó có nhiều quỹ lớn đặt vấn đề đầu tư vốn đi kèm một số điều kiện khác. Ví dụ như họ có thể kết hợp đầu tư kinh doanh phát triển cùng Petrolimex để tận dụng mạng lưới bán lẻ của chúng tôi, với gần 2.600 cây xăng thuộc sở hữu của Petrolimex ở tại các vị trí đắc địa trải dài trên cả nước. Đa phần các quỹ, tổ chức đầu tư lớn đều quan tâm đến mạng lưới của Petrolimex và cho rằng đây là một trong những tiềm năng to lớn mà Tập đoàn chưa khai thác hết.
Petrolimex hiện chỉ đang bán xăng, dầu và các sản phẩm hoá dầu như gas, dầu nhờn… và các sản phẩm thuộc hệ thống các Công ty con của Petrolimex tại các cửa hàng xăng dầu. Tuy nhiên các nhà đầu tư còn hướng tới việc tận dụng để phát triển cửa hàng tiện ích (convenient store) hay các dịch vụ gia tăng khác nhằm gia tăng lợi nhuận. Các cây xăng ở nước ngoài thường bán rất nhiều các mặt hàng đa dạng khác nhau, ngoài sản phầm xăng dầu. Về lĩnh vực này Petrolimex không phải là chuyên nghiệp và có kinh nghiệm, nên hướng phát triển sau này có thể sẽ triển khai các hình thức hợp tác kinh doanh khác với các công ty chuyên về bán lẻ, dịch vụ để nhằm khai thác tối ưu hóa hiệu quả đạt được và phân chia lợi nhuận tại các cửa hàng đó.
PV: Kế hoạch của Petrolimex như thế nào đối với việc bán cổ phiếu quỹ trong những đợt tiếp theo? Công ty có dự kiến thời gian?
Ông Phạm Văn Thanh: Petrolimex được phê duyệt cho phép bán tối đa 60 triệu cổ phiếu quỹ nhưng do điều kiện thị trường chứng khoán gần đây không thực sự thuận lợi, chưa đáp ứng được mức giá chúng tôi kỳ vọng nên dự kiến đợt này, Petrolimex sẽ chỉ bán ra 12 triệu cổ phiếu (khoảng 1% vốn điều lệ). Nếu thị trường tiếp tục diễn biến không tốt, chúng tôi sẽ xem xét lại và có kế hoạch triển khai khác phù hợp hơn để thực hiện đúng phương án Bộ Công thương đã duyệt.
Chính vì thế, sau đợt này, Petrolimex sẽ có một chương trình kế hoạch cụ thể về Roadshow gặp gỡ các nhà đầu tư quan tâm để có thể chào bán được lượng lớn hơn ra thị trường, chủ yếu sẽ là các quỹ đầu tư lớn của nước ngoài, qua đó sẽ tăng tỷ lệ cổ phiếu được giao dịch tự do của Petrolimex (tỷ lệ free float – PV).
PV: Như vậy, tỷ lệ các nhà đầu tư nước ngoài có thể sở hữu cổ phiếu Petrolimex dự kiến như thế nào?
Ông Phạm Văn Thanh: Hiện nay, theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, “room” cho NĐT nước ngoài tối đa là 20%. Nhưng Petrolimex đã báo cáo Bộ Công thương trước đây và bây giờ là báo cáo Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp về việc nâng tỷ lệ room cho các NĐTNN tại Petrolimex. Uỷ ban đã có công văn để báo cáo cho Thủ tướng Chính phủ nới “room” cho NĐT nước ngoài lên 49%.
Điều này sẽ tạo cơ hội cho các các quỹ đầu tư và NĐT nước ngoài tham gia để sở hữu cổ phiếu Petrolimex và tạo điều kiện thuận lợi để Petrolimex xây dựng phương án thoái vốn, giảm tỷ lệ sở hữu của Nhà nước tại Petrolimex từ 75,87% xuống 51,01% trong thời gian tới.
Hệ thống bán lẻ rộng rãi của Petrolimex. Ảnh minh họa |
PV: Việc nới room nước ngoài với tỉ lệ cao như vậy, nhiều nhà đầu tư lo ngại về câu chuyện đảm bảo an ninh năng lượng. Đó là lý do vì sao giữ tỉ lệ vốn trong nước rất cao (trên 50%). Các vấn đề về cung ứng xăng dầu cho đảm bảo an ninh năng lượng, Petrolimex có điều kiện nào đối với các nhà đầu tư hay giải pháp nào cho câu chuyện này?
Ông Phạm Văn Thanh: Về vấn đề an ninh năng lượng, Tập đoàn luôn đảm bảo dự trữ nguồn và thực hiện đúng theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và các cơ quan quản lý Nhà nước. Đây là nhiệm vụ và trọng trách mà Petrolimex đặt lên hàng đầu với tư cách là đơn vị kinh doanh xăng dầu số 1 trên thị trường. Do tính chất đặc thù của ngành xăng dầu chính vì vậy trong giai đoạn tới, Nhà nước sẽ vẫn mục tiêu nắm giữ cổ phần chi phối tại Petrolimex.
Tuy nhiên để tăng tính cạnh tranh cho doanh nghiệp, phù hợp với việc mở cửa thị trường và tư nhân hóa, tạo sự minh bạch và hiệu quả trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Chính phủ cũng đồng thời chỉ đạo Petrolimex thực hiện việc giảm tỷ lệ sở hữu Nhà nước xuống mức 51% (đảm bảo vẫn nắm quyền chi phối) theo Quyết định 1232/QĐ-TTg
PV: Thời gian vừa qua, Lọc Hoá dầu Nghi Sơn Dung Quất đưa vào vận hành tạo nguồn cung cho thị trường, tăng tỷ lệ cho các nhà cung ứng trong nước lên đến 93%. Giá bán của Nghi Sơn so với giá trước đây như thế nào?
Ông Phạm Văn Thanh: Giá xăng dầu biến động là do ảnh hưởng của giá dầu thế giới, doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu không chủ động và điều tiết được việc này. Cụ thể, đối với Petrolimex hay các công ty trong nước thường mua bán theo giá PLATT Singapore nên giá bán của Nghị Sơn cũng phải được tính toán dựa trên giá thế giới để điều chỉnh phù hợp, tạo sự cạnh tranh cho việc bán hàng.
PV: Nhưng nếu so sánh với giá nhập thì có lợi hơn, cạnh tranh hơn?
Ông Phạm Văn Thanh: Cái đó phụ thuộc vào từng thời điểm, có những lúc nhập tốt hơn, có lúc mua trong nước tốt hơn. Ở đâu có giá tốt đem lại hiệu quả kinh doanh cao Petrolimex sẽ quan tâm, tuy nhiên vẫn ưu tiên dùng hàng trong nước nếu giá cả cạnh tranh phù hợp.
PV: Ông có chia sẻ như thế nào về chiến lược phát triển Petrolimex?
Ông Phạm Văn Thanh: Tương lai trong 5-10 năm tới, theo xu thế của thế giới là giảm tỉ lệ sử dụng xăng dầu có độ ô nhiễm cao, thay vào đó là việc sử dụng những nhiên liệu sạch, năng lượng tái tạo. Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam cũng mong muốn bắt kịp xu hướng đó và hiện tại chúng tôi cũng đã bước đầu đi trước thị trường trong việc chuyển đổi về loại hình sản phẩm xăng dầu cung cấp theo hướng này.
Bên cạnh đó, Tập đoàn cũng đang xây dựng một chiến lược phát triển tổng thể từ nay đến năm 2030, để đưa Petrolimex trở thành một Tập đoàn năng lượng sạch có quy mô lớn.
Lễ kí thỏa thuận hợp tác toàn diện giữa Petrolimex và Vingroup. Ảnh: PLX |
PV: Đó có là thách thức cho doanh nghiệp xăng dầu? Ví dụ như PV Oil kết hợp với Vinfast để cung cấp trạm tích điện cho xe.
Ông Phạm Văn Thanh: Petrolimex cũng có một hợp tác toàn diện với bên VinGroup. Như tôi đã trao đổi, lợi thế của Petrolimex là 2.600 của hàng và gần 3.000 cửa hàng đại lý nhượng quyền, thương nhân phân phối. Tôi không muốn so sánh con số cụ thể với các đầu mối khác, công ty kinh doanh xăng dầu khác, nhưng khoảng cách giữa đơn vị đứng đầu thị trường (Petrolimex) và nhà phân phối thứ hai là rất xa. Petrolimex có hệ thống rất lớn từ cơ sở hạ tầng đến chuỗi cửa hàng bán lẻ.
PV: Năm 2018 có sự xuất hiện của đại gia xăng dầu của Nhật Bản IQ8 tạo sự cạnh tranh mới trong trên thị trường. Petrolimex có đánh giá như thế nào và ứng phó để cạnh tranh không?
Ông Phạm Văn Thanh: Petrolimex đang sở hữu khoảng 2.600 cây xăng và có gần 3.000 cây xăng của tổng đại lý, thương nhân nhượng quyền, do đó, một vài cây xăng của một vài nhà cung cấp nào đó xuất hiện sẽ không ảnh hưởng gì đáng kể đến Petrolimex.
Petrolimex sẵn sàng đối mặt với thách thức, cạnh tranh để nâng cao hình ảnh cũng như cải thiện chất lượng dịch vụ. Petrolimex mong muốn có sự cạnh tranh từ các nhà cung cấp mới để thúc đẩy Tập đoàn ngày một phát triển và minh bạch hoá, nâng cao chất lượng của sản phẩm và dịch vụ hơn nữa.